Kong Chro - một trong những huyện khó khăn nhất của tỉnh Gia Lai, có xấp xỉ 16% là hộ nghèo. Dù vậy, người dân đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc khai thác cây tạp (thực vật ngoài gỗ), thậm chí trên đất nông nghiệp của họ sở hữu.
Tất cả vì “lệnh cấm” từ chính quyền huyện. Nhóm PV ĐS&PL đã đến thực địa, tiến hành điều tra, làm việc với các bên liên quan... hé lộ nhiều thông tin “bí mật” nơi miền sơn cước.
Cận cảnh cây kê huyết đằng vừa khai thác.
Đến làng Tà Kacht
Từ lâu, người dân ở Kong Chro, đặc biệt là cộng đồng người Bahnar sinh sống lâu năm tại khu vực này vừa sản xuất nông nghiệp vừa thường xuyên khai thác các cây tạp của rừng, như: Tre, nứa, cỏ tranh, kê huyết đằng (hay còn gọi dây máu chó)... Đây cũng là một phần trong kế sinh nhai, có từ bao đời. Việc khai thác cây trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ... đã diễn ra ít đi, do chủ trương và sự quản lý rừng của Nhà nước.
Tuy nhiên, đối với rừng sản xuất và trên đất nương, rẫy... do người dân sở hữu... hoạt động này như một phương cách để giúp họ cải thiện cuộc sống. Từ đó, giảm thiểu vấn nạn phá rừng bừa bãi như trước đây.
Trong trời nắng như đổ lửa, nhóm PV đến xã Đắk Kơ Ning (huyện Kông Chro). Con đường vào xã khá khó khăn, từ trung tâm huyện Kông Chro vào, chỉ có 1 con đường độc đạo, với khoảng 20km. Đường trải bê tông khá phẳng phiu nhưng hơi nhỏ, chỉ đủ một chiếc ô tô lăn bánh, khi có các phương tiện khác thì hai bên phải né nhau.
Dạo quanh buôn làng, ghi nhận cho thấy, cuộc sống của người Bahnar tại khu vực này hết sức khó khăn. Hầu hết họ đều ở nhà sàn tự làm bằng vật liệu có sẵn, ít người xây được nhà. Đối nghịch với cảnh này là 1 căn nhà cấp 4, được xây nhằm làm trường mầm non của xã nhưng ngốn hết... 2,8 tỷ đồng cách đây nhiều năm.
Chúng tôi đến Làng Tà Kacht, nhìn xung quanh cơ bản là cánh đồng mì (khoai sắn) và một số hoa màu, cây cối khác mới xuống vụ, xen lẫn đó là khá nhiều đất trống, đồi trọc... trong mùa khô. “Thời điểm này ít ai làm được gì, ngoài là trồng mì, hoa màu nhưng mới xuống giống và ít cây lâu năm đã có từ trước. Còn lại cơ bản là đồi trọc, xen lẫn những đám cây dại mọc từ nhiều năm”, anh Võ Trọng Nhân, người dân của làng Tà Kacht, xã Đắk Kơ Ning chỉ ra khu vực trước nhà nói.
Anh Võ Trọng Nhân là người Kinh sống ở làng Tà Kacht đa gần 30 năm, anh Nhân cho biết: “Gia đình chúng tôi thị xã An Khê vào đây lập nghiệp đã lâu, giờ cơ bản cũng giống như người Bahnar rồi. Cộng đồng Bahnar có truyền thống như thế nào, chúng tôi cũng gần như vậy”.
Vào hiện trường...
Anh Nhân là người nói tiếng Bahnar sành sỏi. Nhờ anh làm “thổ địa” nên chúng tôi dễ dàng tiếp xúc, giao tiếp với cộng đồng người Bahnar tại khu vực này, vốn đang còn nói được rất ít tiếng Việt.
Mới đầu gặp chúng tôi, anh Nhân hết sức hồ hởi nhưng cũng rất bức xúc về chuyện chính quyền địa phương ngăn chặn việc người dân khai thác cây kê huyết đằng cũng như một số cây thực vật ngoài gỗ, như: Tre, nứa, cỏ tranh...
Anh chỉ ra vườn, khu vực thuộc đất gia đình đang để trống, có nhiều cây lâu năm bị dây máu chó mọc, quấn xung quanh, nói: “Dây máu chó mọc lên tự nhiên và quấn lấy thân cây, trước đây toàn để làm củi đốt. Chúng tôi phải chặt bỏ, để tránh cây leo - bám không cho cây chính mọc được tốt. Có người mua cây này là chúng tôi mừng lắm, được thêm đồng tiền để mua thêm mua gạo, mắm muối... nhưng bị chính quyền địa phương ngăn cấm, thật vô lý”.
Anh Nhân cho biết thêm: “Từ nhiều năm nay, chúng tôi vẫn khai thác dây máu chó bình thường, nay họ ngăn chặn. Họ cấm khai thác các loại cây không phải gỗ, không thuộc danh sách cấm... Càng không thể được đối với cộng đồng người dân nghèo tại xã Đắk Kơ Ning cũng như cả huyện Kong Chro như thế này”.
Theo chân anh Nhân đi vào khu vực đất nông nghiệp, đất rẫy, vườn... của người dân Bahnar - cách chừng 500m, chúng tôi ghi nhận thực tế về tình trạng khai thác cây kê huyết đằng cũng như các loại cây ngoài gỗ khác.
"Lệnh cấm" mà anh Nhân nói đến chính là xuất phát từ Văn bản số 644/UBND – NL do ông Huỳnh Ngọc Ẩn, Phó Chủ tịch UBND huyện Kong Chro ký, với nội dung “ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi khai thác, vận chuyển Kê huyết đằng (dây máu chó)”.
Từ nội dung này, người dân khai thác, mua bán, vận chuyển... cây máu chó đều bị cấm. Cụ thể là không thể lọt qua Chốt liên ngành Pa Kơ (do UBND huyện Kông Chro thành lập) khi người dân vận chuyển ra khỏi làng, xã bằng con đường độc đạo này. Về vấn đề này, nhóm PV sẽ đề cập ở các bài sau.
Trong cái nắng khô, cháy da người nhưng rất nhiều người đồng bào lại không có công ăn việc làm, hết sức vất vả trong việc bươn chải cuộc sống.
Gặp chúng tôi, anh Đinh Văn Hòa, người Bahnar ở làng Tà Kacht, xã Đắk Kơ Ning (qua người phiên dịch) cho biết: “Trước đây khi chưa có lệnh cấm những người Bahnar như chúng tôi đi chặt cây kê huyết đằng, bán cho người mua, mỗi ngày cũng kiếm được khoảng 100 nghìn đồng để phụ tiền gạo, rồi rau chợ hàng ngày.
Tuy nhiên, bây giờ cấm rồi, không được làm nữa và không có việc gì làm cả. Ăn rồi ở nhà đi loanh quanh hay vào suối bắt cá thôi”.
Dẫn chúng tôi đi đến những địa điểm để thu hoạch cây kê huyết đằng, anh Hòa chỉ những cây ven suối, cạnh đất nương, rẫy của nhà người quen, cách làng không bao xa.
Đây là khu vực đất vườn, đất rẫy của họ từ bao đời, cũng khai thác quanh năm suốt tháng. Dù vậy, việc khai thác trái huyết đằng và các ngoài gỗ, như: Cỏ tranh, tre, nứa... đều bị cấm và không ai làm gì được. Từ đó, việc kiếm thêm thu nhập từ các loại cây này... cũng bị chặn đứng.
Nhìn quang cảnh buôn làng dưới cái nắng chói chang, chúng tôi chưa hình dung được về tương lai của việc thoát nghèo của nhiều hộ gia đình tại xã Đăk Kơ Ning nói riêng và huyện Kong Chro nói chung - một trong những huyện khó khăn nhất của tỉnh Gia Lai.
Tùng Long- Việt Hùng
(còn nữa)
Bài đăng trên ấn phẩm Tạp chí Đời sống& Pháp luật số Thứ Năm (93)