Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Người bán hàng rong vào khu cách ly Covid - 19: Hành vi nguy hiểm từ sự quản lý lỏng lẻo

(DS&PL) -

Ít nhất hai lần, người bán hàng rong vào khu cách ly tiếp xúc và bán hàng cho bệnh nhân đang điều trị Covid-19.

Ít nhất hai lần, người bán hàng rong vào khu cách ly tiếp xúc và bán hàng cho bệnh nhân đang điều trị Covid-19. Người dân thở phào nhẹ nhõm khi người bán hàng rong và 3 người cùng cách ly có kết quả xét nghiệm âm tính lần thứ nhất với Covid-19. Thế nhưng câu chuyện để lại nhiều bài học, trong đó có vấn đề quản lý lỏng lẻo, nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng.

Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu – nơi xảy ra vụ việc.

“Điếc không sợ súng”

Qua xác minh, công an xác định người bán hàng rong vào khu cách ly bán hàng cho bệnh nhân Covid-19 là anh T.K.V. (SN 1988, ngụ khóm 5, phường 2, TP Bạc Liêu). Sự việc trên xảy ra vào chiều 16/5, anh V. bán trà đường, cà phê... trong bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu đi ngang qua khu vực cách ly. Anh H.H.T. (SN 1987, quê Hải Dương) đang điều trị ở khu vực cách ly do dương tính với Covid-19 mua một ly trà đường.

Mua nước xong, anh T. nhờ anh V. đi mua giùm bao thuốc lá. Khi mua thuốc lá về, nam bệnh nhân đưa tờ 500.000 đồng và được anh V. trả lại 450.000 đồng. Lúc này, bệnh nhân T. tiếp tục nhờ anh V. mua thêm 4 bao thuốc lá. Anh V. kêu con gái đi mua về, tự mình vào bệnh viện đưa thuốc lá cho anh T.. T. trả 100.000 đồng và V. ra về.

Về nhà, anh V. tiếp xúc với vợ, con (con anh V. đang học lớp 3/2, trường tiểu học Kim Đồng, TP. Bạc Liêu – PV) và một người hàng xóm (người này tiếp xúc với vợ và 5 người con). Ngày 19/5, anh V. chở vợ đến quán ăn ở phường 2 mua đồ về ăn sáng (trong quán có 10 người). Trong khoảng thời gian từ ngày 16 - 19/5, anh V. vẫn tiếp tục đi bán ở bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu (chưa rõ tiếp xúc với ai).

Ông Bùi Quốc Nam - Giám đốc sở Y tế tỉnh Bạc Liêu cho biết, người bán hàng rong và 3 người cùng cách ly có kết quả xét nghiệm âm tính lần thứ nhất với Covid-19 nên khả năng lây lan trong cộng đồng là không có và khẳng định sẽ không thực hiện việc cho học sinh ở trường tiểu học Kim Đồng nghỉ học. Theo ông Nam, anh V. vi phạm luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm một cách nghiêm trọng. Cơ quan chức năng đang củng cố hồ sơ, xử lý theo quy định pháp luật.


Khu cách ly điều trị bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu. 

Nguy cơ lây nhiễm rất cao

Là người từng tham gia trực tiếp công tác phòng, chống dịch Covid-19, bác sĩ Đoàn Mạnh Nam (khoa Hồi sức cấp cứu, bệnh viện Đa khoa Hòa Bình) bày tỏ sự lo ngại bởi người bán hàng rong này sẽ có nguy cơ lây nhiễm rất cao do tiếp xúc với người bệnh (F0).

“Việc tiếp xúc trực tiếp với F0 thì người bán hàng là F1 và nhiều người thành F2. Tôi không biết người bán hàng này có biết đang vào khu cách ly hay không hay vô ý lại không tự cách ly tại nhà, rồi lại tiếp xúc bán hàng, ăn uống khắp nơi. Điều này sẽ làm cho công tác khoanh vùng dập dịch của địa phương gặp khó khăn. Trong đó, lực lượng cơ quan chức năng, trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) của địa phương, y tế tỉnh lại vất vả nhất là thời tiết nắng nóng sẽ lại vất vả hơn trong việc khoanh vùng dập dịch”, bác sĩ Nam cho hay.

Theo bác sĩ Nam, tại khu cách ly từ ngay ngoài cổng bệnh viện vào, hay các khối nhà cũng có bảo vệ, nhưng có sự nới lỏng nên có thể vì thế mà người bán hàng rong vẫn vào được khu cách ly. Bác sĩ Nam nhấn mạnh: “Hành động của người bán hàng rong là quá chủ quan. Tôi cho rằng, ở thời điểm này, dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, phải nêu cao, siết chặt hơn công tác bảo vệ và ý thức của người đi cách ly, ý thức cộng đồng để giảm thiểu thấp nhất.

Trao đổi với PV ĐS&PL, luật sư Bùi Đình Ứng (đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, việc người bán hàng rong có ý thức chủ quan khi vào khu cách ly đang chữa trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19 để buôn bán là hành vi rất nguy hiểm. Cùng với đó, trách nhiệm của đơn vị quản lý khu cách ly cũng như ý thức của bệnh nhân nhiễm Covid-19 càng đáng lên án. Cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm những trường hợp nói trên theo quy định của pháp luật.

Theo luật sư Ứng, người bán hàng rong và bệnh nhân nhiễm Covid-19 đã có hành vi chủ quan, có thể bị xử phạt theo khoản 5, Điều 11, Nghị định 176 của Chính phủ về quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế. Mức phạt tối đa lên đến 20 triệu đồng.

Ngoài ra, đối với trách nhiệm của cơ quan quản lý tại khu cách ly khi để người ngoài có thể dễ dàng ra vào khu vực đặc biệt là hành vi tắc trách. Cơ quan chức năng tại Bạc Liêu sẽ xem xét, làm rõ trách nhiệm, đưa ra hình thức xử lý nghiêm minh nhất cùng với các biện pháp kỷ luật phù hợp.

Thu Huyền

Việt Tâm - Hoàng Bích

Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật Chủ nhật số (21)

Tin nổi bật