Đâu đó ngoài kia, lẫn vào sự ồn ào tấp nập của thành thị, vẫn có những con người ngày đêm tìm kiếm các em bé sơ sinh bị bỏ lại nơi bãi rác, trong những lớp túi ni lông bịt chặt. Họ, những người xa lạ không máu mủ, vẫn mang trong mình trách nhiệm đưa các em về nơi yên nghỉ cuối cùng.
Những người đi trộm… “rác”
Nghề bác sĩ vốn dĩ là công việc chuyên tâm cứu chữa cho sức khoẻ và tính mạng của con người. Anh Nguyễn Văn Minh (33 tuổi, trú tại huyện Yên Phong, Bắc Ninh) là một bác sĩ Răng - Hàm - Mặt - cũng ý thức được trọng trách đó đối với xã hội, nhưng công việc “cứu người” của anh lại đặc biệt hơn rất nhiều. Bằng cách thành lập hội Bảo vệ sự sống thai nhi Việt, bác sĩ Minh đã nhiều năm chuyên tâm cứu giúp những người đã bị chính người thân của họ chối bỏ mạng sống.
Chia sẻ với PV tạp chí Đời sống & Pháp luật (ĐS&PL), anh Minh kể, trước kia tôi đi làm xa, mỗi lần có dịp về nhà đều nghe gia đình kể về các hài nhi bị bỏ rơi ở gần chỗ tôi sống. Cứ như vậy, bao nhiêu lần nghe những câu chuyện đau lòng là bấy nhiêu lần thôi thúc anh lập nên hội “giải cứu” các em bé kém may mắn đó.
Lễ an táng cho các em bé sơ sinh bị bỏ rơi tại nghĩa trang Đồi Cốc (Sóc Sơn, Hà Nội). |
“Tôi vào “nghề” từ cuối năm 2013 cùng một người bạn nữa, tính đến nay cũng đã 7 năm. Chúng tôi làm việc này xuất phát từ cái tâm và sự đồng cảm với những sinh linh đáng thương”, anh Minh nói về lý do lựa chọn công việc đặc biệt này.
“Lúc mới bắt đầu, chúng tôi cũng nhận về những cái nhìn e ngại, né tránh của các phòng khám thai sản. Tôi cùng người bạn của mình đã in những tờ rơi và dán ở nhiều nơi để mọi người biết và liên lạc”, anh Minh tâm sự về thời gian đầu hoạt động của nhóm tình nguyện.
Ba năm đầu khi mới thành lập đội cũng là từng ấy thời gian anh Minh và các thành viên phải đến những bãi rác lớn hay nơi tập kết rác để trộm “rác” và tìm kiếm các em bé. “Có những đêm chúng tôi tìm được 14 bé tại một điểm tập kết rác, được bọc kỹ càng bằng chiếc túi ni lông cùng nhiều lớp giấy vệ sinh”, anh Minh kể.
Theo anh Minh, thời điểm các phòng khám thai đóng cửa là thời điểm thuận tiện nhất để tìm kiếm các bé bị bỏ rơi. “Chúng tôi thường đi vào các buổi đêm muộn cho đến rạng sáng”, anh Minh nói và cho biết thêm, cứ rong ruổi trên khắp các tuyến đường như vậy, trung bình mỗi ngày các đội tại 5 tỉnh sẽ thu gom được khoảng 20-30 bé.
Đến giờ, nhóm tình nguyện của anh Minh có gần 30 thành viên, trong đó thành viên chủ chốt thường xuyên đi tìm các bé là 10 người. Nhóm chủ yếu hoạt động tại 5 tỉnh, thành: Bắc Ninh, Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Giang và Hưng Yên. Cứ có thông tin về trường hợp nào đó cần giúp đỡ, nhóm tình nguyện này lại cắt cử thành viên đến tận nơi hỗ trợ.
Những cuộc đưa tiễn trong đêm
Bây giờ khi nhớ lại, anh Minh nói khó khăn lớn nhất là khi đội đến các phòng khám, cơ sở nạo phá thai và nói muốn xin các hài nhi đã tử vong về để chôn cất. Bỏ ngoài tai những lời thuyết phục của anh Minh, các bác sĩ chỉ lạnh lùng lắc đầu. Sau này, may mắn là đội tình nguyện đã tiếp cận được những cơ sở nạo, phá thai và “cứu” được nhiều bé hơn.
Có được những sinh linh bé bỏng đó rồi, khó khăn tiếp theo là mang các em đi đâu. Anh Minh bộc bạch, lúc đó việc tìm kiếm nghĩa trang nhận chôn hài nhi bị bỏ rơi với số lượng nhiều là rất khó khăn. Cuối cùng, sau nhiều nỗ lực, anh cũng tìm được nghĩa trang Đồi Cốc (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) là nơi nhận mai táng cho các em. Từ đó, cứ đều đặn hai tuần một lần, nhóm của anh Minh lại đem các em bé về nghĩa trang này để làm lễ cầu siêu và chôn cất.
Ngoài giải cứu các em bé sơ sinh, anh Minh và các thành viên trong đội còn giúp đỡ các sản phụ gặp hoàn cảnh khó khăn. |
Dù đã làm trong nghề 7 năm, nhưng anh Minh luôn nhớ về một em bé đội đã từng cứu cách đây vài năm. Khi anh nhận bé từ một cơ sở phá thai, tim của bé vẫn đập. “Lúc ấy tôi cùng các anh em trong đội đưa con đi cấp cứu, trên đường đi đã kết hợp ủ ấm và duy trì nhịp tim cho con”, anh Minh nhớ lại. Thế nhưng, trái với sự cố gắng của mọi người, khi gần đến bệnh viện, em bé đã ngừng thở. Ôm đứa bé xấu số trong tay, anh Minh cùng các thành viện trong đội quay trở về mà nước mắt cứ rơi. Anh khóc vì thương cho mảnh đời bất hạnh ấy, khóc vì đã không thể nào cứu được em.
Suốt những năm tháng bới tìm từng chiếc túi, trong từng bọc giấy, anh Minh đã dành cho các em bé sơ sinh ấy một sự yêu thương không thể diễn tả bằng lời. Khi nhìn những em bé được cứu sống, ôm các em vào lòng, anh Minh lại càng có thêm động lực để đi nhiều nơi, giúp đỡ nhiều mảnh đời bất hạnh hơn.
Bản thân anh, hiện cũng đang nuôi một em bé khác, là nạn nhân của nạo phá thai, của bi kịch bị chính mẹ đẻ vứt bỏ. Anh nói: “Chúng tôi đều muốn cho các con có một mái ấm với đầy đủ bố mẹ nên những cặp vợ chồng hiếm muộn nào muốn có con, chúng tôi đều tìm hiểu và giúp đỡ họ nhận nuôi các bé sơ sinh may mắn được đội cứu sống”.
Cắt ngang cuộc phỏng vấn của PV và anh Minh là những cuộc điện thoại báo về các bé sơ sinh bị bỏ rơi đang cần giúp đỡ. Anh Minh lại vội vã: “Vài tiếng nữa tôi phải đi tỉnh vì có điện thoại báo có vài trường hợp cần giải quyết gấp”.
Chẳng ai biết những con người ấy đã đi những đâu trong đêm, đã có những cảm xúc ra sao khi tận tay “tiễn” các sinh linh bé nhỏ đi nốt đoạn đường cuối cùng. Chỉ biết, họ đang làm một công việc dù không được đo bằng tiền bạc hay địa vị xã hội nhưng lại nhận về sự trân trọng, cảm phục từ cộng đồng.
"Trả lời PV ĐS&PL, ông Ngô Văn Sang -Phó Bí thư xã Thanh Xuân (Sóc Sơn, Hà Nội), nơi có nghĩa trang Đồi Cốc - cho biết, nhóm thiện nguyện này tự tổ chức và hoạt động, chi phí hoạt động ra sao xã không nắm rõ. Vì nghĩa trang ở thôn Đồi Cốc nên công tác quản lý sẽ do thôn đảm nhiệm. Về con số các hài nhi bị bỏ rơi được đưa đi chôn tại đây, ông Sang cho hay xã không nhận được tài liệu nào thống kê cụ thể về vấn đề này." |