Chương trình OCOP đã có tác động tích cực đến phát triển kinh tế khu vực nông thôn Nghĩa Lộ khi tiếp cận tổng thể, khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, đặc biệt là các giá trị văn hóa vùng miền để hình thành các sản phẩm OCOP đa giá trị, phù hợp nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của thị trường. Các sản phẩm OCOP đã giúp khai thác hiệu quả vùng nguyên liệu địa phương gắn với chỉ dẫn địa lý như: gạo Séng cù, thịt hun khói và du lịch cộng đồng...
Cảnh đẹp Bản Sà Rèn- Thị Xã Nghĩa Lộ, Yên Bái
Năm 2024, Thị xã Nghĩa Lộ tiếp tục phát huy vai trò của Chương trình OCOP trong phát triển sản xuất tập trung quy mô lớn, chất lượng cao trong lĩnh vực sản xuất hàng hóa nông nghiệp và phi nông nghiệp khu vực nông thôn đồng thời phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, sức sáng tạo của người dân để tạo ra những sản phẩm hàng hóa có chất lượng tốt, đạt tiêu chuẩn và có bao bì đẹp, hiện đại, phù hợp, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng để cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho phát triển dịch vụ, thương mại, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, góp phần xây dựng NTM đồng thời hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm, trọng tâm là các sản phẩm chủ lực để vươn ra thị trường trong và ngoài tỉnh.
Hiện Thị xã Nghĩa Lộ có 18 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao trở lên. Để xây dựng thành công các sản phẩm OCOP, thị xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đưa các chính sách ưu việt đến gần hơn với người dân; thực hiện hiệu quả các chương trình hỗ trợ các đối tượng, chủ thể tham gia chương trình OCOP; mở rộng quy mô sản xuất và kinh doanh đối với các hợp tác xã, doanh nghiệp có điều kiện và năng lực đưa vào sản xuất các sản phẩm mới trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm, khai thác tối đa điều kiện đất đai, cơ sở vật chất, nhân lực, nguyên liệu… theo nhu cầu thị trường.
Sản phẩm OCOP thịt sấy gác bếp
Trong năm 2023, Nghĩa Lộ đã đưa 16 sản phẩm OCOP của thị xã lên sàn giao dịch thương mại điện tử. Đây đều là những sản phẩm thế mạnh, đặc sản của địa phương, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo về chất lượng, đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên. Đẩy mạnh tuyên truyền, tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử, các cơ sở sản xuất được hướng dẫn, đào tạo về kỹ năng tham gia hoạt động trên môi trường số; kỹ năng thực hiện quy trình đóng gói, kết nối tác nghiệp trong quá trình kết nối mua bán trên sàn; hỗ trợ đăng ký tài khoản để đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn và quy trình thanh toán trực tuyến phục vụ giao dịch trên sàn.
Với những sản phẩm OCOP của thị xã đã có mặt trong hệ thống siêu thị, các cửa hàng lớn trong tỉnh, đến tay người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, Nghĩa Lộ đã tổ chức các hội chợ thương mại, tạo điều kiện để các chủ thể OCOP tham gia hội chợ thương mại ở tỉnh để quảng bá, giới thiệu sản phẩm với người dân, du khách. Phấn đấu đến hết năm 2024, Nghĩa Lộ tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng 18 sản phẩm đã được đánh giá, phân hạng; đánh giá lại 7 sản phẩm hết thời hạn công nhận gồm: gạo Séng Cù, du lịch cộng đồng xã Nghĩa An, du lịch cộng đồng xã Nghĩa Lợi, gạo Séng Cù Mường Lò, thịt trâu hun khói Mường Lò, thịt lợn hun khói Mường Lò, gạo Séng Cù Phúc Sơn.
Sản phẩm OCOP Gạo Séng Cù
Phấn đấu phát triển 7 sản phẩm mới đạt tiêu chuẩn 3 sao năm 2024 gồm: nấm Linh Chi, mắm tép chưng thịt, thịt chưng mắm tép, bánh chưng xanh - cẩm - đen, lạp sườn, quẩy nếp, thịt sấy của Nhà hàng Hưng Vân. Nhưng để đạt được mục tiêu kế hoạch đề ra, Nghĩa Lộ tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các xã, phường rà soát, đăng ký bổ sung các sản phẩm lợi thế, đặc trưng của địa phương để đưa vào danh mục thẩm định, công nhận hàng năm và giai đoạn. Bên cạnh đó, hướng dẫn các chủ thể hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP trên địa bàn đảm bảo kịp thời, đúng quy định; áp dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách để khuyến khích các chủ thể phát triển sản phẩm đặc trưng, lợi thế của địa phương.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân về Chương trình OCOP đã triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động các nguồn lực xã hội để thực hiện, định hướng đảm bảo tiến độ và hiệu quả; hỗ trợ các tổ chức kinh tế, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị và phát triển bền vững, góp phần thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí "Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong chương trình xây dựng NTM. Đồng thời hỗ trợ các tổ chức kinh tế, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị và phát triển bền vững, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới theo đề án: “Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Yên Bái giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030” và những năm tiếp theo…/.