Mới đây, một bé gái 2 tuổi tại Thâm Quyến, Quảng Đông (Trung Quốc) đã cho ngón tay vào khe cửa trong lúc bố mẹ không để ý.
Theo đó, bố mẹ của bé gái nghĩ rằng con chỉ đang chơi đùa bình thường như mọi ngày nên không mấy để ý. Không ngờ rằng, khi mẹ bé mở cửa, ngón tay của con vẫn ở giữa khe cửa. Vì lực mở cửa khá mạnh nên người mẹ đã kẹp đứt ngón tay của con gái.
Bé gái bị kẹp đứt ngón tay giữa do nghịch cánh cửa.
Cặp vợ chồng nhanh chóng đưa con gái đến bệnh viện cấp cứu. May mắn rằng, sau nhiều giờ phẫu thuật, cuối cùng các bác sĩ đã ghép lại được ngón tay cho đứa trẻ.
Qua chuyện này, bác sĩ nhắc nhở, trong cuộc sống nhiều tai nạn bất ngờ, trẻ con ý thức kém về an toàn dễ bị tai nạn, va chạm, mắc kẹt, đuối nước, bỏng nước, bỏng nhiệt, các bậc phụ huynh phải đề phòng và quan tâm đến con mình nhiều hơn.
Các bước sơ cứu khi trẻ bị kẹt tay vào cửa
Nếu chẳng may con bị kẹt ngón tay hoặc cả bàn tay trong khi đóng cửa, hoặc bị vật nặng rơi vào ngón tay bé sẽ vô cùng đau đớn, hoảng sợ bởi đầu ngón tay là nơi tập trung rất nhiều đầu mút dây thần kinh và các cơ quan cảm thụ. Do đó, mỗi chúng ta cần phải biết cách sơ cứu kịp thời các trường hợp này để giảm thiểu đau đớn, cũng như hoảng loạn cho con.
- Trước tiên người lớn phải thật bình tĩnh để tìm biện pháp xử lý thích hợp. Đồng thời giúp bé bình tĩnh hoặc xoa dịu cơn hoảng sợ của bé bởi nếu để trẻ bị kích động quá mức có thể làm tăng quá trình lưu thông máu và dẫn đến tình trạng sưng tấy nguy hiểm hơn.
- Trong khi tìm cách xử lý sự cố, cha mẹ nên đánh lạc hướng sự chú ý của bé để giảm bớt sự hoảng sợ, đau đớn.
- Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình huống để xem xét có cần tìm kiếm sự trợ giúp y tế chuyên nghiệp nhằm ngăn ngừa cơn đau hoặc chấn thương lâu dài hay không. Nếu vết thương nhẹ, cha mẹ có thể sơ cứu tại nhà cho con như chườm đá tại khu vực vết thương để giảm đau, tránh sưng tấy cho con. Nếu thấy nặng hơn, phụ huynh lập tức phải đưa con tới bệnh viện.
Linh Chi (T/h)