Trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ, toàn diện các vấn đề, NHNN dự kiến sẽ trình Chính phủ không đưa tỷ lệ giới hạn (49%) vào Dự thảo Nghị định.
Sau nhiều lần “nâng lên, đặt xuống” giới hạn sở hữu nước ngoài tại các doanh nghiệp công nghệ tài chính (fintech), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa quyết định bỏ hẳn giới hạn này trong Dự thảo Nghị định thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP. Điều này cũng tương đồng với kiến nghị trước đó của các nhà đầu tư trong lĩnh vực này.
NHNN cho biết, Nghị định số 101/2012/NĐ-CP quy định về TTKDTM đã tạo nền tảng pháp lý cơ bản cho hoạt động thanh toán trong thời gian qua, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ TTKDTM trong nền kinh tế. Tuy nhiên, trước sự phát triển của công nghệ và xu hướng hội nhập toàn cầu của nền kinh tế, để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong hoạt động thanh toán, các quy định về TTKDTM hiện hành cần tiếp tục được bổ sung, chỉnh sửa, hoàn thiện.
Dự thảo Nghị định nhận được sự quan tâm và tham gia ý kiến của nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Đến nay, NHNN đã nhận được ý kiến của hầu hết các bộ, ngành có liên quan; các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán; tổ chức trung gian thanh toán, các hiệp hội và tổ chức khác (với gần 80 ý kiến).
Ngân hàng Nhà nước đề xuất bỏ giới hạn sở hữu nước ngoài tại fintech. Ảnh minh họa |
Nội dung tâm điểm của dự thảo là dự kiến đưa ra tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài là 49% chỉ áp dụng cho các hoạt động trung gian thanh toán (không phải tất cả các công ty Fintech).
"Bên cạnh nhiều ý kiến đồng tình, NHNN cũng nhận được các ý kiến khác xung quanh việc quy định giới hạn tỷ lệ vốn góp, do dịch vụ trung gian thanh toán là loại hình dịch vụ mới dựa trên nền tảng ứng dụng thành tựu của công nghệ nên đầu tư nước ngoài đóng vai trò khá quan trọng, nếu hạn chế có thể ảnh hưởng đến thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực trung gian thanh toán nói riêng, Fintech nói chung", thông tin từ NHNN cho hay.
Ngoài ra, thực tế hiện nay có một số tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán lớn đã được cấp phép và có tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài vượt mức 49% nên cũng có thể ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp này.
"Trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ, toàn diện các vấn đề, các ý kiến góp ý cũng như các cam kết quốc tế mà Việt Nam có tham gia; phân tích, đánh giá các tác động của chính sách này mang lại trong bối cảnh hiện nay, NHNN dự kiến sẽ trình Chính phủ không đưa tỷ lệ giới hạn (49%) vào Dự thảo Nghị định", cơ quan quản lý ngành ngân hàng nhấn mạnh.
Vũ Đậu (T/h)