TTXVN dẫn nguồn tin từ hãng tin Reuters cho biết tuyên bố của bà Zakharova đã lặp lại đánh giá đưa ra hồi đầu tháng này của Cao uỷ phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), ông Josep Borrell.
Reuters cho biết thêm hồi đầu tháng này, ông Borrell nói rằng sự tồn tại của Ukraine phụ thuộc vào phương Tây và cuộc chiến sẽ kết thúc sau vài tuần nữa nếu nguồn cung cấp vũ khí của phương Tây chấm dứt.
Tuy nhiên, Cao uỷ phụ trách chính sách đối ngoại của EU bày tỏ ông không muốn chiến tranh ở Ukraine kết thúc như vậy.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Liên bang Nga - bà Maria Zakharova. Ảnh: TTXVN
Về phía Nga, vào ngày 8/5, khi được hỏi về cách giảm leo thang cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây, bà Zakharova cho biết phương Tây đã đưa ra những lời lẽ khoa trương về Nga.
"Và những gì cần thiết để giảm leo thang, ông Borrell đã nói: nếu bạn ngừng cung cấp vũ khí cho Kiev, mọi thứ sẽ kết thúc sau 2 tuần. Và đây là công thức giảm leo thang", bà Zakharova nhấn mạnh.
Theo bà Zakharova, vũ khí được chuyển đến Ukraine đang xuất hiện ở chính các nước phương Tây.
"Các cuộc tấn công khủng bố đã được thực hiện trên toàn thế giới, bao gồm trực tiếp trên lãnh thổ của các nước phương Tây, trong đó có liên quan đến những vũ khí này (vũ khí cung cấp cho Ukraine)", nhà ngoại giao Nga nói trong cuộc họp báo hôm 3/5.
"Những vũ khí này không chỉ được sử dụng trong các cuộc tấn công khủng bố mà còn ở các khu vực xung đột, và không một công dân nào của các nước phương Tây được an toàn khi trở thành nạn nhân của chính loại vũ khí và hệ tư tưởng mà phương Tây đã truyền bá cho chính quyền Kiev", bà Zakharova nói thêm.
Bà Zakharova cho biết Nga sẵn sàng xem xét các đề xuất nghiêm túc về giải pháp giải quyết xung đột ở Ukraine, nhưng sẽ không chấp nhận những lời đe dọa.
"Nga sẵn sàng xem xét các đề xuất thực sự nghiêm túc dựa trên thực tế, xem xét lợi ích an ninh của chúng tôi, trong khi những ngôn từ hoặc hành vi đe dọa là không thể chấp nhận được đối với chúng tôi", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga cho biết khi trả lời câu hỏi về những nhượng bộ mà Nga sẵn sàng đưa ra trong quá trình giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine.
Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ thông báo, nước này đã mời hơn 160 phái đoàn đến dự hội nghị hòa bình về Ukraine, bao gồm các nước G7, G20 và BRICS. Tuy nhiên, Nga vẫn chưa được mời "tính đến thời điểm hiện tại".
Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ, mục đích của hội nghị ngày 15-16/6 tại Burgenstock nhằm "đưa tiến trình hòa bình trong tương lai đến gần hơn và phát triển các bước đi thực tế hướng tới điều đó".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố Moscow sẽ không tham gia hội nghị về Ukraine ở Thụy Sĩ, hoặc bất kỳ sự kiện nào khác liên quan tới "công thức hòa bình" của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Bình luận về hội nghị hòa bình, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho biết: "Hội nghị hòa bình của Thụy Sĩ mang lại lợi ích gì cho Nga? Về cơ bản, đây sẽ là một bằng chứng khác về sự sụp đổ của cái gọi là kế hoạch hòa bình từ ông Zelensky".
Công thức hòa bình của Kiev kêu gọi Nga rút quân khỏi lãnh thổ Ukraine, cũng như thành lập một tòa án để truy tố các quan chức hàng đầu của Nga vì phát động cuộc chiến. Nga đã bác bỏ đề xuất này vì cho rằng "xa rời thực tế".
Nga tuyên bố sẵn sàng đàm phán, nhưng với điều kiện Ukraine phải thừa nhận "thực tế mới về lãnh thổ". Thực tế mà Moscow đề cập đến là việc các vùng lãnh thổ gồm Zaporizhia, Kherson, Lugansk, Donetsk và bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga sau các cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi, thông tin trên báo Dân Trí.