Đài RT đưa tin, ông Vladimir Rogov, thành viên của hội đồng chính quyền khu vực Zaporozhye do Nga chỉ định, ngày 3/9 (giờ địa phương), cáo buộc lực lượng Ukraine đã "thực hiện kế hoạch đột kích" vào thành phố Energodar, sau khi pháo kích vào khu vực lân cận nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu Zaporozhye.
Theo ông Rogov, các nhóm biệt kích Ukraine được cho sử dụng ít nhất 15 thuyền cao tốc trong nỗ lực băng qua hồ chứa Kakhovka để đổ bộ lên 3 khu vực gồm thành phố Energodar (nơi đặt nhà máy hạt nhân Zaporozhye) và các thị trấn lân cận Vasilyevka, Dneproprudnoye.
Trực thăng vũ trang Ka-52 của Nga. Ảnh: Russianhelicopters
Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Nga phát đi thông báo cho biết hơn 250 lính Ukraine tìm cách đổ bộ lên bờ hồ gần nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye, dường như nhằm mục đích "giành lại quyền kiểm soát nhà máy".
Thông báo cho biết thêm rằng lực lượng phòng thủ với sự yểm trợ của trực thăng vũ trang Ka-52 đã "bẻ gãy đòn tập kích".
Quân đội Ukraine chưa bình luận về thông tin.
Đây không phải lần đầu tiên Nga thông báo quân đội Ukraine tìm cách đổ bộ gần nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye.
Quân đội Nga từng cáo buộc Ukraine cử hai nhóm biệt kích với tổng quân số 60 người vượt hồ trữ nước Kakhovka và đổ bộ cách nhà máy khoảng 30 km trước khi đoàn đặc phái viên của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đến đây ngày 1/9.
Quân đội Nga cáo buộc, trong kế hoạch bất thành này, Ukraine muốn kiểm soát lại nhà máy điện hạt nhân và biến các chuyên gia hạt nhân của IAEA thành "lá chắn".
Sau cuộc điều tra, 6 thành viên của phái đoàn IAEA đã ở lại Energodar, trong đó 4 người sẽ rời đi vào cuối tuần, trong khi 2 người sẽ hiện diện lâu dài ở nhà máy Zaporozhye.
Binh sĩ Nga canh gác bên ngoài nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye. Ảnh: Reuters
Lực lượng Nga kiểm soát nhà máy Zaporozhye ở miền nam Ukraine từ hồi tháng 3 nhưng cơ sở này vẫn do nhân viên kỹ thuật Ukraine vận hành. Nhà máy này có 6 lò phản ứng lớn, có khả năng cung cấp điện cho 4 triệu hộ gia đình. Hiện hai trong số 6 lò phản ứng của cơ sở vẫn hoạt động, 4 lò còn lại đã bị ngừng chạy vì nguy cơ an ninh.
Từ tháng 7 tới nay, nhiều cuộc pháo kích xảy ra quanh khu vực nhà máy Zaporozhye, làm dấy lên lo ngại nguy cơ xảy ra sự cố hạt nhân tương tự thảm họa Chernobyl năm 1986. Nga và Ukraine cáo buộc lẫn nhau gây ra những vụ tấn công này.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu, đã có 29 cuộc tấn công nhằm vào cơ sở Zaporozhye kể từ ngày 18/7, với lượng vũ khí gồm 120 quả đạn pháo và 16 máy bay không người lái cảm tử.
Kiev cáo buộc, các vụ bắn đạn pháo là động thái do Moscow thực hiện để đổ lỗi cho Ukraine và Nga dường như đã sử dụng nhà máy để đặt khí tài quân sự và pháo hạng nặng.
Tuy nhiên, Bộ Tổng tham mưu Ukraine hôm 2/9 lần đầu thừa nhận, quân đội Ukraine đã nhằm mục tiêu vào khu vực quanh nhà máy điện hạt nhân để tấn công hệ thống pháo của Nga.
Nga bác bỏ các cáo buộc của Ukraine, nhấn mạnh chỉ có phương tiện hạng nhẹ được triển khai trong khuôn viên nhà máy để đảm bảo an ninh.
Hoa Vũ (T/h)