Tại bệnh viện khu vực Cimacan ở Cipanas, Cianjur (tỉnh Tây Java, Indonesia), các nhân viên y tế vẫn đang tất bật chăm sóc những nạn nhân bị thương trong vụ động đất ở Tây Java tại 3 chiếc lều tạm bợ. Nhiều nạn nhân đã được chuyển tới bệnh viện này sau khi con đường chính đến trung tâm thành phố Cianjur bị chặn do lở đất.
Phát ngôn viên của bệnh viện Cimacan - Rizki Utama - cho hay cơ sở này đã chăm sóc cho khoảng 260 bệnh nhân, 14 người trong số đó đã thiệt mạng. Phần lớn bệnh nhân được đưa tơi bệnh viện trong tình trạng gãy xương và trầy xước nghiêm trọng.
Eka Ruswati, giáo viên tiểu học 36 tuổi, cho biết, con trai thứ 2 của cô Muhammad Hisni là một trong những nạn nhân bị thương sau vụ động đất ngày 21/11. Hisni, 11 tuổi, đã bị rách đầu và tay khi đi tham quan cùng lớp học. Chiếc xe chở cả lớp cậu bé bị đất lở rơi trúng ở Cugenang.
Cô Ruswati kể lại: "Chiếc xe bị kẹt sau trận lở đất. Con trai tôi và những đứa trẻ khác đã được người dân địa phương sơ tán. Tôi rất biết ơn vì con trai tôi vẫn ổn. Hôm nay thằng bé sẽ được trở về nhà".
Nhiều người ở thị trấn Cianjur phải dựng tạm lều sống vì nhà cửa bị hư hỏng sau trận động đất ngày 21/11. Ảnh: Guardian
Sạt lở đất đã chặn các con đường chính vào Cianjur, gây ra tắc nghẽn giao thông, cản trở các xe cứu thương và lực lượng cứu hộ tiếp cận thành phố. Sau trận động đất, hàng dài người được trông thấy ở các trạm xăng. Trong khi đó, nhiều người khác chuẩn bị cho viễn cảnh mất điện. Hầu hết các cửa hàng, nhà hàng và cửa hàng tiện lợi đã phải đóng cửa.
Nhiều cư dân thành phố cũng sẵn sàng đối phó cho nguy cơ các cơn dư chấn sau động đất. Những người này cho biết họ không muốn trở về nhà và phải dựng lều sống tạm trong sân hoặc cánh đồng của họ.
Taufik Hidayat, một cư dân 37 tuổi của làng Cibeureum ở Cugenang, nói rằng anh và nhiều hộ gia đình khác trong khu vực đã sống trong lều từ chiều 21/11, sau trận động đất. Dù nhà của họ không bị hư hỏng nặng nhưng họ vẫn cảm thấy sợ hãi sau những gì vừa xảy ra. Anh chia sẻ: "Tôi nghĩ là chúng tôi sẽ ở trong lều thêm khoảng 3 ngày nữa. Tôi không thể ngủ được vì luôn lo sợ dư chấn. Tôi hy vọng mọi thứ sẽ trôi qua nhanh chóng".
Trong khi đó, bà Rahmawati, 50 tuổi, đã mất nhà cửa trong trận động đất. Bà tâm sự: "Chúng tôi không thể giữ được của cải của chính mình. Tôi chỉ có thể vội vã dẫn các con chạy ra ngoài và tận mắt chứng kiên ngôi nhà của chúng tôi sụp đổ chỉ trong vài phút".
Bà Rahmawati nói rằng bà không biết tương lai sẽ ra sao cũng như không biết liệu cuộc sống của bà có thể trở lại như bình thường hay không. Bà tiếp tục: "Tôi nghĩ rằng sẽ cần thời gian để xây căn nhà mới nhưng tôi không biết khi nào có thể làm được điều này. Tôi chỉ có thể ước rằng cuộc sống của tôi sẽ trở lại sớm nhất có thể".
Những căn lều tạm bợ của bệnh viện đang tiếp tục điều trị những người bị thương trong trận động đất. Ảnh: Guardian
Một số cư dân khác cũng không có sự lựa chọn nào ngoài việc sống tạm bợ ở những nơi trú ẩn vì nhà của họ đã bị hư hỏng nặng. Ông Nursalam, trưởng làng Cibeureum, cho biết có 200 người phải đến ở tại nơi trú ẩn mà ông cùng những người khác đã dựng lên.
Ông Nursalam nói rằng ông đã nhận được sự trợ giúp về quần áo và thực phẩm từ cộng đồng và các đảng phái chính trị, đồng thời hy vọng rằng chính phủ sẽ sớm gửi viện trợ xã hội. Ông chia sẻ: "Nhà của phần lớn những người ở đây đã không còn có thể ở được, căn nhà của tôi cũng vậy. Chúng tôi không biết bao giờ thì mình có thể trở về nhà. Tôi nghĩ rằng sẽ phải mất một thời gian nữa".
Chính quyền tỉnh Tây Java cho biết, tính đến ngày 22/11, số người thiệt mạng trong trận động đất tấn công thị trấn Cianjur đã tăng lên 252 người. Bên cạnh đó, 31 người hiện vẫn đang mất tích và có 377 người bị thương đang được chăm sóc, số người phải sơ tán sau cơn địa chấn đã lên tới 7.060 người.
Minh Hạnh (Theo Guardian)