Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nam sinh liều lĩnh dùng Faceboock “ảo” bán bánh chứa cần sa, lỗ hổng “chết người”

(DS&PL) -

Nam sinh liều lĩnh dùng Faceboock ảo bán bánh socola chứa cần sa cho thấy lỗ hổng của mạng xã hội.

Nam sinh liều lĩnh dùng Faceboock ảo bán bánh socola chứa cần sa cho thấy lỗ hổng của mạng xã hội. “Chợ” online ràng buộc lỏng lẻo khiến kẻ hám tiền, lười lao động bất chấp tất cả lao vào làm giàu bất chính.

Cơ quan CSĐT lấy lời khai của nam sinh Trương Thế Đạt. 

Trộn cần sa với socola

Mới đây, cơ quan CSĐT Công an quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho hay, đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với Trương Thế Đạt (SN 1998, ở Hạ Long, Quảng Ninh), Tô Minh Long (SN 2000, ở Hà Nội) sinh viên của một trường đại học tại Hà Nội để điều tra về hành vi mua bán trái phép chất ma túy.

Trước đó, trinh sát đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an quận Bắc Từ Liêm nắm được thông tin đối tượng công khai chào bán bánh cần sa qua mạng xã hội. Tại cơ quan công an, Đạt khai nhận đã gặp một người đàn ông ngoại quốc tại phố Lương Ngọc Quyến (Hà Nội) và được người này cho ăn thử một miếng bánh chứa ma túy cần sa. Ngay sau đó, Đạt đã lên mạng xã hội tìm và kết bạn với người đàn ông này.

Trò chuyện qua mạng xã hội, người đàn ông này cho Đạt biết miếng bánh mà Đạt ăn có một chút “bơ sáp” (cần sa). Chất này được người đàn ông ngoại quốc cho rằng sẽ hưng phấn, chữa bệnh...

Một thời gian sau, Đạt đã đặt mua “bơ sáp” từ người đàn ông lạ với giá 2 triệu đồng rồi trộn với socola, đun nấu pha chế làm ra những chiếc “bánh” chứa cần sa, vừa sử dụng vừa bán. Đạt đã bán thông qua trang Facebook cá nhân để kiếm tiền. Sau thời gian theo dõi, chiều 13/5, lực lượng chức năng bắt quả tang Long đang bán hộp bánh nghi chứa ma túy cho 2 thanh niên nên đưa về trụ sở.

Tại cơ quan Công an, Long khai nhận vừa lấy gói "hàng" từ nhà Trương Thế Đạt để đi giao cho T.. Làm việc với cơ quan điều tra, Đạt thừa nhận đưa ma túy cho Long để “ship” cho khách. Ngoài ra, Đạt tự nguyện giao nộp cho cảnh sát nhiều hộp, túi giấy hàng chục viên "bánh" màu xanh, màu nâu, đều có chất ma túy Delta9 -Tetrahydrocanabinol (thành phần chính của cần sa), tổng khối lượng là 1830,07 gam; 1 cân điện tử...

Không phải đến bây giờ, hiện tượng bán hàng cấm trên mạng xã hội mới bị phát hiện, trước đây đã có rất nhiều bài học được cảnh báo đến giới trẻ, thế nhưng dường như vẫn chưa đủ răn đe.

Nói về vấn đề này, PGS.TS. Phạm Ngọc Trung (nguyên Trưởng khoa Văn hóa và Phát triển học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho biết: “Bán hàng cấm trên mạng xã hội là một hiện tượng không còn hiếm mà ngày càng phổ biến. Vấn đề này chúng ta cần tìm hiểu nguyên nhân và đặt ra câu hỏi tại sao? Phải chăng do lối sống mở cửa du nhập một cách ồ ạt khiến cho người trẻ khó định hướng được đường đi của mình nên mới có những hành động dại dột, bồng bột như vậy.

Mặt khác, vấn đề giáo dục và giới tính hiện nay của chúng ta vẫn chưa thực sự hiệu quả. Nhiều trường học có đề cập đến vấn đề này nhưng vẫn dừng lại ở hình thức, mang tính sự vụ, chạy theo phong trào chứ chưa làm một cách bài bản nên mới để sinh viên thiếu căn bản về kỹ năng sống như vậy”.

Lỗ hổng từ mạng xã hội?

Chia sẻ với PV báo ĐS&PL, ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm đào tạo quản trị và an ninh mạng ATHENA cho hay, chúng ta không thể phủ nhận những tiện ích của mạng xã hội đã góp phần thay đổi cuộc sống, mang lại nhiều cơ hội cho xã hội, cộng đồng.

Tuy nhiên, một số cá nhân tổ chức đang lợi dụng phương tiện này nhằm vào mục đích xấu, công khai bán những mặt hàng cấm. Chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp những hình ảnh quảng cáo về buôn bán hàng giả, kêu gọi chơi cờ bạc, bán ma túy trên Facebook, điều này khó chấp nhận, cần phải có những ngăn chặn kịp thời.

“Nhiều người đã từng đặt câu hỏi: Mạng xã hội có phải là một công cụ để tiếp tay cho những hành vi vi phạm pháp luật? Xin thưa mạng xã hội chỉ là sàn cung cấp thông tin, nó không có tội gì hết. Vấn đề là mục đích sử dụng mạng xã hội của từng cá nhân, tổ chức khi tham gia vào phương tiện này. Tôi muốn nhấn mạnh thêm, mạng xã hội là công cụ để chúng ta truyền tải thông tin còn tốt hay xấu là do người sử dụng.

Chính vì thế, chúng ta cần có sự quản lý thật chặt chẽ từ các cơ quan chức năng khi phát hiện đối tượng lợi dụng mạng xã hội vào mục đích xấu”, ông Thắng phân tích.

Cũng theo PGS.TS Phạm Ngọc Trung, không ít người trẻ đang sống buông thả, tham vọng làm giàu bất hợp pháp. Nguyên căn là do nghèo, lười lao động, ham tiền nên họ không còn suy nghĩ được về hành động của chính mình. Sự buông lỏng của nhà trường, gia đình và xã hội cũng khiến cho một số bộ phận trẻ đi sai đường, không biết sợ pháp luật.

Để người trẻ hiểu được vấn đề đòi hỏi cần có sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, trách nhiệm của các mạng xã hội, sự quan tâm của gia đình, sự thận trọng tỉnh táo của mỗi cá nhân khi tiếp xúc các nội dung đăng tải trên mạng xã hội.

Mai Thu

Bài đăng trên báo giấy Đời sống & Pháp luật số 107

Tin nổi bật