Reuters đưa tin ngày 11/11, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho rằng: “Dầu thô của Nga sẽ được bán với giá tốt, và chúng tôi rất vui khi Ấn Độ, châu Phi hoặc Trung Quốc sẽ mua được dầu của Moscow với mức giá rẻ đó”.
Bà Yellen lập luận rằng khi Liên minh châu Âu ngừng mọi hoạt động nhập khẩu dầu của Nga bằng đường biển vào tháng 12 tới, Moscow sẽ buộc phải chấp nhận mức giá trần hoặc chiết khấu đáng kể so với giá thị trường.
“Nga sẽ gặp rất nhiều khó khăn để tiếp tục xuất khẩu nhiều dầu như trước đây, nếu EU ngừng mua dầu của Nga. Moscow sẽ phải tìm kiếm rất nhiều khách hàng và nhiều nước trong số đó vẫn phụ thuộc vào các dịch vụ của phương Tây”, bà Yellen nói và cho biết các biện pháp trừng phạt sẽ giới hạn tính khả dụng của các dịch vụ đó đối với những khách hàng tuân thủ mức giá trần.
Nhân viên làm việc tại một giàn khoan dầu ngoài khơi thành phố Nizhnevartovsk của Nga. Ảnh: Reuters
Bộ trưởng Tài chính Mỹ giải thích cơ chế này sẽ giúp Ấn Độ và các quốc gia khác giao dịch bên ngoài giới hạn đòn bẩy lớn hơn, nhưng phải trả chi phí cao hơn cho việc nhập khẩu dầu mỏ. Mục đích là duy trì dầu của Nga trên thị trường, đồng thời trừng phạt Moscow vì chiến dịch quân sự ở Ukraine và giảm mạnh doanh thu năng lượng của nước này.
Bà Yellen nói Ấn Độ và công ty dầu khí tư nhân ở Ấn Độ “có thể mua dầu Nga tùy ý, với số lượng không giới hạn, kể cả giá cao hơn mức giá trần mà Mỹ và EU áp đặt, miễn là không sử dụng các dịch vụ liên quan của phương Tây. Họ cần tìm các dịch vụ khác và bằng cách nào cũng được”, bà Yellen nói.
Các nước phương Tây hiện đang cung cấp dịch vụ vận chuyển dầu bằng tàu biển và dịch vụ bảo hiểm, cũng như dịch vụ tài chính để dầu Nga vận chuyển tới các khách hàng.
Nếu cơ chế áp giá trần có hiệu lực, Nga sẽ phải sử dụng dịch vụ vận chuyển trong nước hoặc nhờ vào các đối tác khác ngoài phương Tây.
Theo Reuters, phương Tây có thể áp giá trần dầu thô Nga ở mức 64 USD/thùng, là mức trung bình trong lịch sử.
Bà Yellen đưa ra tuyên bố sau khi Ngoại trưởng và Bộ trưởng Dầu mỏ Ấn Độ tuần trước khẳng định sẽ mua dầu Nga vì điều này đem lại lợi ích quốc gia.
Ấn Độ đang là khách hàng lớn của Nga, tranh thủ mua nhiên liệu với giá chiết khấu khi phương Tây quay lưng. Nhập khẩu dầu mỏ của Ấn Độ từ Nga tăng lên 23% trong tháng 9 - mức cao kỷ lục mọi thời đại. Tỷ lệ này chỉ ở mức 2% trước khi xung đột nổ ra ở Ukraine.
Khi được hỏi về kế hoạch của G7 nhằm áp trần giá lên dầu Nga, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar nói rằng, là một nước sử dụng dầu và khí đốt lớn thứ ba thế giới trong khi mức thu nhập không cao, Ấn Độ phải tự lo cho lợi ích của mình.
“Vì thế, thành thật mà nói chúng tôi nhìn thấy quan hệ Ấn Độ - Nga có lợi cho chúng tôi. Nếu có lợi cho chúng tôi, tôi muốn tiếp tục”, ông nói.
Ấn Độ không chỉ trích Nga vì chiến dịch quân sự ở Ukraine, nhưng kêu gọi hoà bình và đối thoại. Ông Jaishankar nhắc lại rằng Ấn Độ “ủng hộ bất kỳ sáng kiến nào nhằm giảm bớt rủi ro với kinh tế toàn cầu và ổn định trật tự”.
Nga là nhà cung cấp vũ khí và thiết bị quân sự lớn nhất của Ấn Độ trong nhiều thập kỷ, đồng thời là thị trường lớn thứ 4 của dược phẩm Ấn Độ.
Mộc Miên (T/h)