Các quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden dự đoán 4 tuần tới sẽ mang tính định hình kết quả cuối cùng của cuộc xung đột Nga - Ukraine. Theo đó, kết quả này được cho là sẽ ảnh hưởng đến việc vẽ bản đồ châu Âu trong nhiều thập kỷ tới.
Trong khi các quan chức thừa nhận xung đột có thể kéo dài và diễn biến gay gắt nhưng họ thừa nhận điều cấp thiết hiện nay là phải trang bị cho Ukraine càng nhiều vũ khí hiện đại càng tốt, đặc biệt là pháo tầm xa và radar chống pháo. Những nỗ lực này sẽ giúp Ukraine đầy lùi bước tiến của Nga tại khu vực Donbas, miền Đông đất nước.
Trước tình hình này, ngày 21/4 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết sẽ hỗ trợ thêm cho Ukraine 800 triệu USD viện trợ quân sự. Trong đó, ông Biden nhấn mạnh gói viện trợ mới nhất đã gửi "một thông điệp không thể nhầm lẫn" tới Tổng thống Nga Vladimir Putin: "Ông ấy sẽ không bao giờ thành công trong việc thống trị và giành quyền kiểm soát Ukraine".
Tổng thống Joe Biden và các quan chức quốc phòng Mỹ. Ảnh: NYT
Với quyết tâm hành động nhanh chóng, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin III và Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân, đã nói chuyện với các đồng minh trên khắp thế giới và dự đoán tháng tới sẽ là thời điểm "then chốt" của chiến dịch quân sự đặc biệt.
Nếu Nga có thể mở rộng ảnh hưởng ở phía Đông Ukraine, Tổng thống Putin sẽ nhận được nhiều sự ủng hộ hơn với "hoạt động quân sự đặc biệt" của ông như một thành công hạn chế và tuyên bố rằng ông đã bảo vệ được cho những người nói tiếng Nga ở khu vực này. Các quan chức Mỹ nói thêm rằng ông chủ Điện Kremlin cũng có thể tìm kiếm một lệnh ngừng bắn nhưng sẽ sử dụng Donbas làm đòn bẩy trong bất kỳ cuộc đàm phán nào.
Nhưng nếu quân đội Ukraine có thể ngăn chặn bước tiến của Nga ở Donbas, các quan chức dự đoán rằng ông Putin sẽ phải đối mặt với một lựa chọn rõ ràng: Cam kết tăng cường sức mạnh chiến đấu cho một cuộc chiến có thể kéo dài nhiều năm hoặc đàm phán một cách nghiêm túc tại các cuộc đàm phán hòa bình.
Các quan chức nhận định lựa chọn đầu tiên có thể có nghĩa là tổng động viên toàn quốc và có rủi ro chính trị đối với nhà lãnh đạo Nga.
Ông Peter Maurer, chủ tịch Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế, người đã đến thăm Ukraine hồi tháng 3, cho biết giai đoạn tiếp theo của cuộc xung đột "sẽ cực kỳ quan trọng". Ông nói: "Sự leo thang của các hành động thù địch ở Donbas, và tất cả các khu vực bị ảnh hưởng bởi xung đột vũ trang, là mối quan tâm hàng đầu".
Tại Lầu Năm Góc, cả ông Austin và Tướng Milley đã có những cuộc điện đàm không ngừng nghỉ và các cuộc gặp với các đồng minh, tập trung vào một chủ đề: Vũ khí. Ông Austin đã nói chuyện với người đồng cấp Romania vào ngày 18/4 và với Bộ trưởng Quốc phòng Tây Ban Nha vào ngày 19/4. Ngày 20/4, ông đã gặp Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan, và vào ngày 21/4, ông họp với người đồng cấp Séc.
Với cả 4 quan chức, các cuộc thảo luận đều giống nhau, đều xoay quanh một câu hỏi: Làm thế nào để vận chuyển vũ khí mạnh hơn cho Ukraine trong những tuần tới?
Sau nhiều tuần tập trung vào các loại vũ khí chống tăng và phòng không như Javelins và Stingers, các lô hàng mới trong tuần qua được gửi tới Ukraine đã có thêm pháo tầm xa, phương tiện chiến thuật và hệ thống radar di động, có tác dụng hỗ trợ Ukraine phát hiện và tiêu diệt các vị trí pháo binh của Nga.
Các quốc gia khác ở phương Tây cũng đang gửi xe tăng, nhiều pháo và tên lửa chống hạm.
Nhật ký điện thoại của Tướng Milley tuần này giống như một cuộc điểm danh các quốc gia có pháo và vũ khí hạng nặng: Úc, Anh, Canada, Đan Mạch, Pháp, Đức, Hy Lạp, Ý, Hà Lan, Na Uy, Bồ Đào Nha, Thụy Điển và Thổ Nhĩ Kỳ.
Một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ đã mô tả tháng tới là một bước ngoặt quan trọng đối với cả Nga và Ukraine. Giai đoạn này của trận chiến dường như có lợi cho Nga ở một mức độ nào đó, khi quân đội Nga di chuyển trên các địa hình thoáng hơn thay vì sa lầy trong các thành phố.
Tuy nhiên, quan chức này cho biết Lầu Năm Góc tin rằng với các loại vũ khí phù hợp và tinh thần chiến đấu cũng như động lực cao, các lực lượng Ukraine sẽ không chỉ ngăn chặn được bước tiến của Nga mà còn có thể đẩy lùi họ.
Bà Evelyn N. Farkas, quan chức cấp cao nhất về chính sách của Lầu Năm Góc đối với Nga và Ukraine dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, cho biết: "Người Nga có thể phục hồi nếu có đủ thời gian và những lính nghĩa vụ mới. Do đó, điều tối quan trọng là phải tấn công họ ngay bây giờ bằng tất cả những gì chúng tôi có thể cung cấp cho Ukraine".
Các chỉ huy quân sự hiện tại và cựu chỉ huy quân sự của Mỹ có kinh nghiệm ở Ukraine và châu Âu đã đồng ý với quan điểm này.
Giai đoạn thứ 2 của chiến dịch quân sự đặc biệt sẽ có ý nghĩa vô cùng quan trọng với cả Nga và Ukraine. Ảnh: NYT
Thiếu tướng Michael S. Repass, một cựu chỉ huy lực lượng Hoạt động Đặc biệt của Mỹ ở châu Âu đã nghỉ hưu, người từng tham gia với Ukraine các vấn đề quốc phòng kể từ năm 2016, nhận xét: "Điều đáng mừng cho Ukraine là họ phải ngăn chặn bước tiến của Nga để chiếm toàn bộ Donbas".
Nếu ông Putin thành công trong việc kiểm soát phía Đông Ukraine và thiết lập hành lang trên bộ tới Crimea, Tướng Repass cho rằng Moscow sẽ có vị thế mạnh hơn trong bất kỳ cuộc dàn xếp thương lượng nào.
Tướng Repass phân tích: "Trong một tháng nữa, tôi dự đoán cả hai bên sẽ kiệt sức mà không có quyết định/kết quả quân sự nào. Bế tắc có nghĩa là ông Putin thắng, và nếu ông Putin thắng thì chúng ta sẽ gặp khó khăn".
Để cố gắng ngăn chặn kết quả như vậy, các chỉ huy hiện tại và trước đây của Mỹ nói rằng quân đội Ukraine sẽ phải tìm cách phá vỡ sự xây dựng quân sự của Nga xung quanh thành phố phía Đông Izium và các khu vực dàn dựng quan trọng khác bằng các cuộc tấn công bằng pháo tầm xa và máy bay không người lái có vũ trang.
Trung tướng Frederick B. Hodges, cựu chỉ huy quân đội Mỹ ở châu Âu, chỉ ra: "Đó cũng là về việc làm gián đoạn các lực lượng Nga trong khi họ vẫn đang trong chế độ hoàn thiện và chuẩn bị, trước khi họ thực sự có thể đứng lên trở lại".
Các nhà phân tích quân sự cho biết ngay cả khi Moscow thu hẹp các mục tiêu và củng cố quân đội ở miền Nam và miền Đông Ukraine, kết quả của cuộc chiến vẫn chưa rõ ràng. Thực tế, những điểm yếu cơ bản của lực lượng Nga, vốn đã bộc lộ trong những tuần đầu của cuộc xung đột, chưa hẳn đã biến mất.
Minh Hạnh (Theo New York Times)