Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Mỹ bắt buộc lực lượng thực thi pháp luật gắn camera theo dõi trong khi làm nhiệm vụ

(DS&PL) -

Bộ Tư pháp Mỹ đã ban hành quy định bắt buộc gắn camera theo dõi đối với các lực lượng thực thi luật pháp liên bang trong khi làm nhiệm vụ.

Trong bản ghi nhớ được ban hành ngày 7/6 (theo giờ Mỹ), Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ Lisa Monaco đã thông tin về quy định bắt buộc các nhân viên thực thi pháp luật liên bang gắn camera theo dõi trong khi làm nhiệm vụ. Theo đó, quy định này được áp dụng đối với toàn bộ sĩ quan làm việc tại Cục điều tra Liên bang (FBI); Cục Rượu, Thuốc lá, Súng và Chất nổ; Dịch vụ Marshals.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ Lisa Monaco. Ảnh: Getty

Cụ thể, bà Monaco nêu rõ: "Bộ Tư pháp cho rằng tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong các hoạt động thực thi pháp luật sẽ xây dựng niềm tin đối với cộng đồng mà chúng ta đang phục vụ. Mặc dù nhân viên thực thi pháp luật của Bộ không thường xuyên thực hiện các cuộc tuần tra hoặc tực tiếp tiếp nhận các cuộc gọi khẩn cấp nhưng vẫn có những tình huống các nhân viên của Bộ tiếp xúc với công chúng trong các hoạt động được lên kế hoạch từ trước. Theo đó, chúng tôi cam kết các nhân viên thực thi pháp luật sẽ gắn camera theo dõi trong toàn bộ thời gian làm nhiệm vụ".

Trước đây, các đặc vụ và công tố viên liên bang thường nghiêng về lựa chọn báo cáo thông qua văn bản về các hoạt động bắt giữ và thẩm vấn nghi phạm hơn là thông qua video ghi hình hoặc băng ghi âm. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, quan điểm này đã dần thay đổi.

Vào năm 2014, dưới sự chỉ đạo của cựu Bộ trưởng Tư pháp Eric Holder, Bộ đã chỉ thị FBI bắt đầu ghi âm hoặc ghi hình các cuộc thẩm vấn đối với hầu hết các nghi phạm bị bắt giam.

Năm 2019, dưới sự chỉ đạo của cựu Bộ trưởng Tư pháp William Barr, Bộ đã phê duyệt một chương trình thí điểm cho phép các quan chức địa phương hoặc tiểu bang phục vụ trong lực lượng đặc nhiệm FBI sử dụng camera theo dõi gắn trên trang phục khi làm nhiệm vụ. 

Tháng 10 năm ngoái, ông Barr cũng đã đồng ý để các nhân viên không thuộc liên bang đeo camera trong khi thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt trên toàn quốc.

Mặc dù thay đổi chính sách mới nhất nhằm mục đích tăng cường niềm tin của công chúng đối với cảnh sát nhưng chỉ thị này lại đang gây tranh cãi về thời điểm nên công khai những video này.

Được biết, bà Monaco đã hướng dẫn các bộ phận thực thi pháp luật đưa ra "các thủ tục để nhanh chóng phát hành công khai các bản ghi âm trong các trường hợp liên quan đến thương tích cơ thể nghiêm trọng hoặc tử vong".

Tuy nhiên, quan chức số 2 của Bộ Tư pháp nhấn mạnh các chính sách mới cần phải phù hợp với các luật, quy định và chính sách hiện hành. Trong đó, chính sách hiện hành và nhiều quy định của tòa án liên bang tuyên bố các bằng chứng trong các vụ án hình sự không nên được công khai trong khi điều tra hoặc truy tố.

Trước đó, nhiều vụ việc cảnh sát hành hung và có hành vi bạo lực đối với nhiều đối tượng trong khi thi hành nhiệm vụ đã làm dấy lên làn sóng phẫn nộ của người dân. 

Minh Hạnh (Theo Politico)

Tin nổi bật