Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Muốn vay mua nhà ở xã hội phải có tiền gửi tiết kiệm?

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Đối tượng vay mua nhà ở xã hội (NƠXH) ngoài đáp ứng điều kiện giống gói 30.000 tỷ đồng (vay ưu đãi) phải có sổ tiết kiệm tại chính ngân hàng cho vay.

(ĐSPL) - Đối tượng vay mua nhà ở xã hội (NƠXH) ngoài đáp ứng điều kiện giống gói 30.000 tỷ đồng (vay ưu đãi) phải có sổ tiết kiệm tại chính ngân hàng cho vay.

Người giàu mới đủ điều kiện vay?

Theo tin tức trên báo VnExpress, Ngân hàng Chính sách Xã hội vừa ban hành văn bản hướng dẫn nghiệp vụ cho vay ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội. Theo quy định này, khi vay vốn tại Ngân hàng Chính sách Xã hội, người vay phải thực hiện gửi tiền tiết kiệm hằng tháng tại đây với thời gian gửi tối thiểu 12 tháng kể từ ngày ký hợp đồng tín dụng. Số tiền nộp vào sổ hằng tháng tương đương tiền trả nợ trong tháng đó.

Quy định này ngay lập tức gây tranh cãi bởi khiến người vay hiểu rằng nếu họ phải trả mỗi tháng 8 triệu đồng cho số tiền vay mua nhà thì đồng thời cũng phải có thêm 8 triệu nữa để gửi tiết kiệm. Trong khi đó, phần lớn đối tượng vay mua nhà có thu nhập thấp nên việc có đủ số tiền nêu trên mỗi tháng là rất khó khăn.

Thông tin trên báo Tiền Phong, anh Nguyễn Hùng (Hà Đông, Hà Nội) đang dự tính mua NƠXH tại Phú Lãm (Hà Đông, Hà Nội) lo lắng vì quy định mới. “Mặc dù lãi suất còn 4,8\%/năm, nhưng phải có sổ tiết kiệm khiến giấc mơ mua nhà của tôi đành khép lại”. Anh Hùng tính toán, với khoản dự định vay 700 triệu đồng, mỗi tháng anh phải trả hơn 5 triệu đồng cả gốc lẫn lãi cho ngân hàng. Theo quy định mới của Ngân hàng Chính sách xã hội, anh Hùng còn phải trả thêm 5 triệu đồng/tháng gửi vào sổ tiết kiệm trong vòng 12 tháng. “Tiền vay mua nhà không lấy đâu ra tiền gửi tiết kiệm. Mục tiêu của chương trình NƠXH là dành cho người thu nhập thấp, nhưng với quy định mới chỉ có người giàu mới có đủ điều kiện vay”, anh Hùng nói.

Còn chị Nguyễn Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội) băn khoăn: “Ngay từ bây giờ tôi phải đi gửi tiết kiệm tại Ngân hàng Chính sách xã hội và phải đợi 1 năm nữa mới đủ điều kiện vay mua nhà. Liệu trong vòng 1 năm tới có còn NƠXH không khi hiện có nhiều dự án bán gần hết”.

Ông Vũ Kim Giang, Giám đốc Sàn Giao dịch Bất động sản Hải Phát (chủ đầu tư dự án NƠXH Phú Lãm, Hà Đông) cho biết, hiện dự án xây xong phần thô nhưng có đến hàng trăm người mua chưa được vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách. “Chúng tôi bán hàng đúng thời điểm gói 30.000 tỷ đồng kết thúc nên người mua nhà chịu thiệt vì không vay được ưu đãi. Đa số khách mua NƠXH tại dự án NƠXH Phú Lãm là công nhân quanh khu công nghiệp. Việc quy định có sổ tiết kiệm vô tình tạo ra giấy phép con gây khó cho người thu nhập thấp”, ông Giang cho hay.

Khi vay vốn tại Ngân hàng Chính sách Xã hội, người vay phải thực hiện gửi tiền tiết kiệm hằng tháng tại đây. (Ảnh minh họa).

Liên quan số tiền gửi tiết kiệm tại Ngân hàng Chính sách xã hội được quy định bằng mức trả nợ hàng tháng của người vay vốn, ông Lê Hoàng Châu-Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM cho rằng: Số tiền quá cao so với khả năng của người thu nhập thấp. “Chúng tôi sẽ đề xuất mức gửi chỉ từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng/tháng. Và nên có mức gửi bằng nhau để không có sự ganh tị giữa những hồ sơ mua nhà. Có như vậy, chính sách về NƠXH mới phát huy hết vai trò và tính hiệu quả của nó”, ông Châu nói.

Ngân hàng Chính sách lên tiếng

Tại cuộc họp báo do Ngân hàng Nhà nước chủ trì gần đây, đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết cách hiểu này chưa đúng. Vị này lý giải, quy định này chỉ là để tạo cho người vay có ý thức trả nợ chứ không hề gây thêm khó khăn bởi thực tế trong một năm đầu tiên vay, khách hàng được ân hạn gốc.

Ví dụ sau khi được Ngân hàng Chính sách Xã hội giải ngân, số tiền hằng tháng khách hàng phải trả là 8 triệu đồng (trong đó có 5 triệu gốc). Tuy nhiên, do được ân hạn gốc một năm (12 tháng không phải trả gốc) nên số tiền lãi mỗi tháng phải nộp chỉ khoảng 3 triệu. Như vậy, ngoài trả nợ cho ngân hàng 3 triệu, khách hàng chỉ phải gửi tiết kiệm tại Ngân hàng Chính sách Xã hội tối thiểu 3 triệu đồng chứ không phải gửi cả 8 triệu đồng.

Với tiền gửi tiết kiệm, lãi suất được đề nghị bằng lãi suất tiền vay được Chính phủ ban hành (4,8\% một năm). "Như vậy, việc phải gửi tiền tiết kiệm cũng không ảnh hưởng tới khả năng trả nợ của khách hàng. Không những vậy, nó còn để tạo cho người thu nhập thấp có ý thức trả nợ, có thu nhập thường xuyên để trả nợ cho những năm tiếp theo chứ không nhằm mục đích tạo nguồn vốn cho người cho vay", lãnh đạo Ngân hàng Chính sách Xã hội giải thích.

Về cơ sở pháp lý của quy định phải gửi tiền tiết kiệm mới được vay, Ngân hàng Chính sách Xã hội cũng dẫn Luật Nhà ở năm 2013 cho thấy Ngân hàng Chính sách Xã hội được thực hiện huy động tiền gửi tiết kiệm của hộ gia đình, cá nhân trong nước có nhu cầu mua, thuê mua nhà ở xã hội để cho các đối tượng này vay với lãi suất ưu đãi và thời hạn vay dài hạn sau một thời gian gửi tiết kiệm nhất định.

Bên cạnh đó, Nghị định 100/2015 của Chính phủ cũng cho biết: "Khách hàng là hộ gia đình, cá nhân khi vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội phải thực hiện gửi tiết kiệm hằng tháng, với thời gian tối thiểu 12 tháng và mức gửi theo quy định của bên cho vay”.

Là đơn vị soạn thảo luật và nghị định liên quan đến NƠXH, ông Vũ Văn Phấn - Cục phó Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng, việc quy định sổ tiết kiệm không mang ý loại bỏ đối tượng nào vay vốn, mà nhằm ràng buộc trách nhiệm của người vay mua nhà với ngân hàng. “Ngân hàng Chính sách phải làm chặt chẽ do không biết đối tượng có khả năng trả nợ hay không. Người mua nhà nên thông cảm bởi nhà nước chỉ hỗ trợ phần chênh lệch 50\% lãi suất ngân hàng phải tự huy động vốn vay. Quy định có sổ tiết kiệm hoàn toàn có lý”, ông Phấn nói.

Theo ông Phấn, người vay mua nhà gửi tiết kiệm càng lâu sẽ được ưu tiên vay trước. Ngân hàng Chính sách có thể linh động cho người dân nộp tiết kiệm luôn 12 tháng để được vay ngay (thay vì sau 12 tháng mới cho vay).

Trong khi đó, TS Cấn Văn Lực-hàm Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam cho rằng, không cần thiết phải quy định sổ tiết kiệm để ràng buộc người vay mua nhà. Người dân phải chứng minh thu nhập, dùng tài sản thế chấp hình thành trong tương lai để làm điều kiện vay là điều kiện cần và đủ. Việc làm sổ tiết kiệm chỉ đúng khi sử dụng thay cho vốn đối ứng của người vay.

Ngọc Anh (Tổng hợp)

Nguồn: Người đưa tin

Tin nổi bật