Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Một trường đột ngột dừng tuyển sinh ngành Luật: Bộ GD&ĐT nói gì?

(DS&PL) -

Theo Vụ Giáo dục Đại học, việc nhà trường thông báo dừng tuyển sinh ngành Luật kịp thời cũng là để bảo đảm quyền lợi của người học.

Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM. Ảnh: Dân Việt

Ngày 11/8, thông tin Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM dừng tuyển sinh ngành Luật và hủy kết quả trúng tuyển theo phương thức xét học bạ khiến dư luận xôn xao.

Liên quan đến vấn đề này, Tri thức trực tuyến dẫn nguồn thông tin từ Vụ Giáo dục Đại học, bộ GD&ĐT, cho biết Khoản 1, Điều 3 Quy chế tuyển sinh trình độ đại học; trình độ cao đẳng ngành Giáo dục mầm non quy định: “Cơ sở đào tạo thực hiện quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình về công tác tuyển sinh, bảo đảm đúng quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật”.

Những ngành tuyển sinh phải được mở ngành và duy trì các điều kiện đảm bảo chất lượng để tuyển sinh và đào tạo theo đúng quy định. Trong quá trình xây dựng đề án tuyển sinh, các trường phải rà soát các điều kiện đảm bảo chất lượng này.

Đối với trường hợp các ngành đã mở nhưng không đủ điều kiện để tuyển sinh và đào tạo, các trường phải dừng tuyển sinh, Bộ GD&ĐT sẽ tiến hành xử lý theo quy định hiện hành.

ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM đưa ngành Luật vào đề án tuyển sinh trong khi chưa đảm bảo các điều kiện theo quy định là việc làm sai. Việc này đã được Bộ GD&ĐT chỉ ra trong quá trình kiểm tra tại trường vào cuối tháng 7, đầu tháng 8 vừa qua.

Cũng theo Vụ Giáo dục Đại học, việc nhà trường thông báo dừng tuyển sinh ngành Luật kịp thời cũng là để bảo đảm quyền lợi của người học. Nếu nhà trường tiếp tục tuyển sinh, sinh viên theo học ngành không đủ điều kiện sẽ chịu thiệt hại khi không được công nhận tốt nghiệp hoặc phải chuyển trường khác khi các cơ quan quản lý nhà nước xử lý sau này.

Vụ Giáo dục Đại học khẳng định thí sinh còn đầy đủ cơ hội để đăng ký vào ngành đó của trường khác hoặc ngành khác của trường. Nếu thí sinh đã nộp lệ phí xét tuyển, trường phải có trách nhiệm hoàn trả đầy đủ.

Để không làm ảnh hưởng đến tâm lý, quyền lợi của thí sinh sau khi phát hiện ra các sai sót và các điều kiện chưa đảm bảo... Bộ GD&ĐT đã yêu cầu nhà trường khẩn trương thông tin tới mọi thí sinh, đồng thời báo cáo với bộ để đóng chức năng đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống.

Việc này nhằm để thí sinh khác không tiếp tục đăng ký xét tuyển ngành Luật. Ngoài ra, khi đóng ngành xét tuyển, trạng thái nguyện vọng của thí sinh sẽ trở thành không hợp lệ. Bộ cũng yêu cầu nhà trường phối hợp với các sở giáo dục và đào tạo, nhanh chóng liên hệ với thí sinh, hướng dẫn thí sinh điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển sang các ngành, trường khác.

Trước đó, trao đổi trên Thanh Niên, một cán bộ quản lý của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cho biết, trường này là một trường tự chủ, làm thủ tục mở ngành luật đã lâu. Theo thông tư cũ của bộ GD&ĐT, nhà trường đủ tiêu chuẩn để mở ngành. Tuy nhiên, do quá trình bổ túc hồ sơ kéo dài cho đến lúc có quy chế mới (Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT về điều kiện, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ) thì nhà trường chưa đáp ứng đủ tất cả tiêu chí đảm bảo chất lượng.

Theo cán bộ quản lý này, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM đã gửi thông báo đủ điều kiện trúng tuyển phương thức sớm cho hàng chục thí sinh. Tuy nhiên, nhà trường rà soát các tiêu chí đảm bảo chất lượng và có cuộc họp quyết định dừng tuyển sinh sớm ngành luật trong thời điểm này để thí sinh kịp thời chuyển ngành khác.

“Trường đã liên lạc trực tiếp từng thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển sớm để thông báo và hướng dẫn các em thực hiện chuyển đổi ngành học trong thời gian còn lại”, cán bộ quản lý Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM lý giải thêm.

Cự Giải (T/h)

Tin nổi bật