Ông Richard Hopkins, nhân viên bưu điện ở hạt Erie, đã rút lại lời khai trước đó về việc có gian lận trong quá trình bầu cử tại bang Pennsylvania.
Ngày 10/11 (theo giờ Mỹ), tổng thanh tra Dịch vụ Bưu chính Mỹ thông báo trước Quốc hội về việc ông Richard Hopkins, nhân viên bưu điện hạt Erie (bang Pennsylvania) rút lại lời khai trước đó về việc có gian lận trong quá trình bầu cử.
Trước đó, ông Hopkins cho biết ông đã chứng kiến một giám sát viên đã "giả mạo các lá phiếu gửi qua thư". Trong bản tuyên thệ với đội ngũ Tổng thống Trump, nhân chứng tiết lộ thêm rằng ông đã nghe thấy cuộc thảo luận về việc sửa đổi ngày ghi trên các lá phiếu gửi qua thư được nhận sau ngày bầu cử 3/11.
Theo quy định, những lá phiếu gửi qua thư cần được xác nhận dấu của bưu điện trước 17h ngày 3/11, nếu không sẽ không được coi là hợp lệ.
Một nhân chứng tại bang Pennsylvania đã rút lại lời khai về gian lận bầu cử. Ảnh: AP |
Sau khi công khai thông tin trên, ông Hopkins đã được mời thẩm vấn riêng với văn phòng tổng thanh tra Dịch vụ Bưu chính Mỹ. Tại đây, ông đã rút lại hoàn toàn các cáo buộc trên của mình.
Tuy nhiên, không lâu sau khi đảng Dân chủ thông tin về vấn đề trên, một đoạn video của nhóm bảo thủ mang tên Project Veritas đã được lan truyền trên mạng xã hội. Trong đó, ông Richard Hopkins chia sẻ ông thật sự không hề lật ngược lời khai của mình. Các chuyên gia cho rằng nhóm Project Veritas đang tham gia vào một chiến dịch "gây nhiễu" dư luận với các thông tin sai lệch về bầu cử.
Quan chức bầu cử bang Pennsylvania cho biết họ đã tách biệt những lá phiếu được gửi tới sau ngày bầu cử với những lá phiếu được gửi tới trước đó. Bởi vậy, không có ứng viên tổng thống nào được công thêm phiếu từ số phiếu gửi tới muộn. Quan chức bầu cử khẳng định chiến thắng của đại diện đảng Dân chủ Joe Biden là hoàn toàn minh bạch và không hề có gian lận như những cáo buộc được đưa ra trước đó.
Theo ông Carl Anderson III, Chủ tịch Hội đồng bầu cử hạt Erie, sau ngày 3/11, cơ quan kiểm phiếu hạt này chỉ nhận thêm khoảng 130 lá phiếu. Ông khẳng định quy trình kiểm duyệt tính hợp lệ của các lá phiếu gửi qua thư đã được xem xét cẩn thận theo đúng quy định.
New York Times nhận định, những lời khai của ông Hopkins đã bị các đảng viên Cộng hòa "khuếch đại" trong cuộc chiến pháp lý hậu bầu cử bởi cáo buộc thiếu căn cứ về gian lận.
Trong đó, Thượng nghị sĩ Lindsey Graham tại tiểu bang Nam Carolina, chủ tịch Ủy ban Tư pháp, một người ủng hộ ông Trump hết mình trong cuộc chiến pháp lý, đã gửi bản tuyên thệ của ông Hopkins cho các phóng viên cùng với một tuyên bố có nội dung: "Tôi sẽ không để các cáo buộc về vấn đề gian lận bầu cử bị bỏ qua".
Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình sau đó, ông Graham thừa nhận, những lời khai của ông Hopkins chưa được xác thực.
Nhân chứng Hopkins chưa đưa ra bình luận về vấn đề này. Trong khi đó, Văn phòng tổng thanh tra nói với Quốc hội rằng ông Hopkins đã rút lại lời khai của mình nhưng không nói rõ lý do tại sao ông ký vào bản tuyên thệ với đội ngũ Tổng thống Trump.
Mới đây, tối 10/11 (theo giờ Mỹ), Thư ký báo chí Nhà Trắng Kayleigh McEnany cho biết, bà đang sở hữu tập tài liệu dài 234 trang ghi lại lời tuyên thệ của các nhân chứng tại hạt Wayne (bang Michigan) về việc nhiều hành vi thiếu minh bạch xảy ra trong quá trình bỏ phiếu.
Đội ngũ Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra nhiều cáo buộc về việc có gian lận trong quá trình bầu cử kể từ sau ngày 3/11. Dù vậy, các cáo buộc này đã bị quan chức bầu cử tại các tiểu bang phủ nhận do thiếu căn cứ và bằng chứng không đủ tính xác minh.
Minh Hạnh (Theo NY Times)