Chuyên gia Iran nhận định, mối đe dọa mà Tổ chức Hồi giáo tự xưng IS đem lại đã phần nào bị phóng đại, nhưng quyết định tiêu diệt thủ lĩnh nhóm khủng bố là điều đúng đắn.
Hôm 26/10 vừa qua đã đánh dấu đúng 1 năm kể từ khi Abu Bakr Al Baghdadi, thủ lĩnh khét tiếng của Tổ chức Hồi giáo tự xưng IS, bị tiêu diệt. Được biết, IS là một tổ chức khủng bố mới từng gây chấn động thế giới với hàng loạt các vụ tấn công và hành quyết dã man.
Trong giai đoạn "đỉnh cao" vào năm 2014, IS đã chiếm quyền kiểm soát những vùng lãnh thổ rộng lớn ở Syria và Iraq. Tại các khu vực này, tổ chức khủng bố đã thiết lập sự cai trị với lực lượng quân đội riêng, mở trường đào tạo và thậm chí sở hữu một hệ thống tiền tệ riêng.
Khi ấy, hàng triệu người Syria và Iraq đã phải sinh sống dưới chế độ của IS và luôn lo sợ trở thành mục tiêu sát hại của lực lượng khủng bố.
Vẫn còn hoạt động khủng bố
Tiến sĩ Eado Hecht, một chuyên gia quân sự từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Begin-Saddat, nhận định, dù nguy hiểm nhưng phần lớn mối đe dọa mà IS mang lại đã phần nào bị phóng đại.
Ông phát biểu: "Tất nhiên phải ghi nhận rằng những tổ chức khủng bố như Al Qaeda và IS có khả năng gây ra những vụ tấn công kinh hoàng bên ngoài lãnh thổ Hồi giáo, nhưng nhìn chung mối nguy hiểm mà các tổ chức này đem lại đã phần nào được làm rõ. Thứ nhất, IS không có khả năng chinh phục và thống nhất hoàn toàn thế giới Hồi giáo như họ từng tuyên bố. Thứ hai, tổ chức này không thể khiến bất kỳ quốc gia phương Tây hay thậm chí những nước nhỏ hơn tại châu Phi, châu Á suy yếu".
Tổ chức Hồi giáo tự xưng IS từng gây ra nhiều tội ác kinh hoàng. Ảnh: Independent |
Dù bậy, ông Hecht vẫn khen ngợi vụ ám sát trùm khủng bố Abu Bakr Al Baghdadi vào ngày 26/10/2019 là một nước đi thông minh của Mỹ giúp thế giới trở nên an toàn hơn.
Trước đó, vào năm 2017, IS đã không còn được đánh giá là tổ chức khủng bổ nguy hiểm nhất thế giới sau khi mất tới 95% lãnh thổ. Dù vậy, những hiểm họa về các cuộc tấn công của IS vẫn ám ảnh và tiềm ẩn tại khu vực Trung Đông.
Khoảng 2 tuần trước, có thông tin cho rằng IS đã gia tăng các hoạt động bạo lực ở châu Phi dù đã có tuyên bố cho rằng tổ chức khủng bố này không còn là mối đe dọa. Các báo cáo tương tự cũng được ghi nhận ở bán đảo Sinai của Ai Cập, nơi các nhà chức trách đang đấu tranh để loại bỏ nhóm Hồi giáo cực đoan, cũng như ở các khu vực của Syria và Iraq, nơi các trận chiến vẫn đang diễn ra.
Mức độ đe dọa khác trước
Tiến sĩ Iran thừa nhận mối đe dọa về một tổ chức khủng bố IS vẫn còn hiện hữu, song mức độ nghiêm trọng không còn như xưa.
Ông nhận xét: "IS có thể sẽ tiếp tục các hành động bạo lực nhỏ lẻ của mình nhưng tác động mà nhóm này gây ra sẽ không còn ảnh hưởng lớn tới thế giới. Hiện tại, phiến quân IS là mối đe dọa kiểu du kích cấp thấp đối với chế độ và người dân Syria. Họ có thể tấn công Syria nhưng tuyệt nhiên không đủ sức chiếm giữ các vùng lãnh thổ".
Theo ông Hecht, đây là kết quả của việc cộng đồng quốc tế đồng lòng kiềm chế tầm ảnh hưởng của IS. Từ năm 2014, sự ra đời của liên minh chống IS đã thống nhất các quốc gia phương Tây tham gia cùng Nga, Iran cùng một số quốc gia Ả Rập và châu Phi để hướng tới mục tiêu chung: Ngăn chặn nhóm khủng bố.
Liên minh đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Năm ngoái, Tổng thống Mỹ Donald Trump từng tuyên bố ông và đồng minh đã giành lại 100% phần lãnh thổ ở Trung Đông từng bị IS chiếm giữ, mở đường cho những đòn đánh khác nhằm vào chế độ Hồi giáo cực đoan.
Dù vậy, chuyên gia Iran vẫn cảnh báo các nước nên đề phòng bởi những mối đe dọa mà IS đem lại sẽ không bao giờ bị ngăn chặn chừng nào tổ chức này còn hoạt động.
Minh Hạnh (Theo Sputnik)