Ở thời điểm này, công ty đang tập trung mọi nguồn lực để duy trì hoạt động bằng các đơn hàng không bị hủy, mặt hàng chăn ga gối nệm và các đơn hàng khẩu trang, bảo hộ y tế từ nay tới cuối năm.
Tổng cục Hải quan vừa ban hành Quyết định 1305/QĐ-TCHQ gia hạn áp dụng chế độ ưu tiên đối với công ty CP May Sông Hồng (Nam Định).
Theo đó, công ty CP May Sông Hồng là một trong những doanh nghiệp được công nhận doanh nghiệp ưu tiên lần đầu tiên vào năm 2017.
Công ty CP May Sông Hồng là một trong những nhà máy sản xuất hàng may mặc và chăn ga gối đệm hàng đầu Việt Nam.
May Sông Hồng được gia hạn doanh nghiệp ưu tiên. Ảnh minh họa |
Theo báo cáo tài chính quý I/2020, công ty có vốn điều lệ hơn 500 tỷ đồng, tổng số lao động gần 10.000 người; tổng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ trong quý I đạt gần 940 tỷ đồng, trong đó doanh thu bán hàng hơn 751 tỷ đồng, doanh thu dịch vụ gia công gần 188,5 tỷ đồng.
May Sông Hồng hiện nằm trong Top doanh nghiệp dệt may có biên lợi nhuận gộp cao nhất ngành, với 21,4%, liên tục duy trì chia cổ tức bằng tiền tỷ lệ 40 - 45%/năm) thì công ty đã thể hiện được bản lĩnh vững vàng trước “trận sóng thần” Covid-19.
Ðại dịch lan rộng trên toàn cầu làm gián đoạn các chuỗi cung ứng hàng hóa, nhu cầu của người dân trên toàn cầu tập trung vào các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu như thực phẩm, dược phẩm, thiết bị y tế.
Với mặt hàng may mặc thời trang, nhiều công ty may mặc đã ghi nhận tình trạng hoãn, hủy đơn hàng. Dẫu vậy, tại May Sông Hồng, doanh thu quý I chỉ giảm nhẹ so với cùng kỳ 2019.
Theo ông Bùi Việt Quang, Tổng giám đốc May Sông Hồng, số lượng đơn hàng bị hoãn, hủy của doanh nghiệp không nhiều.
“Thời gian qua, công ty vẫn duy trì được các đơn hàng của Walmart, Costco là các siêu thị bán hàng thiết yếu, không bị đóng cửa tại Mỹ”.
Ðể bù đắp cho sự sụt giảm của đơn hàng may mặc, công ty đã chuyển một phần sản xuất quần áo sang khẩu trang, tập trung phát triển mặt hàng này để bù đắp cho hàng may mặc.
Ông Quang cho biết, hiện nay, công ty có khá nhiều đơn hàng trong nước và xuất khẩu đối với khẩu trang vải kháng khuẩn.
Với khẩu trang y tế, công ty đã bắt đầu lộ trình chuẩn bị, sẽ mất khoảng 3 tháng để xin giấy phép xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu, hiện tại Việt Nam vẫn hạn chế xuất khẩu mặt hàng này.
Ở thời điểm này, công ty đang tập trung mọi nguồn lực để duy trì hoạt động bằng các đơn hàng không bị hủy, mặt hàng chăn ga gối nệm và các đơn hàng khẩu trang, bảo hộ y tế từ nay tới cuối năm. “Quý II, công ty vẫn duy trì sản xuất gần như bình thường”, ông Quang chia sẻ.
Nhưng ngay cả trong tình huống xấu nhất, nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài, phải ngừng hoạt động sản xuất thì theo lãnh đạo May Sông Hồng, công ty vẫn đủ năng lực tài chính dự phòng để trả lương tối thiểu cho người lao động trong vòng 4 - 5 tháng.
Vũ Đậu (T/h)