Góc tối của một mạng xã hội
Tiktok - một trong những nền tảng mạng xã hội “cực hot” của những năm qua, đã thể hiện được sức mạnh của sự lan tỏa có thể rộng và ảnh hưởng đến xã hội khủng khiếp như thế nào. Hàng loạt những thử thách từ thú vị cho đến ngu ngốc và cả dại dột được viral (thuật ngữ chỉ sự lan tỏa) trên khắp thế giới. Coronavirus challenge – một thử thách được tạo ra bằng cách quay lại cảnh liếm bồn cầu để chứng tỏ mình miễn dịch với vi-rút, thử thách người dùng uống 12 viên thuốc ngủ để chìm vào ảo giác (Benadryl Challenge), thử thách kẻ phá hủy hộp sọ (Benadryl Challenge) hay thử thách ngạt thở (Blackout Challenge) đã khiến một cậu bé 12 tuổi ở Mỹ qua đời vào tháng 4 vừa qua. Những thử thách này tràn lan trên mạng và đi sâu vào đời sống giới trẻ - một bộ phận những người chưa đủ nhận thức nhưng khát khao chứng tỏ bản thân.
Không chỉ là những thử thách nguy hiểm gây chết người đang tràn lan, nhiều nội dung phản cảm khác cũng được chia sẻ mạnh mẽ. Dễ hiểu thôi, vì những điều ngu ngốc, bất thường sẽ nhanh chóng trở nên nổi bật. Và mạng xã hội là một trong những thứ vô hình mang những điều ngu ngốc đấy bày ra trước mắt người dùng. Việc bạn hưởng ứng nó, thôi, tôi không nói. Vì chẳng còn gì để nói. Tuy nhiên, im lặng và không-làm-gì cũng đủ để đáng trách rồi.
Có thể trong câu chuyện trên, nhiều người sẽ đổ lỗi cho sự giám sát của gia đình nhưng tại sao phải chấp nhận rủi ro để cho một doanh nghiệp… kiếm tiền? Sau những “tai nạn” ngoài ý muốn, mạng xã hội Youtube cũng đã phải cải tiến, kiểm soát lại về vấn đề nội dung và Tiktok cần có những động thái mạnh mẽ hơn cho việc này.
|
Joshua Haileyesus qua đời vào 15/4/2020 sau khi tham gia thử thách trên TikTok. (Ảnh: GoFundMe) |
Dĩ nhiên, câu chuyện nào cũng có hai mặt của nó. Tiktok có những nội dung tốt, mang đến nhiều ý nghĩa cho xã hội và đây là những điều cần được lan tỏa. Điển hình như Tiktoker Tạ Đức Bằng có tên tài khoản Bang Okyo, hiện đang sở hữu 700.000 lượt theo dõi đăng tải những clip về “cô gái Việt Nam” 94 tuổi với những đoạn hội thoại dí dỏm trên Tiktok. Đó là cụ Nguyễn Thị Tứ, bà ngoại của anh.
Và tất nhiên, có những mặt sáng rất cần được lan tỏa…
Là người hiện đang làm công tác văn hóa tại huyện Hàm Yên (Tuyên Quang), chàng trai dân tộc Nùng chất phác luôn muốn tạo ra những hoạt động phong trào để truyền tải những thông điệp ý nghĩa trong cuộc sống. Đó cũng chính là lý do khiến Tạ Đức Bằng nảy ra ý tưởng thực hiện những đoạn clip trò chuyện cùng bà ngoại 94 tuổi: “Tôi mong những clip của mình sẽ góp phần lan tỏa tình yêu thương trong gia đình tới các bạn trẻ”.
Anh chia sẻ, mỗi clip không cần chuẩn bị gì cầu kỳ, chỉ đơn giản là những câu chuyện phiếm của hai bà cháu ngày thường, nhưng chính là những khoảnh khắc chân thực nhất về tình cảm gia đình.
|
Trong những clip của mình, bà ngoại hay được Bằng Okyo gọi vui là “cô gái Việt Nam”. |
Những clip triệu view của Bằng Okyo không kỳ công xây dựng kịch bản, chẳng phải trau chuốt diễn xuất, cũng không chỉnh sửa hình ảnh hay sử dụng hiệu ứng nào quá “bắt mắt”,... tất cả chỉ là ghi lại những cuộc hội thoại bông đùa, dí dỏm thường ngày giữa hai bà cháu.
Chính nhờ những nội dung hoàn toàn ngẫu hứng nhưng lại quá đỗi chân thực ấy dã khiến ai vô tình lướt qua cũng không ngừng được mà phải “thả tim” tới tấp ấy. Từ một chàng trai người Nùng nơi quê hương vùng cao, Bằng Okyo đã trở thành một “hiện tượng mạng”, và bà ngoại cũng trở thành nhân vật được đông đảo người dùng Tiktok yêu mến.
Những giá trị đẹp trong đời sống đôi khi lại quá đỗi đơn giản nhưng không phải ai cũng có thể chạm tới. Ngoài Bằng, còn rất nhiều những người làm nội dung khác cũng đang cố gắng mang tới những giá trị giàu tính nhân văn nhưng có được đón nhận hay không lại phụ thuộc vào chúng ta – những người sử dụng. Mạng xã hội là một công cụ vô hình có sức mạnh khủng khiếp, nếu sử dụng đúng lại có thể mang lại những giá trị thực sự cho xã hội. Tẩy chay những nội dung xấu, chọn nội dung tích cực là điều không mới nhưng có vẻ vẫn chưa thể thấm nhuần...