Hình ảnh căn bệnh lột da xấu xí khiến chị Hằng đau khổ nhiều năm. |
"Mày mắc bệnh vì đi làm đĩ" - Đó là câu nói thường xuyên chị Hằng (tên nhân vật đã được thay đổi) ở Nho Quan, Ninh Bình phải nghe từ chính miệng chồng và gia đình nhà anh ta dành cho chị. Tất cả chỉ vì chị bỗng dưng mắc căn bệnh xấu xí.
Chị Hằng kể chị đã mắc căn bệnh này hơn 5 năm và đó là quãng thời gian sống không bằng chết của chị.
Từ khi sinh đứa con đầu lòng được hơn 4 tháng, chị Hằng thấy da mình mọc nhiều mụn dạng nhọt có mủ và khi hết mủ là da bong tróc. Thời gian đầu, chị Hằng nghĩ mình bị mụn nhọt nhưng bệnh ngày càng nặng hơn.
Mụn lây lan ra khắp cơ thể, lên cả mặt. Chồng chị Hằng thời đó còn làm việc ở miền nam. Khi thấy chị có biểu hiện bệnh như hoa liễu, căn bệnh mà ở quê người ta coi như bệnh HIV, bố mẹ chồng không cho rằng con dâu bị bệnh mà gọi điện cho con trai bảo chị Hằng đi lăng lăng nên mắc bệnh hoa liễu. Ngay sau đó, người chồng về quê thấy vợ như vậy, anh ta vừa sợ, vừa được đà chê bai, ruồng rẫy vợ.
Suốt thời gian đó, chị Hằng không biết làm gì. Chị cũng không được chạm vào con trai vì sợ lây. Chị đi chữa thuốc nam một thời gian dài bệnh không thuyên giảm. Có những đợt bệnh tái phát, chị Hằng không đi đâu được vì đau. Các nốt bệnh bong tróc xuất hiện rồi tạo mủ. Chị sống trong cô độc ngay chính ngôi nhà của mình. Chồng và con trai không bao giờ ngủ chung giường với chị.
Thời gian sau, chị ra Hà Nội khám bác sĩ cho biết đó là bệnh vảy nến, bệnh không lây. Chị Hằng mang chẩn đoán của bác sĩ về cho cả nhà xem nhưng vẫn không ai tin. Chồng chị cứ mở miệng ra là chửi vợ "mày đi làm đĩ" nên phải trả giá. Người ta cho rằng chị mua chuộc bác sĩ.
Chỉ đến khi chị Hằng tham gia vào câu lạc bộ bệnh nhân vảy nến rồi cùng nhau trao đổi thông tin thì chồng chị tin vợ nhưng anh ta vẫn không bao giờ chạm vào người vợ. Nhiều người bảo chị Hằng ly hôn nhưng chị sợ không được nuôi con nên đành sống chung với người chồng.
Bị đuổi việc vì bệnh lạ
Còn trường hợp của Trần Thị Thu trú ở Hà Nội cũng đau đớn không kém chị Hằng. Thu 21 tuổi, vừa tốt nghiệp trung cấp mầm non. Thu xin vào một trường dân lập trông trẻ. Dạy học được hơn 1 năm thì phát bệnh vảy nến. Đầu tiên ở các phao tay rồi ra khắp đầu, mặt và tay chân. Phụ huynh không đồng ý cho Thu dạy các con của họ.
Người ta đã làm đơn lên trường không cho Thu trông trẻ. Thu bị đẩy xuống làm dọn nhà vệ sinh, lau dọn trường nhưng phụ huynh vẫn không đồng ý. Trước sức ép của phụ huynh, nhà trường đã cho Thu nghỉ việc.
Căn bệnh quái ác khiến mọi ước mơ của Thu lịm tắt. Có lúc Thu mong thà mắc căn bệnh nào đó còn sướng hơn chứ căn bệnh xấu xí bề ngoài khiến tuổi trẻ của cô mất hết. Cậu bạn trai yêu nhau hai năm của Thu cũng bỏ chạy vì sợ bệnh lây.
Làn da như sừng của Thu khiến bản thân cô còn thấy sợ. Thu đã nghỉ việc và rất khó xin một công việc khác vì căn bệnh của mình.
Phó Giáo sư Trần Hậu Khang - Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết: Bệnh vẩy nến (Psoriasis) được biết đến từ thời thượng cổ và là một trong những bệnh da rất hay gặp ở Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới. Theo thống kê, tỷ lệ bệnh vẩy nến khác nhau, tùy từng vùng, từng châu lục, song nó dao động trong khoảng 1-3\% dân số.
Mặc dù đã được nghiên cứu từ lâu, song cho đến nay nguyên nhân dẫn tới bệnh vảy nến vẫn còn nhiều điều chưa sáng tỏ. Trong những năm gần đây, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng bệnh liên quan đến rối loạn miễn dịch và yếu tố di truyền.
Ngoài ra một số yếu tố có ảnh hưởng, kích thích và làm bệnh tiến triển nặng thêm cũng được đề cập. Đó là các yếu tố: Stress, nghiện bia, rượu, thuốc lá, nhiễm trùng, rối loạn nội tiết, rối loạn chuyển hóa, khí hậu, môi trường…
PGS Khang khẳng định bệnh không lây lan như nhiều người vẫn nghĩ. Căn bệnh xấu xí này lành tính nhưng nguyên nhân khiến bệnh nhân tử vong là do thiếu kiến thức, bị xa lánh, hiểu lầm.