Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Lý Quang Diệu đưa Singapore trở thành "con rồng" châu Á như thế nào?

(DS&PL) -

(ĐSPL)-Bằng một tầm nhìn chiến lược và sự lãnh đạo sáng suốt trong mọi lĩnh vực, cố Thủ tướng Lý Quang Diệu đã đưa Singapore từ một làng chài thành 'con rồng' của châu Á.

(ĐSPL) - Bằng một tầm nhìn chiến lược và sự lãnh đạo sáng suốt trong mọi lĩnh vực, cố Thủ tướng Lý Quang Diệu đã đưa đất nước Singapore từ một làng chài, chỉ sau 3 thập niên, vụt sáng thành một 'con rồng' của châu Á.

Hành trình trở thành Thủ tướng đầu tiên của Singapore

Ông Lý Quang Diệu sinh ngày 16/9/1923 trong một gia đình khá giả người Hoa, sau đó di dân sang đất nước Singapore.

Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu hồi trẻ.Ảnh: Corbis

Ông theo học tại một ngôi trường của Anh ở Singapore và luôn đạt những thành tích học tập xuất sắc. Việc học của ông bị gián đoạn do phát xít Nhật tới chiếm đóng ở Singapore hồi năm 1942. Sau chiến tranh, ông đến học tại trường cao đẳng Raffles, Singapore một thời gian ngắn rồi trở thành sinh viên khoa luật trường Đại học Fitzwilliam, thuộc Đại học Cambridge, Anh. Với kết quả tốt nghiệp loại xuất sắc, năm 1949, ông trở về Singapore làm việc tại một công ty luật.

Tháng 9/1950, ông Lý kết hôn với bà Kha Ngọc Chi. Bà Kha là sinh viên cùng trường luật với ông, hơn ông 2 tuổi, người luôn tranh giành ngôi vị sinh viên giỏi nhất với ônh. Hai người có hai con trai và một con gái.

Tháng 11/1954, Đảng nhân dân Hành động (PAP) được thành lập với sự góp công sáng lập của Lý Quang Diệu. Năm 1955, ông trở thành Tổng thư ký của PAP.

Ngày 31/8/1957, Liên bang Malaysia giành được độc lập. Đảng PAP đã thắng cử với số lượng ghế lớn trong cuộc bầu cử ngày 5/6/1959, sau đó, ông Lý Quang Diệu tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng của bang tự trị Singapore. Ông trở thành Thủ tướng đầu tiên của Singapore và giữ vị trí này cho đến năm 1990.

Đưa Singapore trở thành một quốc gia độc lập

Năm 1960, đất nước Singapore được một tờ tạp chí mô tả như một “vũng nước tù đọng, nghèo nàn và lạc hậu”. Singapore gần như là một đảo quốc không có tài nguyên gì đáng giá ngoài biển cả mênh mông và nước mặn vây quanh, phải nhập khẩu cả nước ngọt để uống và sinh hoạt.

Lý Quang Diệu đã quyết tâm đưa Singapore trở thành một quốc gia độc lập. Ảnh: Straitstimes

Dưới sự lãnh đạo của ông Lý, Singapore đã sáp nhập vào Malaysia năm 1963. Nhưng những mâu thuẫn về tư tưởng và các cuộc xung đột liên miên xảy ra giữa các nhóm sắc tộc trong lòng Malaysia đã buộc Singapore ly khai 2 năm sau đó, trở thành một nhà nước hoàn toàn độc lập.

Kể từ khi Singapore trở thành một quốc gia độc lập, Lý Quang Diệu từng nói rằng không thể ngủ ngon và từng ngã bệnh sai ngày Singapore ly khai. Ông quyết tâm đưa Singapore vững vàng hơn trong vị thế của một quốc gia độc lập.

Hành trình đưa Singapore từ một vũng ao thành ‘con rồng’ châu Á

Giữ vai trò lãnh đạo khi đất nước Singapore nghèo tài nguyên thiên nhiên và năng lực phòng thủ hạn chế, ông Lý Quang Diệu đã khởi xướng một loạt kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng và cải cách. Những mũi nhọn trong kế hoạch của ông là biến Singapore thành điểm xuất khẩu hàng hóa lớn, nâng cao tiêu chuẩn sống của người dân, thu hút đầu tư nước ngoài. Mô hình quản lý đất nước của ông luôn được đánh giá hiệu quả, tương tự với cách thức quản lý của các doanh nghiệp hàng đầu thế giới.

Một trong những dấu ấn quan trọng nhất mà ông Lý Quang Diệu đã làm để phát triển kinh tế là thành lập Ban Phát triển Kinh tế (EDB) ngay từ năm 1961 với mục đích tạo lập nên các chính sách kinh tế quốc gia. Ban đầu, EDB tập trung vào ngành công nghiệp sản xuất, thu hút vốn đầu tư. Nhiều tập đoàn công nghiệp được thành lập. Chính sách thuế hấp dẫn, chi phí hoạt động thập cùng môi trường nhân công nói tiếng Anh đã thu hút hàng loạt tập đoàn, công ty của nước ngoài ồ ạt đổ đến Singapore làm ăn. Nước này cũng thu hút được hai đại gia dầu lửa của thế giới là Shell và Essco đến xây dựng nhà máy lọc dầu. Đến giữa năm 1970, Singapore trở thành trung tâm lọc dầu lớn thứ ba thế giới.

Với những chính sách sáng suốt của mình, ông Lý từng bước biến Singapore thành trung tâm vận tải và dịch vụ tài chính lớn với một trong những bến cảng tấp nập nhất thế giới.

Trong thập kỷ 60 và 70, khi nền kinh tế của các nước châu Á khác chững lại do biến động xã hội và chính trị thì chính phủ Singapore lại tương đối ổn định và thậm chí nước này còn thành lập các khu công nghiệp, trường cao đẳng đào tạo cho người lao động và giảm thuế doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty điện tử, một yếu tố giúp Singapore trở thành một trung tâm xuất khẩu từ đó nâng mức tăng trưởng của nền kinh tế nước này.

Ông Lý nhận được sự kính trọng của các nhà lãnh đạo thế giới và sự yêu mến của công chúng.Ảnh: Yahoo News

Bên cạnh đó, ông đã duy trì sự kiểm soát về chính trị nghiêm ngặt đối với mọi mặt của đảo quốc này, biến nó thành một trong các xã hội quy củ nhất thế giới.

Về đối nội, Singapore thực thi một đường lối của riêng mình với chế độ một đảng lãnh đạo với những luật lệ nghiêm khắc (phạt từ những điều nhỏ nhặt như xả rác công viên, kéo nước nhà vệ sinh, nhóm họp từ 5 người phải xin phép...).

Ngoài ra, xác định giáo dục là điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế, ông ban hành hàng loạt chính sách giáo dục, trong đó có sử dụng tiếng Anh bắt buộc trong trường học - một quyết định cực kỳ nhạy cảm tại một quốc gia đa dạng về sắc tộc như Singapore. Ông Lý Quang Diệu kiên định với chính sách của mình bởi nhận thức rõ rằng tiếng Anh là ngôn ngữ để kiếm tiền và giúp Singapore hội nhập quốc tế.

Từ một làng chài, chỉ sau 3 thập niên, Singapore vụt sáng thành một đất nước giàu có. Dưới sự lãnh đạo của Lý Quang Diệu, GDP theo đầu người của Singapore đã tăng 15 lần từ năm 1960 đến năm 1980.

GDP đầu người của Singapore khi ông Lý lên nắm quyền năm 1959 là hơn 2.100 USD, và hơn 2.600 USD vào năm 1965, khi Singapore trở thành quốc gia độc lập. Con số này tăng lên hơn 14.200 USD vào năm 1990, khi ông rời ghế Thủ tướng. Năm 2013, Singapore là nước có thu nhập đầu người đứng thứ ba thế giới. "Ông Lý Quang Diệu là người giúp thúc đẩy các phép màu kinh tế châu Á", Tổng thống Mỹ Barack Obama đã từng phát biểu vào tháng 10/2009.

Cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu được xem là người có ảnh hưởng quan trọng tới sự phát triển của Singapore.

Vào lúc 3h18 sáng 23/3, cố Thủ tướng Lý Quang Diệu đã qua đời ở tuổi 91, được vinh danh là nhà kiến trúc của đất nước với kinh tế thịnh vượng và nếp sống văn minh tiên tiến này.

VŨ NGA (Tổng hợp)

 Xem thêm clip: Không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán ở Singapore

Tin nổi bật