Theo thông tin được đăng tải, Tiểu Minh (28 tuổi, ở Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc) có tiền sử uống rượu gần 10 năm. Cô gái kể từ năm 18 – 19 tuổi đã dựa vào việc uống rượu để giải tỏa lo âu và trầm cảm, dần dần hình thành thói quen uống vài ly mỗi ngày.
Cứ thế, nếu mỗi ngày không uống nửa lít rượu thì Tiểu Minh sẽ cảm thấy không thoải mái. Đặc biệt, Tiểu Minh rất hiếm khi say rượu nên cô luôn cho rằng tửu lượng của mình ở mức độ thượng thừa.
Mới đây, Tiểu Minh bất ngờ bị chóng mặt, buồn nôn, nôn, đau bụng, thậm chí còn đi vệ sinh ra máu sau khi uống rượu. Phát hiện chuyện bất thường, gia đình nhanh chóng đưa cô gái đến bệnh viện kiểm tra.
Kết quả kiểm tra sơ bộ cho thấy Tiểu Minh bị tụt huyết áp, sốc xuất huyết dạ dày, tính mạng gặp nguy hiểm. Sau khi chuyển tới khoa Hồi sức cấp cứu, Tiểu Minh lại được phát hiện bị suy thận cấp, tổn thương chức năng gan, não teo lại.
Ngay lập tức, các nhân viên y tế tiến hành truyền máu, bù dịch, hồi sức chống sốc và các biện pháp điều trị khác. Sau 2 ngày cấp cứu, các dấu hiệu sinh tổn của Tiểu Minh đã dần ổn định. Cô gái 28 tuổi không khỏi choáng váng khi biết chi tiết bệnh tình của mình.
Cô gái 28 tuổi nhập viện sau khi uống rượu, phát hiện mắc một loạt bệnh. Ảnh minh họa
Bác sĩ cho biết tình trạng sốc, suy đa phủ tạng ở bệnh nhân độ tuổi này nhìn chung rất hiếm gặp, đặc biệt khi chụp CT sọ não cho thấy bệnh teo não đã xuất hiện. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng lão hóa sớm của Tiểu Minh là do uống rượu kéo dài, không kiểm soát, khiến cơ thể quá sức chịu đựng. Cô gái sẽ phải kiêng khem nghiêm ngặt sau khi xuất viện.
Nhân trường hợp này, bác sĩ nhắc nhở mọi người không nên cho rằng mình có tửu lượng cao, uống bao nhiêu cũng được, chỉ cần không say thì sẽ không gây hại sức khỏe. Trên thực tế, nhiều tác động tiêu cực dần tích tụ cho tới khi cơ thể xuất hiện vấn đề.
Việc lạm dụng rượu có thể gây ra nhiều tác hại cho cả sức khỏe thể chất và tinh thần, dẫn đến nhiều căn bệnh nguy hiểm.
Thiếu máu
Lạm dụng rượu có thể ảnh hưởng đến hệ thống huyết học, bao gồm máu, lá lách, tủy xương và gan. Số lượng hồng cầu có thể thấp bất thường khi uống quá nhiều rượu, đây là một tình trạng được gọi là thiếu máu. Các triệu chứng của thiếu máu bao gồm mệt mỏi, khó thở và choáng váng.
Tăng nguy cơ mắc ung thư
Sau khi vào cơ thể, rượu chuyển hóa thành acetaldehyde được biết đến là chất gây ung thư. Ngoài ra, rượu còn làm suy yếu khả năng phân hủy và hấp thụ nhiều chất dinh dưỡng của cơ thể liên quan đến tăng nguy cơ ung thư.
Các loại ung thư thường thấy ở những người nghiện rượu nặng bao gồm miệng, hầu (họng), thanh quản, thực quản, gan, vú và đại trực tràng. Không ít người nghiện rượu nặng hút thuốc lá, càng gia tăng nguy cơ ung thư.
Dễ mắc bệnh tim mạch
Khi bạn uống nhiều rượu, các tiểu cầu trong máu có nguy cơ tạo thành cục máu đông, dẫn đến tăng huyết áp và đột quỵ. Thêm nữa, rượu còn có thể gây ra bệnh cơ tim (suy yếu cơ tim) và các bất thường nhịp tim rung nhĩ và thất.
Tổn thương dây thần kinh
Rượu gây độc cho các tế bào thần kinh, chế độ dinh dưỡng kém thường đi kèm với việc lạm dụng rượu được cho là nguyên nhân gây ra tình trạng này.
Các triệu chứng gồm tê, ngứa ran và đau, yếu cơ thường ở tứ chi, mất kiểm soát bàng quang hoặc ruột, bất lực, tiêu chảy, buồn nôn và nôn hoặc táo bón.
Ngoài các bệnh lý kể trên, lạm dụng rượu còn có thể gây xơ gan, mất trí nhớ, trầm cảm, bệnh gout, tăng huyết áp, gia tăng nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm, gây viêm tụy và dẫn đến một số vấn đề về thần kinh.
Đinh Kim (T/h)