Luộc trứng với nước trà
Bạn không nên luộc trứng với nước trà vì đây là hai thực phẩm kỵ nhau. Lá trà chứa một lượng lớn axit tannic, khi kết hợp với protein trong trứng sẽ tạo thành hợp chất protein axit tannic làm chậm hoạt động của nhu động ruột, kéo dài thời gian tích trữ phân trong ruột.
Ăn quá nhiều có thể gây táo bón, mệt mỏi, thậm chí là ngộ độc. Bên cạnh việc luộc trứng với nước trà, ăn trứng gà và uống trà cùng lúc cũng không được khuyến khích.
Luộc trứng trong nồi quá lâu
Nhiều người cho rằng trứng luộc càng lâu, càng chín kỹ thì càng tốt, đảm bảo diệt sạch vi khuẩn bám bên ngoài vỏ trứng. Trên thực tế, vi khuẩn bên ngoài vỏ trứng bị tiêu diệt đồng nghĩa với việc các yếu tố sắt và lưu huỳnh trong trứng kết hợp với nhau, dẫn đến giảm bớt chất dinh dưỡng trong trứng, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Trứng luộc quá lâu còn dễ bị nứt vỏ, gây ảnh hưởng tới chất lượng trứng, khi ăn sẽ không còn ngon miệng và hấp dẫn. Khi luộc quá chín, lòng đỏ bên trong xuất hiện các vệt màu xám, bở và hơi có mùi lưu huỳnh, còn lòng trắng dai như cao su.
Khi luộc trứng, bạn lưu ý không nên để quá 15-20 phút. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, bạn nên dùng nước lạnh luộc trứng để nhiệt độ nước và trứng ngang bằng nhau. Đun sôi khoảng 5 phút thì tắt bếp, để trứng trong nồi thêm khoảng 10 – 15 phút, trứng sẽ chín ngon, không bị nứt vỏ.
Thêm nước vào khi đang luộc trứng
Khi thấy nồi luộc trứng cạn nước, nhiều chị em lập tức thêm nước vào khiến trứng bị vỡ, nứt vỏ. Phần vỏ của quả trứng bám dính lại, khó bóc hơn, chưa kể vi khuẩn trong nước cũng dễ xâm nhập vào trứng. Việc này vô tình khiến trứng mất chất dinh dưỡng. Khi luộc trứng, bạn lấy lượng nước sao cho vừa sấp mặt trứng là được.
Luộc trứng không chín kỹ
Nhiều người thích ăn trứng luộc lòng đào vì cho rằng cách chế biến này sẽ ngon và bổ dưỡng hơn. Tuy nhiên, trứng là thực phẩm nên được nấu chín, nếu luộc lòng đào thì dễ nhiễm vi khuẩn gây tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, ngộ độc…, ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn.
Luộc trứng gà rồi để qua đêm
Trứng gà là một trong các thực phẩm không nên để qua đêm. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, việc này có thể sinh ra vi khuẩn nguy hiểm như E.coli.... gây hại cho đường tiêu hóa, thậm chí gây tiêu chảy, buồn nôn và nôn mửa trong trường hợp nghiêm trọng.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ liệt trứng gà vào danh sách những món dễ gây ngộc độc nhất. Trứng thường chứa Salmonella – loại vi khuẩn khiến bạn ngộc độc.
Ăn trứng lòng đào để qua đêm có thể khiến bạn bị nhiễm Salmonella với triệu chứng là tiêu chảy, nôn, sốt chuột rút…, ngoài ra còn gây ngộ độc thực phẩm hoặc gây hại cho đường ruột.
Ngoài 5 sai lầm trên, bạn lưu ý thêm những điều sau khi luộc trứng:
Không luộc nhiều trứng cùng một nồi
Luộc quá nhiều trứng cùng một nồi khiến bạn phải xếp chồng những quả trứng lên nhau, dẫn đến việc trứng chín không đều, ngoài ra trứng còn dễ bị nứt vỏ. Bạn nên sử dụng nồi phù hợp với số lượng trứng muốn luộc, chỉ xếp một hàng trong nồi và không nên xếp quá khít.
Không luộc trứng quá mới
Trứng mới có thể khó bóc vỏ khi đem luộc. Bạn nên mua trứng trước khi ăn 1-2 tuần và bảo quản trong tủ lạnh. Trứng để một thời gian sẽ giảm bớt độ ẩm thông qua các lỗ li ti ở vỏ và túi khí ở đầu trứng to hơn. Thêm vào đó, độ pH ở vỏ tăng lên khi để lâu khiến trứng dễ bóc hơn.
Nên ngâm trứng trong nước lạnh sau khi luộc
Về lý thuyết, quả trứng sẽ chín chuẩn khi luộc đủ thời gian và vớt ra khỏi nồi. Trên thực tế, sau khi vớt ra khỏi nước nóng, trứng vẫn còn nhiệt, dẫn đến bị chín quá. Do đó, ngay khi luộc xong, bạn nên ngâm trứng vào bát nước lạnh cho đến khi chúng nguội hoàn toàn. Việc này giúp việc bóc trứng trở nên dễ dàng hơn.
Đinh Kim (T/h)