Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Luật sư trốn nã sau khi lừa hàng tỷ đồng để “chạy án” bị xét xử vắng mặt

(DS&PL) -

Bị khởi tố do được xác định có liên quan đến vụ lừa chạy án, một luật sư đã bỏ trốn và bị truy nã. Do chưa bắt được, nên luật sư này bị xét xử vắng mặt.

Bị khởi tố do được xác định có liên quan đến vụ lừa chạy án, một luật sư đã bỏ trốn và bị truy nã. Do chưa bắt được, nên luật sư này bị xét xử vắng mặt.

Một luật sư lừa thân chủ khi nhận tiền “chạy án”

Đầu tháng 1/2020, TAND TP.HCM mở phiên tòa xét xử vắng mặt đối với bị cáo Lương Anh Tiến (SN 1967, ngụ quận 8, TP.HCM) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trước khi bị truy tố, xét xử về tội danh này, Tiến hành nghề luật sư và đã có hành vi lừa người nhà của 1 thân chủ nhằm chiếm đoạt trên 1,8 tỷ đồng.

Theo diễn biến vụ án, ngày 16/11/2010, ông Nguyễn Minh Tuấn (nguyên Giám đốc công ty Lộc Bình Phú) bị cơ quan An ninh điều tra bộ Công an khởi tố bị can trong vụ án Trương Công Dũng cùng đồng phạm phạm tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đầu năm 2011, thông qua người quen giới thiệu, gia đình ông Tuấn thuê Lương Anh Tiến (lúc đó là luật sư thuộc đoàn Luật sư TP.HCM) tham gia bào chữa với chi phí là 100 triệu đồng. Bị cáo Tiến đã nhận tiền nhưng không ký hợp đồng dịch vụ.

Bị cáo Tiến tại phiên tòa.

Trong thời gian được thuê bào chữa, mặc dù biết rõ hành vi phạm tội của thân chủ là đặc biệt nghiêm trọng, bị khởi tố và điều tra tới 2 tội danh nhưng Lương Anh Tiến vẫn nhiều lần gặp người thân trong gia đình bị can Tuấn, đặt vấn đề bảo họ đưa tiền để “chạy án”. Tiến hứa với gia đình bị can sẽ giúp Tuấn được tại ngoại trong quá trình điều tra, được bỏ tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thậm chí được tuyên trắng án hoặc bằng thời gian tạm giam, được trả tự do tại tòa.

Tin lời Tiến, gia đình Tuấn đã vay mượn tiền của nhiều người để đưa cho Tiến. Từ tháng 3/2011 đến tháng 9/2012, Lương Anh Tiến đã nhận của gia đình ông Tuấn tổng cộng 1,81 tỷ đồng để “chạy án”. Tuy nhiên, cuối tháng 9/2012, TAND TP.HCM đưa Nguyễn Minh Tuấn ra xét xử và tuyên phạt Tuấn 11 năm tù. Do Tiến không thực hiện được như lời hứa nên gia đình Tuấn tố cáo Tiến với công an.

Cơ quan điều tra xác định Tiến có hành vi lừa đảo nên bắt giữ, khởi tố luật sư này. TAND TP.HCM sau đó đưa bị cáo Tiến ra xét xử và kết luận Tiến đã lừa đảo chiếm đoạt 1,81 tỷ đồng của gia đình Tuấn nên tuyên phạt bị cáo này 16 năm tù.

Sau đó, Tiến kháng cáo kêu oan. Tại phiên tòa phúc thẩm, cựu luật sư khẳng định bản án sơ thẩm quy kết bị cáo chiếm đoạt hơn 1,8 tỷ đồng là không có cơ sở. Theo Tiến, trong số tiền bị cáo nhận từ phía gia đình ông Tuấn có một khoản tiền là tiền trả nợ, vay mượn và đây là các giao dịch dân sự.

Tòa phúc thẩm mời bị hại và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án lên đối chất. Sau khi xem xét, HĐXX xét thấy lời khai bị cáo, bị hại và người liên quan có nhiều bất nhất. Đồng thời, chứng cứ buộc tội bị cáo còn yếu. Do đó, HĐXX phúc thẩm TAND Cấp cao tại TP.HCM tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại từ đầu.

Bị cáo bỏ trốn khi được tại ngoại

Quá trình điều tra, truy tố, xét xử lại vụ án, ngày 7/7/2015, TAND TP.HCM quyết định trả hồ sơ cho VKSND Tối cao để điều tra bổ sung, trong đó đề nghị xem xét việc bị cáo Tiến xin tại ngoại chữa bệnh.

Cơ quan An ninh điều tra bộ Công an sau đó ban hành quyết định trưng cầu giám định mức độ tổn hại sức khỏe của Tiến. Đến ngày 29/9/2015, cơ quan An ninh điều tra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án, tạm đình chỉ điều tra bị can đối với Tiến để chờ kết quả giám định.

Trung tâm pháp y thuộc sở Y tế TP.HCM sau đó kết luận bị can Tiến bị tổn hại sức khỏe do bệnh tật với tỉ lệ 91%. Đến ngày 30/11/2018, cơ quan An ninh điều tra bộ Công an ra quyết định phục hồi điều tra vụ án, bị can đối với Lương Anh Tiến khi thấy sức khỏe của bị can này đã hồi phục.

Lương Anh Tiến tiếp tục bị điều tra về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cơ quan điều tra cũng ra quyết định cho Tiến được tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú trong quá trình điều tra.

Quá trình điều tra lại, Tiến chỉ thừa nhận chỉ nhận 40 triệu đồng của gia đình Tuấn sau khi phiên tòa kết thúc. Ngoài ra, Tiến không nhận bất cứ khoản tiền nào khác từ người nhà thân chủ mình nên không thừa nhận hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tuy nhiên, cơ quan An ninh điều tra bộ Công an cho rằng, sau khi kết thúc phiên tòa xét xử Tuấn và đồng phạm, Tuấn bị tuyên phạt 11 năm tù nên gia đình bức xúc, thậm chí có xô xát với Tiến nên không có chuyện gia đình Tuấn đưa 40 triệu đồng cho Tiến như lời khai của Tiến. Từ đó, cơ quan điều tra căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ thu thập được, cùng lời khai của bị hại và các nhân chứng đã kết luận Tiến có hành vi phạm tội.

Hồ sơ sau đó được chuyển qua TAND TP.HCM để xét xử. Cấp tòa này nhiều lần tống đạt các quyết định cho bị cáo nhưng không được. Tiếp đó, cơ quan điều tra xác minh bị cáo Tiến không có mặt tại địa phương. Tiến đã xuất cảnh qua cửa khẩu Khánh Bình (tỉnh An Giang). Do Tiến bỏ trốn nên cơ quan chức năng phát lệnh truy nã.
Sau thời gian truy tìm nhưng không có kết quả, cơ quan tố tụng quyết định phục hồi điều tra và quyết định đưa ra xét xử vắng mặt đối với Tiến.

Sau quá trình xét xử, HĐXX TAND TP.HCM cho rằng, tại cơ quan điều tra,bị cáo Tiến không thừa nhận hành vi phạm tội nhưng lời khai đầu tiên bị cáo có thừa nhận. Lời khai đầu tiên của bị cáo được thu thập đúng quy trình, bị cáo không bị bức cung nhục hình, lời khai của bị cáo trùng với lời khai của bị hại và người liên quan. Bị cáo Tiến bị xét xử vắng mặt nhưng có luật sư bào chữa nên không ảnh hưởng tới quyền lợi của bị cáo. Căn cứ chứng cứ, lời khai trong hồ sơ, HĐXX đủ căn cứ kết luận cáo trạng truy tố đúng người, đúng tội.

Bị cáo Tiến phạm tội nhiều lần, số tiền đặc biệt lớn, trốn truy nã gây khó khăn cho cơ quan điều tra nên cần xử lý nghiêm. Từ đó, HĐXX tuyên phạt bị cáo Tiến 14 năm tù giam về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Công Thư

Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 9

Tin nổi bật