Sơn Tùng M-TP được biết đến là một ca sĩ có nhiều bài hit đi vào lòng giới trẻ. Nhiều bài hát của anh được khán giả đặc biệt yêu thích, thậm chí coi những thứ liên quan đến nó như một trào lưu mới. Tuy nhiên, ca sĩ quê gốc Thái Bình cũng dính một loạt ồn ào về nghi án đạo nhái tác phẩm...
Loạt sản phẩm được “chỉ mặt đặt lên” với nghi án đạo nhái...
Cách đây vài ngày, MV mới nhất của Sơn Tùng M-TP có sự tham gia của “gà cưng” Hải Tú là Chúng ta của hiện tại đã không còn xuất hiện trên YouTube. Khi gõ từ khóa tên MV, YouTube thông báo “Video không có sẵn do có khiếu nại bản quyền từ GC”. GC là một nam producer chuyên sản xuất beat và bán cho nhiều nghệ sĩ trên toàn cầu, hiện đang sống ở Anh.
Việc MV trăm triệu view “không cánh mà bay” khiến người hâm mộ giọng ca gốc Thái Bình không khỏi hoang mang. Nhiều fan vào trang cá nhân của nhân vật GC, chất vấn người đã khiến MV Chúng ta của hiện tại “bay màu”. Một tài khoản để lại bình luận: “Tại sao kênh của bạn lại đánh bản quyền MV của Sơn Tùng M- TP? Họ đã bỏ ra biết bao công sức để hoàn thiện tác phẩm. Độc ác quá!”. Trước sự tấn công từ cồng đồng mạng, GC phản hồi: “Khiếu nại đã được rút lại bởi nhà sản xuất thừa nhận họ sao chép tác phẩm của tôi. Kiếm tiền dựa trên sự sáng tạo của người khác ư? Ở phương Tây không ai làm vậy. Tôi cá là các bạn chưa tìm hiểu kỹ về vấn đề. Tuy nhiên, video sẽ sớm trở lại, thư giãn đi”.
Câu trả lời của GC như ngầm khẳng định phía Sơn Tùng M-TP đã “mượn” beat mà không “xin phép”. Trên nhiều diễn đàn, vụ việc được bàn luận sôi nổi, đa số cho rằng phía Sơn Tùng M- TP đã không rõ ràng trong việc mua beat nhạc dẫn đến bị đánh bản quyền. MV Chúng ta của hiện tại được Sơn Tùng M-TP ra mắt hôm 20/12/2020. Chỉ sau 5 tiếng ra mắt, MV lọt top trending YouTube. Đây cũng là MV theo dạng phim ca nhạc đầu tiên trong sự nghiệp của Sơn Tùng. MV có sự góp mặt của Hải Tú - người mẫu độc quyền của công ty Sơn Tùng.
Sự việc lùm xùm của MV Chúng ta của hiện tại khiến nhiều người quan tâm đến Sơn Tùng M-TP, đến những ồn ào mà ca sĩ quê Thái Bình đã gặp phải nhiều năm qua. Bởi không chỉ có MV kể trên mà nhiều sản phẩn khác của Sơn Tùng M-TP đã dính nghi án đạo nhạc, vi phạm bản quyền âm nhạc.
Ca sĩ Sơn Tùng M-TP nhiều lần dính nghi vấn đạo nhái bài hát. |
Năm 2016, Chúng ta không thuộc về nhau ra đời và tạo cơn sốt. Ca khúc do chính Sơn Tùng M-TP sáng tác và TripleD hòa âm phối khí. Tuy nhiên, bài hát cũng vướng vào vòng xoáy đạo nhái không có hồi kết thời điểm đó. Khán giả soi được Chúng ta không thuộc về nhau giống We Don't Talk Anymore của Charlie Puth - Selena Gomez, còn đoạn rap thì “bê y chang” từ Fire của BTS. Tác giả We Don't Talk Anymore bản remix là DJ Heyder còn thẳng thắn gọi Chúng ta không thuộc về nhau là phiên bản tiếng Việt ca khúc của mình. Thậm chí, style thời trang của Sơn Tùng M-TP cũng bị mỉa mai là “học tập” từ nhóm nhạc nam Kpop NCT U của SM Entertainment. Trong khi đó, MV bị nghi là “chắt lọc” từ MV Monster của EXO, Crayon và That XX hay One of a Kind của G-Dragon... Vẫn như cũ, Sơn Tùng giữ im lặng trước ồn ào.
Bài hát Không phải dạng vừa đâu cũng là một trong những ca khúc từng “làm mưa làm gió” trên thị trường Vpop vào năm 2015. Không phải dạng vừa đâu cũng bị nghi ngờ sao chép ca khúc Set fire to the rain của nữ ca sĩ nổi tiếng thế giới Adele. Bên cạnh đó, nội dung MV cũng khiến đa phần khán giả khó chịu khi cho rằng nam ca sĩ “đá xéo” hai nhạc sĩ Dương Khắc Linh và Phó Đức Phương. Nguyên nhân bắt nguồn từ việc cả hai từng công khai chỉ trích Sơn Tùng M-TP về việc đạo beat. Trước những luồng dư luận trái chiều, phía công ty của nam ca sĩ trẻ đã quyết định thu hồi MV Không phải dạng vừa đâu này và thay bằng một MV có nội dung phù hợp hơn.
Ca khúc Remember me được Sơn Tùng M-TP lần đầu giới thiệu đến khán giả trong liveshow đầu tiên mang tên Chuyến bay đầu tiên với sự tham gia của hơn 10.000 khán giả. Bài hát nhanh chóng nhận được sự quan tâm của công chúng vì phần rap là tâm tư của nam ca sĩ sau những ồn ào trong suốt thời gian trước đó. Tuy nhiên, ca khúc lại vướng nghi án “vay mượn” từ bài hát Nhật Bản mang tựa đề Dream In The Sky của nam ca sĩ Sloth và TOC. Theo đó, ngay từ những giai điệu mở đầu và phần beat xuyên suốt ca khúc Remember me, người ta đều nhận thấy sự tương đồng với Dream In The Sky.
Ngay sau khi những tranh cãi nổ ra, đại diện của Sơn Tùng M-TP đã có phản hồi. Phía này khẳng định, phần beat của Remember me đã được mua từ trang web cung cấp beat Platinum Sellers Beats. Thông báo này cũng nhấn mạnh họ ghi rõ nguồn gốc của phần beat ca khúc này. Dù phía nam ca sĩ gốc Thái Bình đã hợp thức hóa các thủ tục nhưng một số khán giả vẫn cho rằng đây chỉ là một hình thức “vay mượn có ý thức”. Một số trang báo thời điểm đó cũng cho rằng đây là một trong những hình thức PR để thu hút sự chú ý của khán giả.
Năm 2015, Âm thầm bên em ra mắt và thắng giải Làn Sóng Xanh ở hạng mục Đĩa đơn của năm. Âm thầm bên em may mắn thoát khỏi nghi vấn “mượn beat”, nhưng cũng dính đến chuyện “ăn cắp ý tưởng”. Cụ thể, MV Âm thầm bên em được cho là “cóp nhặt” từ các MV Crooked của G-Dragon, Let's not fall in love của Big Bang, Empty của Winner. Bên cạnh đó, vụ lùm xùm bản quyền của ca khúc Chắc ai đó sẽ về được xem như một trong những scandal ầm ĩ nhất trong sự nghiệp ca hát của Sơn Tùng M-TP. Ngay sau khi trình làng vào năm 2015, ca khúc đã trở thành đề tài tranh cãi “nảy lửa” của dư luận thời điểm đó khi bài hát này có giai điệu giống với ca khúc Because I miss you của nam ca sĩ Hàn Quốc - Jung Yong Hwa (nhóm CNBlue). Những tranh cãi xoay quanh sản phẩm âm nhạc này từng khiến bộ phim Chàng trai năm ấy phải hoãn chiếu.
Hay Em của ngày hôm qua cũng là ca khúc đưa tên tuổi của Sơn Tùng M-TP được chú ý hơn, tuy nhiên, ca khúc được cho là có nhiều đoạn nhạc giống với bài hát Every Night của nhóm nhạc nữ Kpop EXID. Rồi các ca khúc như: Nắng ấm xa dần, Cơn mưa ngang qua... cũng dính nghi án đạo nhạc nhưng cũng như mọi lần, Sơn Tùng M-TP vẫn im lặng đợi dư luận nguôi ngoai và lại ra sản phẩm mới và nổi tiếng hơn. Vậy nghịch lý nào có thể lý giải được không?
Nhiều người bị đạo nhạc cũng sợ... đi kiện
Chia sẻ với PV báo ĐS&PL, nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh – Chủ tịch Hội âm nhạc Hà Nội cho hay: “Nạn đạo nhái âm nhạc xảy ra thường xuyên như cơm bữa. Thời tôi còn làm lãnh đạo ở sở Văn hoá - Thể thao Hà Nội có nhiều chuyện liên quan đến việc bản quyền âm nhạc, đến đạo nhái tác phẩm. Với Sơn Tùng M-TP hình như là chuyện “cơm bữa” khi liên tục dính vào những lùm xùm âm nhạc. Nhưng không hiểu sao, khán giả vẫn phát cuồng với cậu ấy? Nhiều người hốt hoảng với thị hiếu bây giờ của giới trẻ: Càng đạo nhái, càng được nổi tiếng hơn. Tôi cho rằng, với thị trường âm nhạc phong phú như hiện nay, đạo đức luôn phải được coi trọng. Nếu không có người nào kiện hay lên tiếng thì ca sĩ ấy cũng sẽ bị đào thải bởi không ai có thể “ăn cắp” chất xám mãi được. Chúng ta vẫn có luật sở hữu trí tuệ để dựa vào...”.
Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh. |
Nhạc sĩ Tiến Minh cho hay: “Không hiểu sao Sơn Tùng vẫn được khán giả đón nhận khi liên tục dính vào những scandal đạo nhạc như vậy? Người làm nghề chân chính sợ nhất là việc bắt chước, na ná một giai điệu, bài hát nào đó. Hơn nữa, nhiều người thấy không hài lòng với cách hành xử của Sơn Tùng M-TP khi bất cứ một ồn ào, nghi án nào xảy ra, không bao giờ cậu ấy lên tiếng... Như vậy là không tôn trọng khán giả”.
Liên quan đến vấn nạn vi phạm tác quyền âm nhạc ở Việt Nam hiện nay, luật sư Nguyễn Thế Truyền - công ty luật Thiên Thanh cho hay: “Mặc dù luật Sở hữu trí tuệ được ban hành từ năm 2005, và sửa đổi, bổ sung vào năm 2019, nhưng thực tế triển khai hầu như chưa được chú trọng. Ngay cả người bị xâm phạm tác quyền cũng không khởi kiện. Họ sợ... đi kiện, vì không biết bao giờ đòi được quyền lợi cho mình. Thiết nghĩ, bao giờ thay đổi tư duy, coi tài sản trí tuệ (tài sản vô hình) là vô giá và quyết tâm bảo vệ nó, thì câu chuyện “nói mãi” này mới được giải quyết triệt để. Nếu như xử lý ngay-nghiêm- nặng-triệt để, minh bạch, công khai, đầy đủ, tôi tin chắc không ai dám vi phạm”.
Không ít vụ án đã thụ lý, nhưng vẫn bỏ ngỏ
“Số lượng vụ án liên quan đến Sở hữu Trí tuệ được đưa ra xét xử chỉ ở con số cực kỳ khiêm tốn. Thậm chí, có những tỉnh mấy năm liên tục không có một vụ nào. Trong khi, luật Sở hữu trí tuệ đã ban hành rất rõ ràng và chặt chẽ. Chứng tỏ, hệ thống hành lang pháp lý hiện nay chưa thực sự được quan tâm đúng mức cho lĩnh vực bảo hộ sở hữu trí tuệ. Không ít vụ án đã thụ lý, nhưng vẫn bỏ ngỏ. Thử hỏi, nếu “ăn trộm” mà không bị pháp luật trừng trị, “tại sao họ không ăn trộm”. Và nếu thế, ai còn biết sợ? Những kẻ vi phạm hiện đang không phải chịu chế tài gì, cùng lắm chỉ bị dư luận, dân mạng lên án mà thôi, nên tình trạng vi phạm tác quyền ngày càng tồi tệ”, luật sư Thế Truyền cho hay. |
Lạc Thành
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Chủ Nhật (9)