Omega-3 là một trong những chất béo lành mạnh thiết yếu, đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe tim mạch, não bộ và thị lực. Dù được quảng cáo rầm rộ là nguồn Omega-3 dồi dào, nhưng thực tế, hàm lượng Omega-3 trong cá hồi lại thấp hơn đáng kể so với cá thu.
Theo nghiên cứu, trong 100g cá thu tươi có thể chứa tới 2.500 - 4.500mg Omega-3, trong khi đó, 100g cá hồi tươi chỉ chứa khoảng 1.200 - 2.000mg Omega-3. Con số này cho thấy, nếu so về hàm lượng dinh dưỡng, cá thu xứng đáng là lựa chọn hàng đầu.
Ngoài ra, cá thu còn cung cấp một lượng lớn các dưỡng chất quan trọng khác như:
Vitamin B12: Cần thiết cho quá trình sản xuất tế bào hồng cầu và chức năng thần kinh.
Vitamin D: Giúp tăng cường hấp thụ canxi, tốt cho xương.
Chất đạm (protein): Là thành phần cơ bản để xây dựng và sửa chữa các mô trong cơ thể.
Selen: Một chất chống oxy hóa mạnh mẽ, bảo vệ tế bào khỏi tổn thương.
Chính nhờ những dưỡng chất này, cá thu mang lại nhiều lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe:
Bảo vệ tim mạch: Omega-3 giúp giảm nồng độ cholesterol xấu, ngăn ngừa xơ vữa động mạch và đột quỵ.
Cải thiện chức năng não bộ: Hỗ trợ phát triển trí não ở trẻ em, tăng cường trí nhớ và phòng ngừa các bệnh thoái hóa thần kinh ở người già.
Tăng cường thị lực: Các axit béo có trong cá thu giúp bảo vệ mắt, ngăn ngừa thoái hóa điểm vàng.
Giảm viêm, tốt cho khớp: Omega-3 có khả năng kháng viêm tự nhiên, giúp giảm các triệu chứng của bệnh viêm khớp.
Nếu cá hồi được mệnh danh là “vua” trong làng cá giàu dinh dưỡng với giá thành cao ngất ngưởng, thì cá thu lại là “hoàng hậu” thầm lặng với giá bình dân. Ảnh minh họa
Ở Việt Nam, cá thu không chỉ rẻ mà còn rất đa dạng về cách chế biến. Tùy vào sở thích và khẩu vị, bạn có thể biến tấu cá thu thành nhiều món ăn thơm ngon và bổ dưỡng.
Cá thu kho tộ: Món ăn truyền thống của người Việt, cá được kho cùng nước mắm, đường, tiêu và một chút ớt, tạo nên hương vị đậm đà, khó quên.
Cá thu sốt cà chua: Vị ngọt tự nhiên của cá kết hợp với vị chua thanh của cà chua tạo nên món ăn hấp dẫn, đưa cơm.
Cá thu nướng: Cá được tẩm ướp đơn giản rồi nướng trên than hồng, giữ trọn vị ngọt tự nhiên.
Chả cá thu: Món ăn đặc trưng ở nhiều vùng biển, cá được quết nhuyễn, nặn thành miếng rồi chiên vàng, có thể dùng để ăn bún, nấu canh hoặc đơn giản là ăn kèm với tương ớt.
Mặc dù cá thu rất tốt cho sức khỏe, bạn cũng cần lưu ý một số điều sau:
Chọn cá tươi: Nên mua cá thu có da sáng, mắt trong, mang đỏ tươi, không có mùi tanh nồng. Cá tươi sẽ đảm bảo hương vị và giá trị dinh dưỡng.
Hạn chế ăn cá thu sống: Không giống như cá hồi có thể ăn sống, cá thu thường dễ bị nhiễm ký sinh trùng. Tốt nhất nên nấu chín để đảm bảo an toàn.
Không nên ăn quá nhiều: Mặc dù giàu dinh dưỡng, cá thu có thể chứa một lượng nhỏ thủy ngân. Do đó, người lớn chỉ nên ăn khoảng 200 - 300g mỗi tuần. Phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ nên hạn chế ăn.