Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Liệu biến thể Omicron có thể vượt qua sự "thống trị" của Delta?

(DS&PL) -

Các nhà khoa học đang theo dõi sát sao sự lây lan của biến thể Omicron trong một "trận chiến" được cho là sẽ định hình lại tình hình dịch COVID-19 trên toàn thế giới

Sự xuất hiện của biến thể mang nhiều đột biến, Omicron, đã đặt ra câu hỏi mới cho các nhà khoa học trên thế giới về khả năng biến thể này "lật đổ" sự "thống trị" của Delta. Trong đó, một số nhà khoa học đang xem xét kỹ các thông tin từ Nam Phi và Vương quốc Anh, nhận định biến thể Omicron hoàn toàn có thể vượt qua biến thể Delta. 

Tiến sĩ Jacob Lemieux, người theo dõi các biến thể trong một cuộc hợp tác nghiên cứu do Đại học Harvard dẫn đầu, chia sẻ: "Vẫn còn đang trong những ngày đầu nghiên cứu nhưng những dữ liệu nhỏ giọt cho thấy biến thể Omicron có khả năng vượt trội hơn so với biến thể Delta tại một vài nơi, nếu không muốn nói là tất cả". 

Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu khác cho rằng giờ vẫn còn quá sớm để đưa ra kết luận rằng biến thể Omicron có thể vượt qua biến thể Delta và nếu điều đó là sự thật thì biến thể mới sẽ mất bao lâu để "thống trị" toàn cầu. Ông Matthew Binnicker, giám đốc virus học lâm sàng tại phòng khám Mayo Clinic (Mỹ) nhận xét: "Đặc biệt là ở đây. Tại Mỹ, chúng tôi vẫn đang chứng kiến sự gia tăng đáng kể của biến thể Delta, liệu biến thể Omicron có thể thật sự thay thế được?".

Nhiều câu hỏi quan trọng về biến thể mới Omicron hiện vẫn chưa được trả lời bao gồm nguy cơ gây ra các triệu chứng nặng của biến thể này và khả năng né tránh hệ miễn dịch của biến thể đối với những người đã tiêm phòng hoặc đã khỏi COVID-19.

Về khả năng lây lan của Omicron, các nhà khoa học đã đề cập tới những gì đang xảy ra ở Nam Phi, nơi đầu tiên báo cáo về biến thể mới. Các chuyên gia lo ngại Nam Phi đang ở giai đoạn đầu của một làn sóng dịch bệnh mới, làn sóng có thể áp đảo và đẩy hệ thống y tế nước này vào tình trạng quá tải. 

Cụ thể, biến thể Omiceon đã nhanh chóng đưa Nam Phi từ giai đoạn có mức độ lây truyền thấp, trung bình dưới 200 ca mắc mới mỗi ngày vào giữa tháng 11, lên hơn 16.000 ca mỗi ngày vào cuối tuần qua. Trong đó, biến thể Omicron chiếm hơn 90% tổng số ca mắc mới ở tỉnh Gauteng, tâm chấn của làn sóng dịch mới. Biến thể mới cũng đang nhanh chóng lan rộng và "thống trị" 8 tỉnh khác của Nam Phi.

Ông Willem Hanekom, Giám đốc Viện Nghiên cứu Sức khỏe Châu Phi cho biết: "Virus đang lây lan nhanh chóng. Nếu bạn nhìn vào độ dốc của làn sóng này thì đó là độ dốc lớn hơn nhiều so với 3 làn sóng trước Nam Phi từng trải qua. Điều này cho thấy biến thể mới đang lây lan nhanh và nó có thể là một loại virus dễ lây lan hơn".

Tuy nhiên, theo ông Hanekom, Nam Phi có số lượng trường hợp mắc biến thể Delta thấp khi biến thể Omicron xuất hiện, do đó, ông cho rằng không thể nói là biến thể Omicron "vượt trội" hơn biến thể Delta. 

Các nhà khoa học cho biết vẫn chưa rõ liệu hoạt động của biến thể Omicron ở các nước khác có giống như ở Nam Phi hay không. Tuy nhiên, ông Lemieux chỉ ra đã có một số gợi ý về cách hoạt động của biến thể này tại một vài nước như Vương quốc Anh, nơi thực hiện rất nhiều trình tự bộ gen. Ông thông tin: "Những gì chúng ta đang thấy dường như là một tín hiệu về sự gia tăng theo cấp số nhân của biến thể Omicron so với biến thể Delta". 

Ông nói thêm: "Tại Mỹ, cũng như một số quốc gia khác, vẫn còn rất nhiều điều không chắc chắn. Tuy nhiên, khi bạn tập hợp các dữ liệu ban đầu lại với nhau, bạn bắt đầu thấy một bức tranh nhất quán xuất hiện: Omicron đã ở đây và dựa trên những gì chúng tôi đã quan sát được ở Nam Phi, nó có khả năng trở thành chủng vượt trội trong những tuần và tháng tới và có thể sẽ gây ra sự gia tăng về số ca bệnh".

Các nhà khoa học cho biết tác động của việc này tới sức khoẻ cộng đồng vẫn đang được xem xét. Theo ông Hanekom, dữ liệu ban đầu từ Nam Phi cho thấy tỷ lệ tái mắc COVID-19 với biến thể Omicron cao hơn nhiều so với các biến thể trước đó, cho thấy virus đang phần nào "né tránh" hệ miễn dịch. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu quan sát thấy biến thể có vẻ đang lây nhiễm cho những người trẻ tuổi, chủ yếu là những người chưa được tiêm chủng và hầu hết các trường hợp ở bệnh viện là tương đối nhẹ. Tuy nhiên, tác động này có thể sẽ khác nhau ở những nhóm đối tượng khác nhau. 

Khi thế giới chờ đợi câu trả lời, các nhà khoa học đề nghị mọi người hãy làm tất cả những gì có thể để bảo vệ chính mình. Ông Lemieux nhận xét: "Chúng tôi muốn đảm bảo rằng càng nhiều người được tiêm chủng càng tốt. Vì vậy, những ai chưa tiêm chủng thì nên đi tiêm ngay. Nếu mọi người đủ điều kiện tiêm mũi bổ sung, họ nên làm điều đó và làm tất cả những điều khác có hiệu quả để giảm khả năng lây nhiễm virus, bao gồm đeo khẩu tra và giãn cách xã hội, tránh các cuộc tụ tập đông người trong không gian kín". 

Minh Hạnh

Tin nổi bật