Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Lịch sử hình thành hãng điện thoại siêu xa xỉ Vertu

(DS&PL) -

Những chiếc điện thoại Vertu được coi là biểu tượng của sự thành đạt, sang trọng và được nhiều người mơ ước đã được hình thành từ một gian phòng nhỏ của Nokia.

Những chiếc điện thoại Vertu được coi là biểu tượng của sự thành đạt, sang trọng và được nhiều người mơ ước đã được hình thành từ một gian phòng nhỏ của Nokia.

Ít ai biết rằng, đầu những năm 1990, từ một câu hỏi táo bạo của các nhà thiết kế Nokia : “Nếu tiền không còn là trở ngại nữa, họ có thể làm ra được thứ gì?” đã trở thành động lực để tạo nên dòng điện thoại Vertu xa xỉ.

Năm 1997, trong một gian phòng nhỏ tại trụ sở "gã khổng lồ" Nokia, trưởng bộ phận thiết kế - Frank Nuovo và các cộng sự đã thực hiện bài thuyết trình trước Chủ tịch của Nokia khi đó, ông Pekka Ala-Pietila về chiến lược xây dựng một thương hiệu điện thoại đánh vào phân khúc hạng sang. Ý tưởng này đi ngược lại hoàn toàn với chiến lược của Nokia khi đó - phát triển mảng điện thoại giá rẻ tại các thị trường mới nổi như Ấn Độ và Brazil, VnExpress đăng tải.

Nhóm nghiên cứu này đã đưa ra các lập luận minh chứng rằng cần đưa ra các sản phẩm khác biệt để giành thị trường ngách.

Những chiếc điện thoại Vertu tượng trưng cho sự thành đạt.

Năm 2000, hãng điện thoại này đã đồng ý cấp tài chính cho hoạt động của một công ty con tập trung vào phân khúc điện thoại hạng sang với một thương hiệu khác. Vào giai đoạn đó, mỗi năm, hoạt động kinh doanh của Nokia đạt mức tăng trưởng lên tới 40 – 50%.

Tháng 1/2002, Vertu ra mắt sản phẩm đầu tiên của mình và nhanh chóng nổi tiếng toàn cầu như một biểu tượng của sự thành đạt và sang trọng.

Người mua Vertu không chỉ sở hữu một chiếc điện thoại xa xỉ được lắp ráp thủ công, với các chất liệu cao cấp mà còn được sở hữu những dịch vụ tặng kèm của Vertu dành cho khách hàng như các dịch vụ lữ hành, giải trí...

Dù có giá từ vài ngàn lên đến hàng chục ngàn USD nhưng những sản phẩm này lại không được giới công nghệ đánh giá cao do không sử dụng các công nghệ thông minh mới nhất.

Tuy vậy Vertu vẫn rất được yêu thích và có lượng người dùng đủ lớn để hãng tiếp tục tồn tại trên phân khúc thị trường rất kén người dùng.

Đến năm 2007, thị trường smartphone hoàn toàn thay đổi khi iPhone xuất hiện. Sự chủ quan cũng như chậm chân trong việc thay đổi chiến lược đã khiến đế chế Nokia chao đảo, kéo theo sự khủng hoảng của Vertu.

Những chiếc điện thoại xa xỉ với chức năng khiêm tốn không còn được khách hàng ưu ái. Thay vào đó, họ quan tâm hơn đến các tính năng của sản phẩm của chiếc điện thoại có giá thấp hơn nhiều lần.

Năm 2012, Nokia buộc phải bán Vertu để có tiền tái cơ cấu công ty trong giai đoạn khủng hoảng. Khi đó, Vertu được bán với giá khoảng 334 triệu USD vào tay Quỹ đầu tư EQT VI của Thụy Điển, báo Dân trí cho biết.

Năm 2015, quỹ đầu tư Godin Holdings của Hồng Kông lại là chủ mới của hãng điện thoại xa xỉ này.

Đến tháng 3/2017, Vertu tiếp tục được bán lại cho doanh nhân người Thổ Nhĩ Kỳ sống lưu vong tại Paris là Murat Hakan Uzan với giá 61 triệu USD.

Tuy nhiên việc liên tục đổi chủ dường như không đủ để giúp Vertu trụ vững trên thị trường điện thoại di động đầy cạnh tranh.

Ngày 13/7/2017, nhà máy Vertu chính thức ngừng hoạt động khi không trả được số tiền nợ khổng lồ lên đến 165,4 triệu USD. Chủ sở hữu hãng này cho biết, ông vẫn giữ thương hiệu này và sẽ lên kế hoạch cho ngày trở lại.

(Tổng hợp)

Tin nổi bật