Quyết định rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu của Tổng thống Mỹ Donald Trump có khả năng làm nhiệt độ Trái đất tăng thêm 0,3 độ C vào cuối thế kỷ này.
Đây là viễn cảnh tồi tệ nhất mà một quan chức thuộc Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) của Liên hợp quốc (LHQ) dự báo và đưa ra trong ngày 2/6 trong bối cảnh cộng đồng thế giới chỉ trích việc Mỹ "quay lưng" với thỏa thuận mang tính lịch sử về chống biến đổi khí hậu này, theo TTXVN
Theo ông Deon Terblanche, người đứng đầu Cơ quan nghiên cứu khí quyển và môi trường thuộc WMO, con số nêu trên chỉ là ước tính bởi cho đến nay chưa có bất cứ dự báo đánh giá nào về những hậu quả đối với môi trường và khí hậu khi Tổng thống Donald Trump quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận nói trên. Ông Deon Terblanche nhấn mạnh "đó là viễn cảnh tồi tệ nhất và có thể nó không phải là điều sẽ xảy ra".
Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh: Reuters. |
Ngay sau khi Tổng thống Mỹ công bố quyết định rút nước này khỏi Hiệp định Paris, LHQ cho rằng quyết định của ông Trump mang "nỗi thất vọng lớn đối với những nỗ lực toàn cầu nhằm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kích và thúc đẩy an ninh toàn cầu".
Như thông tin đã đưa trước đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, ông tôn trọng quyết định của Tổng thống Trump, tuy nhiên miêu tả đó là hành động "sai lầm".
"Tuy quyết định của Mỹ là rất đáng tiếc, nhưng chúng tôi vẫn được truyền cảm hứng bởi sự cố gắng không ngừng của thế giới để đối phó với biến đổi khí hậu và chuyển đổi sang nền kinh tế tăng trưởng sạch", Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết.
“Đó sẽ là một sai lầm lớn. Việc này có thể phá hủy tín nhiệm của quốc tế. Mỹ và Trung Quốc hiện đang là một trong các quốc gia công nghiệp và ảnh hưởng lớn của lượng thải carbon”, ông Nick Burns, cựu ngoại trưởng Mỹ nhận định.
Ông Steffen Seibert, phát ngôn viên Thủ tướng Angela Merkel tiết lộ, thủ tướng nước này cảm thấy thất vọng trước quyết định của Tổng thống Mỹ, và tuyên bố cam kết của Đức đối với thỏa thuận này.
Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu là cam kết toàn cầu đầu tiên về khí hậu, được 195 nước ký kết và có hiệu lực từ tháng 11 năm ngoái, với những cam kết mạnh mẽ về cắt giảm lượng khí thải CO2 nhằm kiềm chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu. Mỹ hiện là nước có lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính lớn thứ 2 thế giới, sau Trung Quốc.
Theo Hiệp định Paris, được Mỹ ký kết dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, Mỹ đặt mục tiêu đến năm 2025 cắt giảm 26-28% lượng khí thải gây ô nhiễm so với năm 2005. Do đó, theo nhận định của nhiều chuyên gia, việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris sẽ khiến thỏa thuận này kém hiệu quả hơn cũng như cản trở nỗ lực của toàn cầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
(Tổng hợp)