AP đưa tin, ngày 20/6, Lầu Năm Góc cho biết đã định giá quá cao đối với số vũ khí mà Mỹ viện trợ cho Ukraine trong 2 năm qua, cụ thể là lớn hơn giá trị thực 6,2 tỷ USD, gần gấp đôi so với ước tính trước đó. Khoản chênh lệch này sẽ tiếp tục được dùng vào các gói hỗ trợ an ninh trong tương lai.
Theo Người phát ngôn Lầu Năm Góc Sabrina Singh, đánh giá chi tiết về lỗi hạch toán cho thấy các cơ quan quốc phòng Mỹ sử dụng chi phí thay thế để định giá vũ khí chuyển cho Ukraine, thay vì giá trị thực của chúng. Các tính toán cuối cùng chỉ ra có sai số 2,6 tỷ USD trong năm tài khóa 2022 (kết thúc vào ngày 30/9/2022) và 3,6 tỷ USD trong năm tài khóa 2023.
Việc này giúp Lầu Năm Góc có thêm tiền trong ngân sách để hỗ trợ Ukraine trong bối cảnh Kiev tiến hành cuộc phản công chống lại Nga. “Số tiền này sẽ quay lại gói ngân sách mà chúng tôi đã phân bổ cho các đợt rút kho vũ khí của Lầu Năm góc trong tương lai”, bà Singh nói, đồng thời khẳng định lỗi hạch toán này sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động viện trợ Ukraine.
Các binh sĩ Ukraine vận chuyển tên lửa do Mỹ viện trợ tại sân bay Kiev. Ảnh: AP
Thông tin nói trên được đưa ra khi Ukraine tiến hành các giai đoạn đầu của cuộc phản công trong nỗ lực giành lại nhiều khu vực Nga đang kiểm soát kể từ khi mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Kiev vào tháng 2/2022. Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine Valerii Zaluzhnyi cho biết, các cuộc phản công diễn ra trên địa hình có nhiều mìn và lực lượng phòng thủ được củng cố.
Được biết, Lầu Năm Góc đã nhiều lần sử dụng Quyền Rút vốn của Tổng thống (Presidential Drawdown Authority - PDA) nhằm rút vũ khí, đạn dược và các trang thiết bị khác từ kho, nhờ đó chúng có thể được chuyển đến Ukraine nhanh hơn nhiều so với việc trải qua quá trình mua bán.
Dựa trên các ước tính trước đó được công bố hôm 13/6, Mỹ đã cam kết hỗ trợ an ninh hơn 40 tỷ USD cho Ukraine kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt. Sau khi hạch toán lại, Mỹ thực tế đã cung cấp ít hơn 34 tỷ USD trong thời gian qua.
Hiện các quan chức Mỹ chưa công bố con số chính xác về số tiền còn lại cho việc rút vật tư quân sự từ kho hoặc Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine vốn cung cấp kinh phí dài hạn để mua vũ khí, bao gồm một số hệ thống phòng không lớn hơn.
Trước đó, Mỹ đã phê duyệt 4 đợt viện trợ cho Ukraine với tổng giá trị khoảng 113 tỷ USD, một phần tiền trong đó dùng để bổ sung các thiết bị quân sự mà Washington đã gửi chuyển giao.
Quốc hội Mỹ thông qua đợt viện trợ mới nhất cho Ukraine và các đồng minh NATO vào tháng 12/2022, trị giá khoảng 45 tỷ USD. Mặc dù được lên kế hoạch kéo dài đến tháng 9 nhưng đợt viện trợ này phần lớn phụ thuộc vào diễn biến thực địa, đặc biệt là khi các cuộc phản công mới gia tăng.
Đinh Kim (Theo AP)