Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Lập hồ sơ giải phóng mặt bằng khống, chiếm đoạt tiền tỷ

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Lợi dụng chức quyền, các đối tượng câu kết với nhau rút ruột hơn 2 tỷ đồng của Nhà nước …

(ĐSPL) - Lợi dụng chức quyền, các đối tượng câu kết với nhau rút ruột hơn 2 tỷ đồng của Nhà nước …
Trong 2 ngày 26-27/6, TAND tỉnh Bình Phước mở phiên xét xử sơ thầm vụ án “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “không tố giác tội phạm” xảy ra tại dự án bồi thường thiệt hại giải phóng mặt bằng và tái định cư dự án thủy lợi Phước Hòa.

Các bị cáo tại phiên toà.

Theo cáo trạng, năm 2007, UBND tỉnh Bình Phước thành lập hội đồng bồi thường thiệt hại, giải phóng mặt bằng, tái định cư Dự án thủy lợi Phước Hòa. Hoàng Đình Hòa được phân công làm tổ trưởng Tổ kiểm kê của Dự án thủy lợi Phước Hòa tại xã Nha Bích (huyện Chơn Thành). Thời điểm ấy, bị cáo Bùi Thị Dáng Thi có 1,8 ha đất nông nghiệp tại ấp 1, xã Nha Bích bị quy hoạch.
Khu đất trên đã được kiểm kê từ năm 2008, nhưng sau đó, vẫn chưa được đền bù. Thi gặp đồng nghiệp là Lê Thị Hương phàn nàn chuyện trên. Hương khoe có chồng là Nguyễn Văn Hồng - cán bộ phòng quản lý công trình xây dựng (Sở NNPTNT). Hồng hỏi Thi về hiện trạng khu đất, Thi cho biết đã khai thác sỏi phún trên đó. Thi nảy ý định chuyển hiện trạng đất hầm đã khai thác sỏi phún thành ao đào. Nếu Hồng giúp Thi “phù phép” xong chuyện này, thì tiền đền bù có được, Thi sẽ... biếu Hồng một nửa.
Hồng liên lạc với tổ trưởng Hòa, cùng bàn với Thi, thực hiện các thủ tục “phù phép” trên hồ sơ biến “hầm hố khai thác sỏi” thành... “ao đào nuôi cá”, với tổng giá trị tiền bồi thường lên tới 1,1 tỉ đồng. Riêng số tiền kê khống là 645 triệu đồng. Sau khi nhận tiền đền bù, Thi đưa cho Hương 322 triệu đồng để trao cho Hồng. Hồng chia cho Hòa 180 triệu đồng. Hòa “biếu” lại Hồng 10 triệu đồng.
Ở một trường hợp khác, ông Hà Công Đức (ngụ KP2, thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) có 27.261 m2 đất tại ấp 3, xã Nha Bích, bị nằm trong vùng quy hoạch dự án thủy lợi Phước Hòa. Từ năm 2007, đất ông Đức đã được kiểm kê để đền bù. Chờ mãi vẫn không được nhận tiền đền bù, năm 2008, ông Đức đến UBND xã Nha Bích, huyện Chơn Thành, gặp Lê Văn Thành - cán bộ địa chính, thành viên tổ kiểm kê xã Nha Bích - để hỏi. Thành yêu cầu ông Đức cho đi xem hiện trạng đất.
Sau đó, Thành bàn với Hòa kiêm tổ trưởng tổ kiểm kê - tìm cách kê khống ao, hồ, chuồng trại... vào hồ sơ ông Đức để “rút ruột” tiền đền bù. Hòa giao cho Thành một bộ hồ sơ kiểm kê chưa ghi nội dung, để ông Đức ký khống vào. Tiếp theo, Hòa tự điền thêm khối lượng ao đào, cây trồng, chuồng heo, chuồng gà... vào hồ sơ, với tổng số tiền đền bù khống là 230 triệu đồng. Sau đó, hồ sơ trên được các thành viên tổ kiểm kê ký xác nhận và cuối cùng là chữ ký hoàn tất hồ sơ của Lê Văn Tèo - Chủ tịch UBND xã Nha Bích.
Xong việc, Thành điện cho ông Đức đến nhận tiền đền bù ở ngân hàng hơn 910 triệu đồng. Sau khi ông Đức nhận tiền, Thành buộc ông Đức đưa lại “tiền công” 230 triệu đồng. Ngoài ra, các cán bộ trên còn kê khống vào hồ sơ đền bù của nhiều hộ dân khác, nhằm rút ruột tiền đền bù một cách phi pháp. Trong đó, có hộ ông Nguyễn Văn Sinh (ấp 4, xã Nha Bích), với số tiền kê khống hơn 100 triệu đồng. Hộ bà Phạm Thị Thu (ấp 2) kê khống thêm 107 triệu đồng...
Tổng số tiền được phát hiện, mà nhóm cán bộ trên gây thiệt hại cho Nhà nước là 2,1 tỉ đồng.
Tại phiên toà, HĐXX tập trung làm rõ vai trò của các bị cáo trong việc kê khống tài sản để hưởng tiền chênh lệch đền bù. Tuy nhiên, các bị cáo Hoà, Thành, Hồng và Thi có nhiều lời khai mâu thuẫn với lời khai tại cơ quan điều tra và tỏ ra không thành khẩn. Hòa một mực cho rằng trong khu đất của bà Thi có ao, luật sư bào chữa cho Hòa cũng yêu cầu làm rõ chi tiết này, nếu có ao hoặc ao được đào mở rộng thêm thì phải tính lại số tiền chênh lệch do kê khống và đề nghị hội đồng xét xử trả hồ sơ điều tra bổ sung.
Đại diện Viện KSND xác nhận từ năm 2005, nhà bà Thi có một cái ao nhỏ để lấy nước tưới. Tuy nhiên, cơ quan điều tra đã làm rõ sau khi không lấy nước tưới nữa, từ năm 2007 trở đi, gia đình bà Thi múc sỏi phún để bán, đã múc cả khu vực ao, tạo thành hầm đất rất lớn chứ không phải ao. Hành vi Thi, Hòa, Hồng câu kết nhằm chiếm đoạt tài sản là rõ ràng.
Hồng phủ nhận việc câu kết, làm thủ tục, lập hồ sơ khống cho bà Thi và chỉ nhận là trung gian cho bà Thi với Hòa. Cả Hồng và Hoà đều cho rằng đã bị cơ quan điều tra ép cung trong quá trình bị tạm giam để điều tra. Riêng đối với bị cáo Thành, khi được HĐXX hỏi về những lần gặp mặt Hoà để đưa tiền thì Thành đều nói: “Lâu quá rồi, bị cáo không nhớ”.
Phiên toà diễn ra 1 ngày với những phần tranh luận gay gắt giữa Viện KSND và luật sư bào chữa cho các bị cáo. Đến cuối ngày, khi phiên toà đang diễn ra thì bất ngờ bị cáo Thi ngất xỉu và được người thân dẫn ra ngoài chăm sóc. Sau khi hội ý, HĐXX cho rằng, sức khoẻ bị cáo Thi không đảm bảo nên đã tuyên hoãn.
Sáng nay 27/6, phiên toà sẽ tiếp tục làm việc với phần tranh luận của đại diện VKS và luật sư bào chữa cho các bị cáo. Tuy nhiên, tại phần tranh luận không có thêm tình tiết mới vì vậy chủ tọa phiên tòa tuyên bố kết thúc. Dự kiến, mức án dành cho các bị cáo sẽ được tuyên vào lúc 14h ngày 3/7 tới đây.
9 bị cáo gồm: Hoàng Đình Hòa (32 tuổi, nguyên trưởng phòng giải phóng mặt bằng Ban quản lý dự án ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn - Sở NN và PTNT tỉnh Bình Phước, tổ trưởng Tổ kiểm kê khu vực xã Nha Bích, H.Chơn Thành, Bình Phước); Nguyễn Văn Hồng (39 tuổi, nguyên cán bộ phòng quản lý xây dựng công trình - Sở NN và PTNT tỉnh Bình Phước); Lê Văn Thành (35 tuổi, nguyên cán bộ địa chính xã Nha Bích); và Bùi Thị Dáng Thi (54 tuổi, nhân viên công ty bảo hiểm Prudential Bình Phước, tại xã Nha Bích). Cùng 5 bị cáo khác: Phan Thị Thu (54 tuổi, xã Hòa Lợi, H.Bến Cát, Bình Dương); Lâm S`Rương (56 tuổi, ngụ xã Nha Bích); Lê Xuân Quyết (61 tuổi, ngụ xã Nha Bích); Lê Thị Hương (31 tuổi, ngụ P.Tân Phú, TX.Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, vợ Hồng); Lê Văn Tèo (57 tuổi, nguyên chủ tịch UBND xã Nha Bích). 
 

Tin nổi bật