Vay tiền qua app trên mạng
Chỉ cần lên mạng gõ thông tin tìm kiếm “vay tiền online”, sau 0,6 giây đã cho ra 170 triệu kết quả với thông tin cho vay tiền bằng lời chào mời hấp dẫn như: “vay đơn giản chỉ trong vòng 15 phút nhận được tiền”, “vay cấp tốc lãi 0%, không cần thế chấp”… Nhiều người đã liên hệ vay tiền và sau đó cay đắng trả lãi cao gặp nhiều lần số tiền vay gốc.
Chị Hoàng Quỳnh Chi (hiện trú tại Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội) kể, từ 9/2021, công ty chị dừng hoạt động, cắt lương. Không có tiền tiết kiệm, lại vẫn phải lo tiền ăn uống, tiền trọ hàng tháng nên chị Chi đã vay tiền qua một app chị tìm được trên mạng.
Chỉ cần căn cước công dân và giấy tạm trú, chị Chi được vay 5 triệu đồng, nhưng bị cắt 1 triệu để trừ tiền lãi tuần đầu và chi phí hỗ trợ, đảm bảo. Sang tuần thứ 2, mỗi tuần chị phải trả lãi 210 nghìn tiền lãi. Không có tiền trả, chị bị đe dọa, người của app còn gọi điện về quê cho người thân của chị để đòi tiền. “Họ nói nếu cuối tháng này không trả thì sẽ nhân tiền vay gốc lên gấp 2 lần. Ở quê bố mẹ không có tiền, làm nông nên chỉ đủ ăn đủ tiêu còn tôi thì thất nghiệp mấy tháng nay. Nhưng tôi vẫn nhờ bố mẹ cố gắng vay giúp họ hàng mỗi người một ít để trả dứt điểm app cho vay. Sau lần này, tôi không bao giờ dám vay tiền qua app nữa”, chị Chi nói.
Một trường hợp khác, anh Nguyễn Hoàng Cường (SN 1979) bán trà đá trên đường Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy. Mấy tháng dịch không được dọn hàng, anh vay tiền qua một app để làm vốn kinh doanh. Người của app hướng dẫn anh photo giấy tờ nhà ở quê gửi lên, chứng minh thư... Anh vay 100 triệu nhưng chỉ được nhận 70 triệu (30 triệu này trừ lãi trong tháng đầu và các chí phí khác). Mỗi tháng anh Cường phải trả hơn chục triệu tiền lãi. Việc làm ăn không thuận lợi, anh không có tiền trả lãi. Chủ nợ cộng số lãi vào tiền gốc, ép anh viết lại giấy vay nợ. Hiện tại, anh Cường đã nợ tới 150 triệu đồng.
Cần hỗ trợ công nhân nghèo ở trọ vay vốn
Trao đổi với phóng viên Đời sống & Pháp luật, Luật gia Bùi Văn Tạ (Trung ương Hội luật gia Việt Nam) cho biết: “Hiện ở Hà Nội rất nhiều công nhân, lao động nghèo rơi vào khó khăn, đặc biệt họ không thể tiếp cận nguồn vay an toàn, lãi suất thấp nên rất dễ dính bẫy “tín dụng đen” qua app. Để ngăn chặn tín dụng đen, địa phương cấp phường trở lên nên phát động chiến dịch tuyên truyền, vận động tại các xóm trọ có nhiều công nhân cư trú không vay tiền qua các app không phép. Nếu có khó khăn về tài chính thì liên hệ với tổ chức tín dụng hoặc các tổ chức tài chính có đăng ký kinh doanh hợp pháp để vay; đồng thời, khuyến khích người dân tố giác các hành vi cho vay nặng lãi để cơ quan có thẩm quyền xử lý. Bên cạnh đó, lực lượng công an cấp Phường, cảnh sát khu vực phải quản lý chặt chẽ các đối tượng hoạt động cho vay năng lãi; theo dõi, thu thập chứng cứ để xử lý theo quy định. Vận động nhân dân hoặc nạn nhân của tín dụng đen cung cấp chứng cứ về hành vi cho vay nặng lãi để xử lý hình sự”.
Cũng theo ông Bùi Văn Tạ, các ngân hàng, tổ chức tín dụng có phép nên đơn giản tối đa thủ tục cho vay, tiện lợi, nhanh chóng để công nhân nghèo ở trọ tại thành phố có khó khăn về tài chính được tiếp cận với nguồn vốn. Luật gia Bùi Văn Tạ nói: “Nhà nước cần chuẩn bị các nguồn vốn vay để người dân có nhu cầu vay vốn dễ tiếp cận; phát huy vai trò của hệ thống Ngân hàng chính sách xã hội các cấp trong việc hỗ trợ người dân vay vốn. Ngoài ra, cần phát huy vai trò của ban quản lý tổ dân phố, hội phụ nữ, cảnh sát khu vực và các hội đoàn thể khác thường xuyên hỗ trợ, giúp đỡ công nhân nghèo đang trọ ở thành phố tiếp cận với khoản vay không lãi suất để sản xuất hoặc tiêu dùng, không để lao động nghèo ở trọ sa vào vòng xoáy của tín dụng đen. Có như vậy mới ngăn chặn được hoạt động tín dụng đen có dấu hiệu bùng phát trở lại sau đại dịch Covid – 19 gây mất an ninh trật tự, đe dọa cuộc sống bình yên của người dân”.
Hoàng Phương