Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước nói về vai trò của Hội Luật gia

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Suốt chặng đường gần 60 năm qua, Hội Luật gia Việt Nam luôn có những đóng góp tích cực vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc, đặc biệt trên lĩnh vực pháp luật.

(ĐSPL) - Được thành lập tháng 4/1955, đến nay Hội Luật gia Việt Nam đã trải qua gần 60 năm phát triển và trưởng thành. Suốt chặng đường qua, Hội Luật gia Việt Nam luôn có những đóng góp tích cực vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc, đặc biệt trên lĩnh vực pháp luật.

Ở thời kỳ nào, Hội Luật gia Việt Nam cũng luôn nhận được sự đánh giá cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đây là vinh dự lớn. Chào mừng Đại hội Đại biểu toàn quốc của Hội Luật gia Việt Nam lần thứ XII, báo Đời Sống và Pháp luật xin trích lại những ý kiến quan trọng và ghi nhận của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận về vai trò của Hội Luật gia Việt Nam qua các thời kỳ.

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười: Vinh dự đi đầu trong công cuộc xác lập pháp chế, kỷ cương, phép nước


“Tôi nghĩ rằng, giới luật gia Việt Nam nói chung cũng như Hội Luật gia và từng hội viên của Hội đều có vinh dự cao cả đi đầu trong cuộc đấu tranh để xác lập pháp chế, kỷ cương, phép nước và đưa nó vào cuộc sống. Là đoàn thể của những người làm công tác pháp luật, Hội Luật gia cần mở rộng đội ngũ của mình, tập hợp đông đảo hơn nữa giới trí thức thuộc mọi lĩnh vực, được đào tạo từ nhiều nguồn khác nhau, cùng chung tâm huyết phục vụ sự nghiệp của dân tộc. Cùng với việc tham gia nghiên cứu các vấn đề pháp lý, chuẩn bị các dự án pháp luật, Hội cần ra sức góp phần vào việc phổ biến pháp luật, giáo dục nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật trong cán bộ và nhân dân, tích cực tham gia giám sát việc thực hiện pháp luật, đấu tranh chống vi phạm và tội phạm, trước hết là chống tham nhũng và buôn lậu, khôi phục và củng cố lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý của Nhà nước và tính nghiêm minh của pháp luật”.

(Trích bài phát biểu của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười tại Đại hội lần thứ VIII Hội Luật gia Việt Nam, 25-26/5/1993)

Nguyên Tổng Bí Thư Lê Khả Phiêu: Tỏa sáng như những ngôi sao


“Các đồng chí, Hội Luật gia Việt Nam chúng ta đang có địa điểm làm việc mới hiện đại, xét về trụ sở các hội thì vào loại tốt nhất toàn quốc. Cơ sở vật chất sẽ tạo điều kiện làm việc của chúng ta tốt hơn nhưng theo tôi vấn đề cơ bản vẫn là trí tuệ, là cán cân công lý. Nhất là trong tình hình hiện nay, đất nước chúng ta đang trong tiến trình phát triển mới mà tình hình quốc tế, trong nước nhiều thử thách, nóng và gắt. Thế giới văn minh thì vấn đề luật người dân cũng phải rèn, đặc biệt là đội ngũ luật sư, luật gia chúng ta. Đã là luật gia phải am hiểu luật pháp và đứng về công lý. Bảo vệ cái đúng, không để cái sai lấn át cái đúng. Chúng ta về trụ sở ở Tòa tháp ngôi sao. Tôi chúc các đồng chí tỏa sáng như những ngôi sao, đã là ngôi sao mãi mãi tỏa sáng”.

(Trích bài phát biểu của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu tại buổi khai trương trụ sở mới của Hội Luật gia Việt Nam, ngày 30/8/2013)

Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương: Góp phần xây dựng nền pháp lý và xây dựng Nhà nước pháp quyền


“Hội Luật gia Việt Nam với tư cách là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã tự nguyện hoạt động vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng và văn minh, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ quyền dân chủ của nhân dân, góp phần xây dựng nền pháp lý và xây dựng Nhà nước xã hội chủ nghĩa. Trên nhiều lĩnh vực, Hội đã hoạt động có hiệu quả, tham gia xây dựng các văn kiện quan trọng của Đảng, các dự án pháp luật của Nhà nước, nhiều Dự thảo, Nghị định của Chính phủ; tổ chức tuyên truyền phổ biến pháp luật, đưa pháp luật vào đời sống, tư vấn pháp luật cho nhân dân, đặc biệt là tư vấn pháp luật miễn phí cho người nghèo; tham gia hòa giải ở cơ sở, tham gia Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán Tòa án nhân dân các cấp; mở rộng giao lưu với các tổ chức và luật gia nước ngoài... Cống hiến đó của Hội Luật gia Việt Nam đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận bằng việc quyết định tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất. Tôi nhiệt liệt biểu dương và hoan nghênh thành tích của Hội trong thời gian qua”.

(Trích bài phát biểu của đồng chí Trần Đức Lương, nguyên Chủ tịch nước tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Luật gia Việt Nam lần thứ IX ngày 12/12/1998)

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Bảo vệ lẽ phải, công bằng và tiến bộ xã hội


“Trong những năm qua, Hội Luật gia đã phát huy truyền thống tốt đẹp của Hội, đoàn kết, tập hợp rộng rãi đội ngũ các luật gia, từ các luật gia lão thành, cho tới các luật gia công chức, viên chức, đang công tác và đội ngũ các luật sư, luật sư trẻ tự nguyện tham gia tổ chức Hội, hoạt động vì mục đích góp phần bảo vệ lẽ phải, công bằng và tiến bộ xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, quyền tự do dân chủ của công dân; bảo vệ độc lập chủ quyền lãnh thổ; bảo vệ đường lối, chính sách đúng đắn, nhất quán của Đảng và Nhà nước trên diễn đàn pháp lý quốc tế, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN”.

(Trích bài phát biểu kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại buổi làm việc với Hội Luật gia Việt Nam ngày 16/7/2012)

Chủ tịch UBTƯ MTTQ VN Nguyễn Thiện Nhân: Giúp dân hiểu được pháp lý, khiếu nại tố cáo đúng quy trình


“MTTQVN ghi nhận những đóng góp của Hội Luật gia Việt Nam trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Qua công tác tư vấn, trợ giúp pháp lý của Hội với nhân dân và cơ quan quản lý Nhà nước, MTTQVN mong muốn người dân sẽ hiểu được pháp luật, khiếu nại, tố cáo đúng quy trình, có hiệu quả. Tránh tình trạng tồn đọng, chậm trễ trong việc giải quyết khiếu kiện dẫn đến bức xúc trong nhân dân như trong thời gian qua”.

(Trích nội dung bài phát biểu tại buổi làm việc của Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Hội Luật gia Việt Nam ngày 10/9/2014)

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Tham mưu cho Đảng và Nhà nước đấu tranh pháp lý ở Biển Đông


"Về những hoạt động liên quan đến Biển Đông, Hội Luật gia Việt Nam tiếp tục tham mưu cho Đảng và Nhà nước các phương án về vấn đề này. Chúng ta đấu tranh hoà bình và chưa có chủ trương khác về vấn đề Biển Đông. Các phương án đấu tranh phải rất cụ thể và thuyết phục, cái lý của ta phải tốt hơn và chặt chẽ hơn, sát thực với giá trị của vấn đề. Hội Luật gia Việt Nam chính là kênh tham khảo rất quan trọng của Chính phủ. Các chi hội các địa phương cũng phải đấu tranh như thế nào, nhất là tại các chi hội có biển đảo".

(Trích lời phát biểu của ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với Hội Luật gia Việt Nam ngày 30/5/2014)

Tin nổi bật