Ít nhất 20.000 người đã tập trung biểu tình tại Paris (Pháp) nhằm phản đối cái chết của người Mỹ gốc Phi George Floyd.
Làn sóng biểu tình phản đối cái chết của George Floyd đã lan ra nhiều nơi trên thế giới. Hôm 2/6, đến lượt đường phố Paris chìm trong biển lửa và sự phẫn nộ của đoàn người biểu tình.
Cảnh sát cho biết ít nhất 20.000 người đã tham gia biểu tình, bất chấp lệnh cấm vì Covid-19. Họ tập trung trước Cung tư pháp Paris, hô vang khẩu hiệu để đòi công lý cho George Floyd hay Adama Traore, công dân da màu của Pháp, cũng chết dưới tay cảnh sát năm 2016.
Những người biểu tình tại Paris quỳ gối và giơ nắm đấm trong cuộc biểu tình đa sắc tộc tương đối ôn hòa, chỉ có vài vụ căng thẳng rải rác và lính cứu hỏa phải cố gắng dập tắt nhiều đám cháy trên đường.
Một số người biểu tình cho hay tình trạng bạo lực của cảnh sát trở nên tồi tệ hơn trong quá trình thực thi các biện pháp hạn chế ngăn Covid-19, khiến tầng lớp lao động ở vùng ngoại ô, nơi đa phần là những nhóm thiểu số trong xã hội, càng thêm tức giận vì sự bất công.
"Sự cố xảy ra tại Mỹ, nhưng nó cũng xuất hiện ở Pháp và mọi nơi khác", Xavier Dintimille, một người biểu tình tại Paris cho hay. Anh đánh giá sự bạo lực của cảnh sát tại Mỹ dường như tồi tệ hơn, nhưng nói thêm rằng "tất cả người da màu phần nào đó cũng phải sống như vậy".
Tại châu Âu, Pháp là một trong những nước có nạn phân biệt chủng tộc và bạo lực cảnh sát nghiêm trọng nhất. Giống như Mỹ, cảnh sát Pháp thường xuyên đụng độ và bắt giữ bạo lực những người da màu, theo AP.
Phát biểu về tình trạng biểu tình và bạo loạn tại Mỹ trong 1 tuần qua, một quan chức cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) cho biết khối này cảm thấy sốc và kinh hãi trước cái chết của người Mỹ gốc Phi George Floyd.
“Đây là một sự lạm dụng quyền lực và phải bị lên án. Chúng ta cần đấu tranh với nạn phân biệt chủng tộc tại Mỹ hay tại bất cứ nơi nào khác”, ông Josep Borrell, Cao uỷ phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của EU, cho biết hôm 2/6.
Các cuộc biểu tình khởi phát từ thành phố Minneapolis, bang Minnesota, Mỹ, nơi người đàn ông da màu George Floyd bị cảnh sát Derek Chauvin ghì đầu gối lên gáy và tử vong, làm dấy lên cơn phẫn nộ vì tình trạng phân biệt chủng tộc và bạo lực của cảnh sát.
Phong trào xuống đường phản đối nạn phân biệt chủng tộc sau đó lan tới nhiều quốc gia khác trên thế giới. Nhiều cuộc biểu tình ở các thủ đô Berlin (Đức), Dublin (Cộng hoà Ireland) hay thành phố Cardiff (xứ Wales) và Manchester (Anh) cũng thu hút hàng chục nghìn người tham gia.
Hoa Vũ (T/h)