Tập đoàn Phương Trang và đại án Trustbank
Công ty CP đầu tư Phương Trang (Tập đoàn Phương Trang) được thành lập vào ngày 12/2/2003 với vốn điều lệ ở mức 770 tỷ đồng, trong đó ông Nguyễn Hữu Luận nắm giữ 98,66% vốn điều lệ. Tổng Giám đốc kiêm đại diện pháp luật tại đây là bà Nguyễn Thị Như Mai.
Nhiều hoạt động của Kim Long Nam đều mang bóng hình của Tập đoàn Phương Trang. Ảnh minh họa
Từ một doanh nghiệp nhỏ, những ngày đầu Tập đoàn Phương Trang hoạt động với số lượng đầu xe chỉ từ 5 đến 10 xe khách các loại. Đến năm 2008, Tập đoàn Phương Trang bắt đầu mở rộng đầu tư các tuyến xe miền Tây và đã giành được niềm tin của khu vực này.
Năm 2010, Tập đoàn Phương Trang giới thiệu sở hữu hơn 500 xe khách cao cấp 45 chỗ, 500 xe taxi và mạng lưới xe vận chuyển hành khách cao cấp khắp các tỉnh từ Huế về đến Cà Mau, cùng nguồn quỹ đất trải dài trên hơn 20 tỉnh thành trong cả nước.
Tuy là lĩnh vực hoạt động lõi từ ngày khởi nghiệp, nhưng phải đến tháng 4/2013, Công ty cổ phần xe khách Phương Trang Futa BusLines (Futa BusLines) mới được thành lập, chính thức khu biệt mảng kinh doanh lõi này ra một pháp nhân riêng.
Tại ngày 3/11/2015, số vốn Futa BusLines ở mức 200 tỷ đồng, thành phần cổ đông gồm CTCP Taxi Phương Trang nắm giữ 40%, ông Nguyễn Hữu Luận (52,67%), ông Phạm Đăng Quan (5,83%) và bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh (1,5%).
Không dừng lại ở lĩnh vực vận tải, năm 2010, Tập đoàn Phương Trang lấn sân sang lĩnh vực bất động sản với thương hiệu Futa Land – Công ty CP bất động sản Phương Trang.
Futa Land được biết đến với hàng loạt bất động sản cao cấp tại TP.HCM như New Pearl (192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3) có giá bán thời điểm đó lên đến 90 triệu đồng/m2; dự án The Landmark City, quận 1 (4.261 m2); dự án Quang Thuận, quận Thủ Đức (1,2 ha); Golden Gate, quận 7 (1,9 ha).
Đặc biệt, doanh nghiệp này còn sở hữu khối bất động sản khá lớn TP. Đà Nẵng, gồm dự án Han Riverview (1,4 ha) và Khu đô thị mới Futa Cove, (120 ha), dự án An Cư 11 và dự án Khu đô thị sinh thái biển Phương Trang – Vịnh Đà Nẵng (147ha).
Đang trên đà phát triển thì năm 2016, Tập đoàn Phương Trang dính “lùm xùm” trong đại án Ngân hàng TMCP Đại Tín (Trustbank) của bà Hứa Thị Phấn cùng vụ kiện đòi xe MayBach trị giá 38 tỷ đồng giữa bà Hứa Thị Phấn và nhóm Phương Trang.
Thời điểm đó, hàng loạt xe khách, dự án bất động sản của Phương Trang bị phong tỏa vì đó là những tài sản đảm bảo cho các khoản nợ doanh nghiệp của ông Nguyễn Hữu Luận với phía ngân hàng. Cũng từ thời gian này, mảng bất động sản của Phương Trang gần như đóng băng.
Tay chơi mới Kim Long Nam Group và bóng dáng Phương Trang
Trong khi mảng bất động sản của Phương Trang trở nên trầm lắng thì xuất hiện cái tên mới Kim Long Nam Group và màn chào sân bằng loạt dự án bất động sản lớn tại Đà Nẵng.
Một điểm đáng chú ý, tất cả các dự án mà Kim Long Nam giới thiệu đều có nguồn gốc từ Tập đoàn Phương Trang của ông Nguyễn Hữu Luận.
Có thể kể đến như Đà Nẵng Times Square. Dự án này nằm trên khu đất ký hiệu CT4, CT5 thuộc Khu đất phía Nam cuối đường Phạm Văn Đồng của Tập đoàn Phương Trang.
Năm 2013, Thanh tra Chính phủ từng có kết luận về việc UBND TP.Đà Nẵng chuyển nhượng ăn chênh gần 500 tỷ đồng tại lô đất này.
Cụ thể, năm 2006, TP.Đà Nẵng chuyển nhượng Khu đất phía Nam cuối đường Phạm Văn Đồng cho ông Hoàng Hải và bà Trung Thị Lâm Ngọc, với tổng giá trị hợp đồng là 84 tỷ đồng. Đến năm 2008, ông Hải và bà Ngọc không triển khai thực hiện dự án, đã ủy quyền cho ông Vũ “nhôm” chuyển nhượng cho ông Phạm Đăng Quan (được biết đến là Tổng giám đốc Phương Trang) với giá chuyển nhượng là 581,526 tỷ đồng (thu chênh lệch 495,374 tỷ đồng).
Năm 2009, ông Phạm Đăng Quan lại tiếp tục chuyển nhượng cho Công ty cổ phần đầu tư địa ốc ô tô Phương Trang với giá là 585 tỷ đồng.
Thế nhưng hiện nay, Kim Long Nam được giới thiệu là chủ đầu tư dự án Đà Nẵng Times Square. Kim Long Nam được giới thiệu sở hữu các tháp CT1, CT2, CT3 và CT7. Trong khi tháp CT5 của Đà Nẵng Times Square do Tập đoàn Phương Trang sở hữu. Toàn bộ dự án này đang được dùng làm tài sản thế chấp tại ngân hàng SHB – chi nhánh Vạn Phúc.
Theo tìm hiểu của PV, Kim Long Nam Group được thành lập vào tháng 4/2015 với vốn điều lệ ban đầu 100 tỷ đồng do ông Trương Đình Trung làm Chủ tịch HĐQT. Năm 2017, Tập đoàn này nâng vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng và được giới thiệu là chủ dự án nhiều dự án bất động sản lớn.
Chủ tịch Trường Đình Trung cũng không phải là người xa lạ với Tập đoàn Phương Trang. Vị doanh nhân này là người trung gian “gom đất” rồi bán lại cho Phương Trang. Đồng thời ông Trung cũng từng là Phó Giám đốc Công ty CP Bất động sản Phương Trang. Không ngoại trừ, ông Trung đứng tên thay Tập đoàn Phương Trang trong thương vụ nhận chuyển nhượng 2 khu đất A2 và A3 tại Đà Nẵng từ bà Trương Thị Chi và Lê Thúy Hương.
Một mắt xích liên hệ khác giữa Phương Trang và Kim Long Nam là ông Cao Thái Hùng (SN 1966). Ông Hùng từng được biết đến là Tổng giám đốc Futaland tại Đà Nẵng; Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH sàn giao dịch bất động sản Phương Trang tại TP.HCM. Ngoài ra, ông Hùng còn là Thành viên HĐQT – đại diện cho phần vốn góp của Tập đoàn Phương Trang tại Công ty CP đầu tư phát triển nhà Đà Nẵng năm 2015.
Ông Hùng hiện nay là người đại diện pháp luật của Công ty TNHH sàn bất động sản Kim Long Việt – doanh nghiệp được Kim Long Nam Group thành lập năm 2017.
Ngoài ra, năm 2008, ông Phạm Đăng Quan còn cùng ông Trương Đình Trung lập ra Công ty TNHH xây dựng và đầu tư Việt Công, người đại diện pháp luật là ông Trung. Hiện nay, công ty này do bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh làm giám đốc. Bà Trinh là đại diện nhiều doanh nghiệp "họ" Phương Trang.
PV