(ĐSPL) - Đó là nhận định của TS. Lê Thanh Hà, Phó Viện trưởng viện Nghiên cứu Công nhân và Công đoàn xung quanh việc “chốt” mức lương tối thiểu vùng là 12,4\% khi trao đổi với PV báo ĐS&PL.
TS. Lê Thanh Hà, Phó Viện trưởng viện Nghiên cứu Công nhân và Công đoàn. (Ảnh Thành Long). |
Thưa ông, sau nhiều lần đàm phán không thành, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã bỏ phiếu và “chốt” đề xuất tăng 12,4\%. Ông đánh giá như thế nào về mức tăng này?
Tôi cho rằng mức tăng này chưa hợp lý, cũng như chưa đạt được mục đích mà Bộ luật Lao động đã đề ra đó là mức lương tối thiểu phải đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Trước đó, Tổng LĐLĐVN đưa ra mức tăng tối thiểu 16,8\%, tôi cho rằng đây là con số hợp lý.
Bởi, qua quá trình nghiên cứu, cũng như tính toán từ thực tế cuộc sống của người công nhân tại các khu công nghiệp mới thấy họ đang sống khổ sở như thế nào.
Nói như vậy, không có nghĩa là chỉ bảo vệ lợi ích của người lao động mà không tính đến sự khó khăn của các doanh nghiệp sử dụng lao động. Mức tăng lương tối thiểu 12,4\% thật sự không thuyết phục người công nhân.
Ông nghĩ sao trước con số trên 70\% doanh nghiệp đang làm ăn thua lỗ, gặp khó khăn mà bên phía giới chủ lao động đưa ra. Nếu tăng mức lương như Tổng LĐLĐVN đưa ra nhiều doanh nghiệp sẽ phá sản?
Thực tế, ở nước ta, các con số trong báo cáo nhiều khi chưa chính xác. Bởi, tính minh bạch gần như rất thấp và các doanh nghiệp sẽ báo cáo theo hướng có lợi cho mình. Để khách quan, doanh nghiệp hay người công nhân đang gặp khó khăn thì phải xuống tận nơi mới biết được. Thực tế cũng như qua nghiên cứu, khảo sát mức tăng lương tối thiểu phải tiệm cận với mức Tổng LĐLĐVN đưa ra mới đảm bảo lợi ích công bằng cho người lao động.
Đời sống công nhân còn rất nhiều khó khăn, ngoài các khoản tiền chi tiêu dành cho ăn uống, họ còn phải gồng gánh rất nhiều thứ khác nữa, tất tần tật đều trông vào đồng lương. Mức lương tối thiểu hiện nay quả thực rất thấp, cần phải nâng cao hơn nữa đúng theo lộ trình mà Bộ luật Lao động đã chỉ ra. Không chỉ chúng tôi đưa ra mức này mà nhiều tổ chức phi chính phủ cũng cho rằng lương công nhân Việt Nam đang rất thấp, họ đang gặp rất nhiều khó khăn.
Vậy theo ông, cần phải có những giải pháp nào để người lao động được đảm bảo lợi ích, cũng như nhu cầu sống tối thiểu theo Bộ luật Lao động?
Công nhân chính là tài sản đặc biệt của doanh nghiệp; có được đảm bảo cuộc sống, họ mới gắn bó lâu dài, an tâm làm việc. Nhiều doanh nghiệp nói tăng lương tối thiểu ảnh hưởng đến lợi nhuận, đến sự phát triển của doanh nghiệp, như thế là thiếu trách nhiệm với người lao động, với xã hội.
Có thể nói doanh nghiệp đảm bảo hài hòa được lợi ích người lao động để họ an tâm, gắn bó với công việc, có như vậy hiệu quả mới tăng, doanh nghiệp mới có lợi nhuận. Chứ không thể trả lương thấp cho người lao động, bóc lột sức lao động để tăng lợi nhuận của doanh nghiệp lên. Mối quan hệ như thế sẽ khó lâu dài và bền chặt.
Tôi cho rằng trong tương lai gần, mức lương công nhân không chỉ đảm bảo ở mức sống tối thiểu mà cần phải cao hơn nữa. Ít nhất mức lương đó đảm bảo họ có mức sống trung bình của xã hội chứ không phải tối thiểu như hiện nay. Bởi không chỉ những nhu cầu tối thiểu phải chi trả hàng ngày, họ cần phải có một khoản tích lũy, tiết kiệm. Nếu mức lương này chỉ đảm bảo đơn thuần những nhu cầu tối thiểu đó thì họ không khác gì cái máy làm việc.
Thưa ông, vấn đề vướng mắc hiện nay chưa tìm ra tiếng nói chung giữa doanh nghiệp và người lao động là gì?
Thực tế, không ít doanh nghiệp đã trả ngang hoặc hơn mức lương tối thiểu cho công nhân, trong đó bao gồm cả tiền tăng ca, tiền phụ cấp. Nhưng việc tăng lương tối thiểu nếu tính ra không đáng bao nhiêu chỉ tăng tối đa là 400.000 đồng đối với vùng 1.
Nhưng quan trọng là người lao động được đóng bảo hiểm cao hơn, để sau này về hưu mức lương họ nhận cũng tạm đủ sống. Nếu tiếp tục mức lương thấp như thiện nay, e rằng người lao động khi về hưu mức lương sẽ chỉ vài trăm ngàn đồng.
Hơn nữa, với mức lương hiện tại, họ cũng chỉ ăn ở trong điều kiện dưới mức trung bình. Trong khi đó, tiền lương chưa tăng, giá cả hàng hóa thị trường đã tăng trước một bước. Tôi đã đến một số khu công nghiệp, thấy hoàn cảnh người công nhân sống còn nhiều khó khăn, nhìn vào bữa ăn, cách sinh hoạt của họ mà ái ngại.
Xin cảm ơn ông!
Thành Long
Xem thêm video:
[mecloud]saVn8LugEi[/mecloud]