(ĐSPL) - Nhiều vựa khoai tây tại chợ nông sản thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) đã bẻ mầm khoai tây, dùng bột đất đỏ của Đà Lạt bôi xung quanh củ khoai để che giấu mắt mầm và vỏ xanh rồi đưa đi TPHCM và các tỉnh khác tiêu thụ....
Biến khoai mọc mầm thành "đặc sản"
Thông tin trên báo Tiền phong, những ngày gần đây, nhiều vựa khoai tây tại chợ nông sản thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) đã bẻ mầm khoai tây, dùng bột đất đỏ của Đà Lạt bôi xung quanh củ khoai để che giấu mắt mầm và vỏ xanh rồi đưa đi TPHCM và các tỉnh khác tiêu thụ. Trước khi tiến hành tân trang khoai tây, hầu hết các vựa đều tháo bảng hiệu, tháo số quầy để tránh bị theo dõi.
Ông Lại Thế Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng, cho biết, ăn khoai tây vỏ xanh có khả năng bị ngộ độc, còn khoai đã mọc mầm thì chất lượng giảm nhiều. Đà Lạt - Lâm Đồng có hai mùa mưa nắng rõ rệt. Vào mùa mưa, chi phí trồng và chăm sóc khoai tây khá cao, do sâu bệnh nhiều, diện tích và sản lượng khoai tây trái vụ vì vậy rất thấp.
Trong khi đó, thời tiết mùa khô thuận tiện để trồng loại củ này, diện tích và sản lượng khoai tăng cao nên giá khoai chính vụ khá rẻ. Nhiều nhà nông và tiểu thương có thói quen trữ khoai tây chính vụ chờ đến mùa mưa để bán với giá cao.
Khoai tây phải được bảo quản ở chỗ tối, mát (khoảng 10 độ C). Nếu trữ quá lâu ở nơi ẩm thấp thì khoai sẽ mọc mầm, còn nếu để ánh sáng mặt trời chiếu rọi, vỏ khoai tây sẽ chuyển sang màu xanh lá cây. Năm 2014, Khoa Công nghệ sinh học và công nghệ môi trường (Trường Đại học Công nghệ thực phẩm TP HCM) đã tiến hành nghiên cứu, kết luận ở điều kiện bình thường thì hàm lượng chất solanine và chacoline trong khoai tây rất ít (trong 100 gram khoai mới có 10 mg nên không gây ngộ độc), nhưng khi khoai tây đã mọc mầm, vỏ chuyển sang màu xanh, tím thì hàm lượng các chất này tăng cao, có khả năng gây ngộ độc.
National Tropical Botanical Garden nêu rõ triệu chứng ngộ độc khoai tây là khô cổ họng, khó thở, nôn mửa, tê lưỡi, đau bụng, tiêu chảy… Trường hợp nặng thì nhiệt độ cơ thể tăng cao đột ngột, sau đó co giật, hôn mê, suy hô hấp, thậm chí tử vong.
Có lúc có nơi người tiêu dùng được khuyên khi chế biến nên gọt bỏ phần củ khoai tây đã biến thành màu xanh, tím, hoặc chỗ đã nảy mầm, nhưng theo Khoa Công nghệ sinh học và công nghệ môi trường thì tốt nhất không nên ăn những củ khoai đó.
Để tránh mua nhầm khoai tây đã bị tân trang, người tiêu dùng nên chọn những củ còn tươi, cầm lên thấy nặng, chắc tay, vỏ trơn nhẵn. Củ khoai tây vỏ vàng sẽ ngọt và thơm hơn khoai tây hơi ngả màu trắng.
Khoai mọc mầm đang được tân trang để bán. Ảnh: Thanh Niên. |
Cách chọn khoai tây ngon
Nên
- Chọn những củ khoai cầm lên thấy nặng, chắc tay và lành lặn. Vỏ trơn nhẵn là những củ khoai tây còn tốt, ăn sẽ ngon.
- Những củ khoai tây vàng sẽ ngọt và thơm hơn khoai tây hơi ngả màu trắng.
- Chọn những củ khoai cầm lên thấy nặng, chắc tay và lành lặn
- Nên chọn những củ đều nhau như vậy sẽ dễ chế biến theo mục đích nấu ăn của bạn.
Không nên
- Tránh chọn những củ da nhăn nheo, bóp thấy hơi mềm. Đây là những củ đã để lâu và bị héo. Những củ như thế ăn sẽ không còn nhiều dinh dưỡng, không ngọt.
- Không chọn những củ có chấm hay có nốt, bị sâu, mắt màu đen hoặc bị thối, chảy nước.
- Những củ khoai còn tươi nhưng vỏ bị trầy xước cũng không nên lấy vì mua những củ này về, nếu không ăn ngay, khi bảo quản nó sẽ nhanh bị thối và lây sang các củ lành khác.
- Không chọn những củ khoai tây có nhiều vết lõm, tuy không bị sâu bệnh hay bị hỏng nhưng về rất khó cạo hay gọt vỏ.
Phân biệt khoai tây Đà Lạt và khoai Trung Quốc
Ngọc Anh (Tổng hợp)