Trong phần lớn thời gian mùa đông, chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine diễn biến vô cùng chậm nhưng khốc liệt dọc theo mặt trận dài hơn 900km ở khu vực Đông Nam đất nước. Tới thời điểm hiện tại, khi mùa xuân sắp tới và cuộc xung đột sắp tròn 1 năm, cả Nga và Ukraine đều đang chuẩn bị sẵn sàng cho bước đi tiếp theo.
Trong đó, với sự cảnh giác trước lô vũ khí sắp tới mà phương Tây viện trợ cho Ukraine, Nga được cho là sẽ đưa ra các đòn tấn công mới trước.
Với lợi thế nhân lực, Nga đang hy vọng có thể áp đảo Ukraine bằng hàng chục nghìn binh lính nghĩa vụ quân sự. Theo đó, các lực lượng của Nga đã được triển khai và củng cố ở khắp các cánh đông vắng, nơi bị bom đạn tàn phá nặng nề, ở khu vực phía Đông. Họ đang tìm kiếm điểm yếu, hy vọng đào sâu các lỗ hổng của Ukraine và tạo tiền đề cho những gì có thể là một chiến dịch tham vọng nhất của Nga kể từ đầu xung đột.
Binh sĩ Nga ở miền Đông Ukraine. Ảnh: NY Times
Ukraine sắp tới sẽ phải phòng thủ trước Nga nhưng không vẫn phải đảm bảo đủ nguồn lực để thực hiện các cuộc phản công của riêng mình.
Ông Oleksandr Danylyuk - cựu Giám đốc Hội đồng An ninh Quốc gia Ukraine cho biết, Kiev đang huấn luyện hàng nghìn binh sĩ bên ngoài đất nước, đồng thời chạy đua tích lũy vũ khí hạng nặng và đạn dược, chuẩn bị cho một cuộc tấn công nhằm vào Nga.
Theo các nhà phân tích quân sự, nhiều khả năng Ukraine sẽ cố gắng phân chia lực lượng Nga thành 2 với kỳ vọng "nghiền nát" lực lượng Nga ở tiền tuyến phía Nam và cắt đứt tuyến đường tiếp tế của Moscow từ bán đảo Crimea.
Ông Mick Ryan, một thiếu tướng quân đội Australia đã nghỉ hưu và hiện là thành viên của Viện nghiên cứu Lowy, nhận định: "Gần như không có nghi ngờ gì về việc cả 2 bên đều muốn tấn công giành thế chủ động nhưng tình thế thật sự phụ thuộc vào khả năng của họ".
Mục tiêu của Nga
Theo nguồn tin tình báo Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh cho quân đội giành quyền kiểm soát toàn bộ khu vực Donbass ở phía Đông vào tháng 3 tới.
Hiện nay, khoảng 320.000 binh sĩ Nga đã được triển khai tới Ukraine và khoảng 150.000 người khác đang được huấn luyện. Theo đó, các nhà phân tích dự đoán Điện Kremlin đang muốn áp đảo Ukraine bằng các cuộc tấn công với mật độ dày đặc.
Moscow hiện đang củng cố lực lượng ở phía Đông với mục đích tấn công nhằm vào các vị trí trọng điểm của Ukraine tại đây. Họ đang mong đợi một bước tiến mới bằng cách đẩy lùi lực lượng Ukraine khỏi thành phố chiến lược Bakhmut ở Donetsk, nơi đã xảy ra các cuộc giao tranh cực kỳ khốc liệt kể từ tháng 5/2022 tới nay.
Đồng thời, Nga cũng đang nố lực đảm phải tuyến đường tiếp tế có thể giúp họ giành chiến thắng trước Ukraine. Moscow đã tiến hành một cuộc tấn công nhằm bảo vệ tuyến đường Kremmina, nằm trên tuyến đường cao tốc Bắc - Nam chính ở Luhansk. Khu vực Vuhledar ở phía Đông Nam đất nước cũng đang chứng kiến các cuộc giao tranh căng thẳng khi các lực lượng Ukraine ở rất gần tuyến đường sắt duy nhất nối đất liền với bán đảo Crimea.
Tình hình tại Bakhmut vẫn diễn biến phức tạp. Ảnh: NYTimes
Các nhà phân tích quân sự dự đoán việc Nga điều hàng chục nghìn quân tới Ukraine cho thấy họ đang muốn tiến công từ phía Bắc tới phía Nam trong chiến dịch gọng kìm nhằm bao vây toàn bộ lực lượng Kiev ở vùng Donbass.
Nga cũng được cho là sẽ nố lực chia rẽ lực lượng phòng thủ Ukraine bằng cách mở ra một mặt trận tấn công mới. Các cuộc tấn công mới có thể đến từ trong lãnh thổ Nga. Theo đó, Kiev đang theo dõi sát sao các động thái của Nga ở các khu vực biên giới bao gồm thành phố Sumy và vùng Kharkiv.
Được hỗ trợ bởi tình báo phương Tây, vệ tinh nhân tạo thương mại và mạng lưới du kích, các quan chức cấp cao Ukraine khẳng định bất kỳ động thái mới nào của Nga đều sẽ được theo dõi sát sao.
Andriy Zagorodnyuk, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, dự đoán Nga có thể sẽ muốn giành toàn bộ vùng Donbass, sau đó thông báo "kết thúc chiến dịch quân sự đặc biệt" và kêu gọi đàm phán. Nhưng theo ông Zagorodnyuk, đây là nỗ lực thứ 3 của Nga nhằm giành quyền kiếm soát Donbass kể từ khi xung đột nổ ra. Ông lưu ý trong 2 giai đoạn trước, khi Moscow nhắm mục tiêu tới khu vực này, họ đã phải nhận thất bại.
Nguồn tin tình báo quốc phòng Anh cho biết Nga từng nỗ lực tiến hành một cuộc tấn công lớn vào đầu tháng 1 vừa qua nhưng họ chỉ có thể "tiến thêm vài trăm mét mỗi tuần" vì "thiếu đạn dược và các đơn vị cơ động".
Nga hiện cũng đang đối mặt với áp lực thời gian khi các lô hàng vũ khí viện trợ của phương Tây chuẩn bị được chuyển tới Ukraine. Được biết, những vũ khí phương Tây viện trợ có thể tạo ra sự khác biệt trên mặt trận, ví dụ như xe tăng Leopard của Đức hay xe chiến đấu bộ binh Bradley của Mỹ.
Mục tiêu của Ukraine
Triển vọng tiến công của Ukraine về phía Đông đã bị hạn chế bởi Nga đã củng cố lực lượng và thiết lập các tuyến đường tiếp tế tại khu vực này kể từ năm 2014. Theo đó, nếu muốn đạt được các bước tiến ở những nơi khác, Ukraine sẽ vừa phải giữ chân Nga trong khi đảm bảo lực lượng và thiết bị quân sự.
Theo các nhà phân tích, khu vực có triển vọng nhất của Ukraine là ở phía Nam. Phần lớn khu vực do Nga nắm ở giữ ở phía Nam đều nằm trong tầm ngắm của tên lửa HIMARS do Mỹ viện trợ. Điều này đã khiến Nga phải di chuyển kho đạn dược, trung tâm chỉ huy và các tuyến đường tiếp tế ra xa tiền tuyến.
Thành phố Melitopol có thể sẽ là mục tiêu sắp tới của Ukraine. Thành phố Melitopol nằm ở giao lộ giữa 2 tuyến đường cao tốc và đường sắt quan trọng, khiến khu vực này là một tuyến đường tiếp tế quan trọng đối với quân đội Nga ở phía Nam Ukraine.
Ngoài ra, nếu Ukraine có thể chia rẽ lực lượng của Nga, họ có thể làm suy yếu quân Nga ở khu vực Kherson. Không có các tuyến đường tiếp tế từ phía đông, quân tiếp viện của Nga chỉ có thể được triển khai từ Crimea - một tuyến đường dài hơn nhiều cũng nằm trong tầm bắn của tên lửa HIMARS.
Các binh sĩ Ukraine nằm dưới hầm trú ẩn ở Bakhmut. Ảnh: NYTimes
Nhưng nếu Ukraine muốn tiến xa hơn, họ vẫn sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Nga đã xây dựng phòng tuyến ở hầu hết khu vực tiền tuyến. Mạng lưới và hàng rào chống tăng của Nga cũng đã được dựng lên xung quanh thành phố Melitopol.
Các nhà phân tích quân sự và cựu quan chức an ninh Ukraine nhận định cây cầu đất liền của nga - trải dài từ biên giới Nga, qua niềm Nam Ukraine đến Bán đảo Crimea - là mục tiêu hấp dẫn nhất trong chiến dịch phản công sắp tới của Kiev.
Nataliya Gumenyuk, phát ngôn viên của Bộ chỉ huy quân sự phía Nam Ukraine, cho biết Nga có thể cũng đoán trước được diễn biến này. Theo đó, Moscow đang triển khai thêm lực lượng tới bảo vệ các tuyến phòng thủ ở khu vực này.
Tuy nhiên, theo bà Gumenyuk, Kiev có khả năng hạn chế Moscow vận chuyển thêm vũ khí hạng nặng tới các phòng tuyến trên. Bà chia sẻ: "Chúng tôi thấy Nga đã tích trữ vụ khí hạng nặng cùng nhiều thiết bị xung quanh thành phố Melitopol và ở bán đảo Crimea. Nhưng họ sẽ không thể đưa những vũ khí này đến gần phòng tuyến. Họ muốn làm điều đó nhưng chúng tôi không cho họ cơ hội làm vậy".
Kiev đang trông chờ các chuyến hàng viện trợ vũ khí từ phương Tây, điều sẽ giúp họ phá vỡ các vị trí của quân đội Nga giống như những gì họ đã làm trong chiến dịch phản công hồi tháng 11/2022. Chiến dịch phản công khi ấy đã được báo trước và Kiev đã thành công giành lại nhiều vùng lãnh thổ bao gồm cả Kherson.
Tuy nhiên, trong chiến dịch lần này, Ukraine có thể sẽ muốn Nga phỏng đoán bước đi tiếp theo của họ.
Bà Gumenyuk nói: "Nga có thể đang chờ đợi hoạt động sắp tới của chúng tôi ở phía Nam. Chúng tôi duy trì sự căng thẳng này. Đây là cách chúng tôi làm để khiến họ mất tinh thần".
Ông Hrabsky, nhà phân tích quân sự Ukraine, dự đoán Ukraine sẽ kết hợp một cuộc tấn công trên bộ với các cuộc tấn công tầm xa. Trước tiên, Kiev có thể muốn làm suy yếu khả năng phòng thủ của Moscow bằng cách bắn đạn pháo và tên lửa chính xác vào các boongke chỉ huy, đồn trú và kho đạn dược. Sau đó, họ sẽ tìm cách chọc thủng phòng tuyến của Nga và cơ động nhanh chóng.
Tuy nhiên, chiến dịch này chắc chắn sẽ không dễ dàng bởi Nga đang củng cố vững chắc hàng thủ ở phía Nam và sẽ phản công quyết liệt.
Minh Hạnh (Theo New York Times)