Học sinh chưa được tiêm vắc-xin phòng COVID-19, rủi ro cao
Mới đây, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các nhà trường sẵn sàng các điều kiện đón học sinh trở lại học tập khi dịch được kiểm soát; bảo đảm 100% cán bộ, giáo viên tiêm tối thiểu 1 mũi vắc-xin phòng COVID-19. Trong khi đó, 6h00 sáng 21/9, Hà Nội đã kết thúc đợt giãn cách thứ 4 theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Ảnh minh họa.
Hiện nay, dư luận tỏ ra băn khoăn về việc có nên cho học sinh sớm quay trở lại trường sau khi Hà Nội hết thời gian áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 hay không?
Xung quanh vấn đề này, trao đổi với ĐS&PL, ĐBQH Nguyễn Hoàng Mai – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết, thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với Bộ Y tế để triển khai chương trình tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho người dưới 18 tuổi, trong đó có học sinh.
Tuy nhiên, hiện nay, nguồn vắc-xin phòng COVID-19 cung ứng cho Việt Nam vẫn còn hạn chế. Chính phủ, Bộ Y tế đang rất tích cực tìm kiếm nguồn cung ứng vắc-xin để đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch.
Theo vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội: “Việc Hà Nội yêu cầu các nhà trường sẵn sàng các điều kiện, các phương án đón học sinh trở lại học tập thì vẫn phải làm, có kế hoạch. Tuy nhiên, hiện nay tại Hà Nội vẫn phát sinh các ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, thậm chí có những ca chưa rõ nguồn lây thì chưa thể cho các cháu trở lại trường học. Hơn nữa, học sinh vẫn chưa được tiêm vắc-xin phòng COVID-19, nếu cho các cháu trở lại trường thì rủi ro là rất cao. Vấn đề này, Hà Nội cần cân nhắc thận trọng, đánh giá tình hình một cách toàn diện, lắng nghe ý kiến từ nhiều phía, phân tích kỹ để có kế hoạch phù hợp”.
Cần cân nhắc khi cho học sinh trở lại trường
Nhìn nhận dưới góc độ chuyên môn, Thầy thuốc Nhân dân, Tiến sĩ, Bác sĩ Hoàng Văn Tuyết – nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương phân tích: “Những người đã tiêm đủ 2 liều vắc-xin phòng COVID-19 hoặc người đã từng được chữa khỏi Covid- 19 thì vẫn có thể bị nhiễm vi-rút SARS-CoV-2 và có thể là người truyền bệnh cho người khác. Vì vậy, bản thân những người này an toàn nhưng vẫn phải tuân thủ 5K để bảo vệ cho người khác, đặc biệt là trẻ em và người cao tuổi, người có bệnh nền”.
Đánh giá về những nỗ lực phòng, chống dịch bệnh của Tp. Hà Nội thời gian qua, vị chuyên gia y tế cho rằng, Hà Nội đã có những biện pháp thay đổi phù hợp với tình hình thực tế, các lực lượng tham gia chống dịch đều quyết tâm cao, những kết quả gần đây cho thấy, Thành phố cơ bản kiểm soát được dịch bệnh. Tuy nhiên, với những biến thể phức tạp như Delta thì dịch bệnh còn có xu hướng lâu dài. Vì thế, phải tuân thủ quy định phòng, chống dịch, không được chủ quan, vội vàng buông lỏng quản lý.
Trước câu hỏi về việc khi nào Hà Nội có thể cho học sinh trở lại trường, Bác sĩ Tuyết cho rằng phải đảm bảo 2 yếu tố: Với việc Hà Nội vẫn phát hiện các ca nhiễm mới ngoài cộng đồng (quận Hoàng Mai và quận Long Biên) cần cân nhắc khi cho học sinh trở lại trường. Ít nhất là sau khi qua 14 ngày không phát hiện ca nhiễm ngoài cộng đồng thì hãy cho học sinh đi học trở lại. Đồng thời tìm nguồn cung ứng để tiêm phòng COVID-19 cho các cháu trong thời gian sớm nhất.
Cũng băn khoăn về điều này, chị Lê Thị Hà (ở Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: “Con tôi học cấp 2, hôm trước học online cũng nghe cô giáo dặn các con chuẩn bị tinh thần để quay trở lại học ở trường khi có thông báo mới.
Nói thực lòng là các con cũng mong đến trường lắm rồi, nhớ thầy cô và các bạn. Tuy nhiên, là phụ huynh thì chúng tôi cũng không khỏi lo lắng cho sự an toàn của các con trước diễn biến khó lường của dịch bệnh COVID-19.
Ca nhiễm ngoài cộng đồng vẫn còn nên vẫn thấy bất an nếu cho con đến trường vào thời điểm này. Một số bạn trong lớp con tôi vẫn còn mắc kẹt ở quê, chưa về Hà Nội được do đợt vừa rồi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Vì thế, các phụ huynh cũng mong muốn rằng, nếu có kế hoạch cho học sinh đi học trở lại thì ngành giáo dục và nhà trường thông báo trước vài ngày để gia đình chuẩn bị cho các con”.
Nguyễn Hường
Bài viết đăng tải trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ 5 (153)