Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Khi cán bộ lộng quyền, vô cảm và những phận đời bi đát

  • Mộc Miên
(DS&PL) -

Mẹ đơn thân nuôi con nằm liệt giường, sống trong ngôi nhà tình nghĩa do nhà hảo tâm xây tặng, tài sản chỉ là chiếc tivi cũ, loa kéo... nhưng vẫn bị “ép” thoát nghèo.

Cán bộ vô cảm và những phận đời bi đát!

Một ngày cuối đông, theo chỉ dẫn của người dân địa phương, chúng tôi phải vượt qua một con suối, nhiều khúc cua, tìm đến ngôi nhà nằm hun hút phía con đường bê tông thuộc thôn Xuân Khánh, xã Bãi Trành, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa của mẹ con bà Nguyễn Thị Nghinh.

Mẹ con bà Nghinh sống trong ngôi nhà rộng khoảng 40m2 do chính quyền và các nhà hảo tâm xây tặng.

Bà Nghinh sinh năm 1966, là mẹ đơn thân và không có chồng. Khoảng năm 20 tuổi, bà Nghinh sinh được một người con trai và đặt tên là Nguyễn Văn Hải. Từ đó, dù cuộc sống khó khăn khi thiếu bóng dáng người chồng, người cha trong nhà, nhưng mẹ con Hải vẫn bươn chải rau cháo nuôi nhau qua ngày.

Khi anh Hải 29 tuổi thì tai nạn ập đến. Trong một lần leo cây chặt lá cho dê, Hải không may bị ngã xuống đất. Dù bà Nghinh bán hết tài sản, cố gắng vay mượn khắp nơi để cứu lấy đôi chân của con, nhưng Hải vẫn bị liệt toàn thân, nằm một chỗ trên giường và không thể chủ động tiểu tiện.

Từ đó, cái nghèo, cái đói quay lại, bám chặt lấy bà mẹ đơn thân. Nhà không có ruộng đất, dù sức khỏe yếu, nhưng để kiếm bát gạo nuôi con qua ngày, người mẹ ấy vẫn cố gắng đi nhổ cỏ, trồng sắn... thuê cho người dân trong thôn.

Bà Nghinh kể, năm 2020, gia đình bà thuộc diện hộ nghèo của địa phương, nhưng tới năm 2021 thì bất ngờ được “thoát nghèo” sau một cuộc viếng thăm và chấm điểm của cán bộ thôn dù cuộc sống, thu nhập không hề thay đổi.

Hôm đó, vào một ngày cuối năm 2020, ông Trịnh Văn Hùng (Trưởng thôn Xuân Khánh) cùng với các ban ngành của thôn tới nhà bà Nghinh để khảo sát, đánh giá, chấm điểm hộ nghèo.

Hôm đó, bà Nghinh đi vắng, chỉ có Hải ở nhà. Sau khi khảo sát, đoàn ghi nhận tài sản của nhà bà Nghinh gồm: Ngôi nhà tình nghĩa rộng khoảng 40m2 (do các nhà hảo tâm xây tặng); một cái ti vi Samsung màn hình lồi đời cũ, mà như hàng xóm bà Nghinh nói bán đồng nát được 20.000 đồng; một chiếc loa kéo (do các nhà hảo tâm trao tặng để người thanh niên bại liệt hát cho vơi nỗi buồn); 2 chiếc giường cùng một bộ bàn ghế uống nước. Với số tài sản này, hộ bà Nghinh được cho đã “thoát nghèo”.

“Trước tôi ở nhà dột nát, cách đây 2 năm, chính quyền, người dân trong thôn và các nhà hảo tâm quyên góp xây dựng ngôi nhà này cho mẹ con tránh mưa tránh nắng. Tôi không có ruộng, cuộc sống của mẹ con chỉ trông chờ vào việc đi làm thuê mướn, sự hỗ trợ của Nhà nước và các nhà hảo tâm”, bà Nghinh nghẹn ngào.

Vậy mà một năm qua, bà Nghinh không được hưởng các chế độ của Nhà nước dành cho hộ nghèo, như hỗ trợ tiền điện thắp sáng, bảo hiểm y tế...

Việc bà mẹ đơn thân nuôi con bại liệt bị “ép” thoát nghèo khiến người dân địa phương rất bất bình, bức xúc. Họ hướng dẫn bà lên xã Bãi Trành gặp lãnh đạo địa phương để kiến nghị. Sau nhiều lần đi lại nhờ cậy, bà lại được “tái nghèo”.

Rời nhà bà Nghinh, chúng tôi tìm đến nhà của bà Nguyễn Thị Tùng, sinh năm 1966 tại thôn Xuân Khánh, xã Bãi Trành. Bà Tùng cũng giống bà Nghinh là mẹ đơn thân nuôi con, không có chồng. Họ còn giống nhau ở chỗ có hoàn cảnh cực kỳ éo le, bi đát.

Dù trời đã gần tối, khi chúng tôi tới nhà nhưng bà Tùng vẫn đang đi nhặt ve chai chưa trở về. Trước mắt chúng tôi là hình ảnh một cô gái gầy gò, ốm yếu, với dáng đi nặng nề, chiếc bụng nhô cao giống như phụ nữ mang thai sắp đến kỳ sinh nở.

Khi chúng tôi ra tới ngõ, cũng là lúc bà Tùng trở về nhà. Bà kể, mỗi lần đưa con gái đi viện, thấy bụng nhô cao, người ta vẫn nhầm tưởng con gái bà có bầu. Thực tế, con gái bà Tùng bị xơ gan cổ chướng và rất nhiều căn bệnh hiểm nghèo khác, cuộc sống chỉ được tính bằng ngày, bằng tháng.

Cách đây không lâu, thấy con gái bà Tùng ốm nặng, đi viện tưởng chừng không qua khỏi, người dân trong thôn Xuân Khánh đã chung tay quyên góp, ủng hộ hơn 9 triệu đồng để giúp đỡ mẹ con bà. Không có tiền lo thuốc thang đi viện, chờ đợi gần 1 tháng không thấy ông Hùng – Trưởng thôn trao tiền cho mình, bà Tùng buộc phải tới nhà “xin” nhận số tiền trên (?!).

Ông Trịnh Văn Hùng, Trưởng thôn Xuân Khánh cho biết, việc hộ gia đình bà Nguyễn Thị Nghinh thoát nghèo là đúng quy định. Do cán bộ xã bận công việc, sau khi thôn kiểm tra, chấm điểm để đánh giá và xác định hộ bà này đủ điều kiện thoát nghèo.

Trao đổi với ĐS&PL, ông Hùng cho biết, sở dĩ ông giữ số tiền người dân trong thôn ủng hộ mẹ con bà Tùng là vì cần thời gian để tổng hợp, phân chia tiền quyên góp (!?). Còn thông tin nói ông Hùng sợ mẹ con bà Tùng túng thiếu, tiêu hết số tiền ủng hộ, khi con gái qua đời không có tiền mua quan tài nên ông này giữ hộ là không đúng.

Ai không nộp tiền sẽ đề nghị xã không cho giao dịch?

Một số người dân trú tại thôn Xuân Khánh, xã Bãi Trành phản ánh, trong các năm 2020 - 2021, mỗi hộ gia đình phải nộp tới 11 - 12 khoản phí, quỹ. Ngoài 3 khoản đóng góp theo quy định gồm: Quỹ an ninh quốc phòng, quỹ phòng chống thiên tai, quỹ đền ơn đáp nghĩa, các khoản quỹ còn lại đều do thôn Xuân Khánh đề ra.

Cụ thể, các khoản thu ngoài pháp lệnh bao gồm: Quỹ văn hóa xã hội (100.000 đồng/cử tri/năm), quỹ trại hè (100.000 đồng/hộ/năm), quỹ phong trào thôn (80.000 đồng/hộ/năm), quỹ hỗ trợ nuôi đoàn thể (40.000 đồng/hộ/năm), quỹ khuyến học (20.000 đồng/hộ/năm)...

Ngoài ra, trong năm 2021 – 2022, mỗi hộ dân thôn Xuân Khánh còn phải đóng góp 1,7 triệu động tiền vận động xây dựng nhà văn hóa thôn.

Theo nhiều người dân, từ khi đại dịch Covid – 19 diễn ra, người dân cả nước nói chung và thôn Xuân Khánh nói riêng gặp nhiều khó khăn. Các khoản đóng góp năm sau không hề giảm mà còn phát sinh tăng thêm so với năm trước. Ông Trịnh Văn Hùng là Bí thư Chi bộ kiêm trưởng thôn Xuân Khánh, vừa là kế toán (ghi chép) vừa là thủ quỹ (giữ tiền) các khoản đóng góp của dân là trái nguyên tắc tài chính, có dấu hiệu thiếu minh bạch.

Tại cuộc họp thôn Xuân Khánh tổ chức ngày 1/2/2021 do ông Trịnh Văn Hùng chủ trì để bàn về các khoản đóng góp “tự nguyện” của thôn năm 2021, có nhiều ý kiến cho rằng các khoản đóng góp quá cao. Tuy nhiên, tại biên bản cuộc họp, ông Hùng với tư cách chủ trì đã kết luận: “Những hộ gia đình nào không đóng góp thì cần đề nghị trưởng thôn và UBND không cho giao dịch để được công bằng trong xã hội”.

Trao đổi với ĐS&PL, ông Trịnh Văn Hùng cho biết, chủ trương huy động các khoản đóng góp của thôn năm 2021 đã được tổ chức họp, bàn bạc và thống nhất trong chi bộ. Nhưng khi được hỏi, thì ông này không cung cấp được biên bản cuộc họp. Ông Hùng cũng thừa nhận, mình vừa là Trưởng thôn, vừa ghi chép sổ sách và vừa là người giữ tiền đóng góp của nhân dân thôn Xuân Khánh.

Làm việc với chúng tôi, ông Lữ Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Bãi Trành lý giải: “Đây là chủ trương có từ cấp ủy, chính quyền địa phương. Thôn tự làm, nó phải có kế hoạch. Xã sẽ hỗ trợ mỗi thôn 100 triệu đồng/thôn để xây dựng nhà văn hóa và số tiền này lấy từ tiền đóng góp của người dân, các thôn thu để hỗ trợ lẫn nhau”.

Cũng theo ông Dũng, năm 2021, qua công tác chấm điểm xác định, trường hợp hộ gia đình bà Nghinh đủ điều kiện thoát nghèo nên đưa ra khỏi hộ nghèo của xã.

“Về cơ bản, nhà bà Nghinh đủ điều kiện thoát nghèo, xuống cận nghèo. Mình chấm điểm, còn tổ của thôn, chứ không phải cá nhân nào cả để làm việc đó. Tuy nhiên, nói là thoát nghèo nhưng vẫn phải quan tâm giúp đỡ cho hộ bà này. Việc thôn đề nghị xã không giao dịch các hộ dân không đóng góp là không đúng. Xã không thể không giao dịch với người dân, trách nhiệm của cán bộ, chính quyền là phục vụ nhân dân; phải giải thích cho nhân dân rõ quyền đi đôi với nghĩa vụ và trách nhiệm”, ông Dũng nói.

Xuân Chinh

Bài viết đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ 2 (14)

Tin nổi bật