Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Khát khao đến giảng đường của cậu học sinh nghèo người dân tộc Khơ-mú

(DS&PL) -

Moong Văn Dương đã tới cổng giảng đường đại học, nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên em vẫn chưa thể bước chân vào trường.

Trở thành thủ khoa đầu ra của trường THPT huyện Quế Phong (Nghệ An) Moong Văn Dương đã tới cổng giảng đường đại học, nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên em vẫn chưa thể bước chân vào trường.

Không học thêm vẫn có thể giành được điểm 10

Moong Văn Dương (18 tuổi), trú bản Nhật Nhoóng (xã Nậm Nhoóng, Quế Phong) là con đầu trong một gia đình có 4 anh em. Cũng như người dân trong bản, gia đình em vô cùng nghèo do cuộc sống chỉ phụ thuộc vào nương rẫy. Vì vậy, sau khi học xong lớp 9, Dương đã nghỉ đến việc nghỉ học, đi làm để phụ giúp bố mẹ các em.

Thế nhưng, bố mẹ Dương lại nghĩ khác, chỉ có con đường học tập thì mới giúp thoát nghèo. Vì vậy, gia đình đã động viện em xuống trường THPT huyện để tiếp tục theo đuổi con chữ. Hàng tháng, bố mẹ em đã có gắng nhận thêm việc để có tiền gửi cho con ăn học.

“Mỗi tháng, em nhận được khoảng 200.000 đồng gia đình gửi cho. Số tiền này không lớn nhưng đó là mồ hôi nước mắt của bố mẹ. Vì vậy, em chi tiêu tằn tiện chẳng dám mua một chiếc áo mới nào cho mình”, Dương kể.

Ước mơ của Dương là được đến trường. Ảnh: Người Đưa Tin Pháp Luật

Em tự biết mình vốn không thông minh, học lực không mấy nổi trội so với các bạn, thậm chí hai năm lớp 10 và lớp 11 em không đạt học sinh khá. Vì vậy, em chỉ có thể lấy sự cần cù, chăm chỉ để bù vào. Em sống hiền lành và chan hòa với thầy cô, bạn bè. Đặc biệt, em nổi tiếng với tinh thần chịu khó nhất nhì trường THPT huyện Quế Phong.

Thầy Nguyễn Xuân Quang - giáo viên chủ nhiệm -cho biết: “Dương là một học trò rất ngoan, luôn lễ phép với thầy cô, hòa đồng với bạn bè, đặc biệt em rất chăm chỉ học tập. Dù gia cảnh khó khăn, mỗi tháng em chỉ được bố mẹ chu cấp 100.000 – 200.000 tiền ăn, nhưng em có một ý chí rất lớn nên thầy cô và bạn bè ai cũng quý mến, luôn tạo điều kiện giúp đỡ. Em không phải là thiên tài thông minh, nhưng là thiên tài trong nỗ lực”.

Không có điều kiện để đi học thêm như các bạn, nên ngoài thời gian học trên trường thì Dương chủ yếu tự học. Hàng đêm, khi các bạn đã đi ngủ, chiếc giường của Dương vẫn sáng đèn. Em mượn sách nâng cao của thầy cô, in đề các năm trước để luyện. Để cập nhật kiến thức, em dùng mạng internet học online ở ký túc xá. Vì vậy, tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020, rất nhiều người bất ngờ khi biết rằng em đạt điểm 10 môn Giáo dục công dân; 9,5 môn Địa lý; 9,25 môn Lịch sử; 7,5 điểm môn Văn. Bởi đây là số điểm cao nhất khối tổ hợp môn xã hội của trường THPT huyện Quế Phong. Tổng điểm xét tuyển khối C (bao gồm cả điểm ưu tiên) của Dương là 29 điểm.

Khi rời khỏi phòng thi và tự chấm điểm, Moong Văn Dương nghĩ mình sẽ đỗ nhưng không nghĩ lại đạt điểm cao như vậy, đặc biệt là điểm 10 môn Giáo dục công dân.

Khi được hỏi về bí quyết học tập, cậu học trò Khơ mú này chỉ cười: “Em không có bí quyết gì đặc biệt cả. Em đọc nhiều, học đi học lại để ghi nhớ kiến thức, phần nào chưa rõ thì hỏi thầy cô, kết hợp làm đề thật nhiều để luyện kỹ năng và củng cố kiến thức”.

Ước mơ được đến giảng đường

Dương tâm sự, từ nhỏ em ước mơ được vào trường quân sự để sau này trở về bảo vệ cho người dân bản và gia đình. Thế nhưng, do học lực của mình không giỏi, xem điểm chuẩn của trường này các năm trước khá cao nên em không đủ tự tin để đăng ký làm hồ sơ. Bởi vậy, khi đạt kết quả này, Dương có phần nuối tiếc bởi nếu em dũng cảm theo đuổi ước mơ, cánh cửa trường đã rộng mở hơn. Em cũng không phải lo lắng chi phí học hành cũng như cơ hội xin việc khi ra trường.

“Em muốn được tiếp tục đi học, tiếp tục đến trường như các bạn cùng trang lứa. Vì vậy em đang cân nhắc khoa Luật hoặc Sư phạm Địa lý, trường đại học Vinh. Thế nhưng, do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, 3 đứa em còn đang đi học, em chưa biết lấy kinh phí ở đâu để đóng học phí, trang trải cuộc sống”, Dương rầu rĩ nói.

Biết ước nguyện của con trai, anh Mong Văn Tùng và chị Vi Thị Bình mấy đêm nay cũng không ngủ do lo lắng. Anh chị hy vọng con mình sẽ tiếp tục được đi học, nhưng nhìn hoàn cảnh gia đình, tính toán các chi phí thì phụ huynh không khỏi sầu muộn.

“Trước đây cả 2 vợ chồng chúng tôi đều không có điều kiện học hành, nên chỉ mong các con ai cũng biết cái chữ. Dương đạt kết quả thế này tôi hạnh phúc lắm. Điều tôi lo lắng là không biết lấy tiền đâu cho con đi học”, chị Bình thở dài.

Nói về việc này, cô Từ Thị Vân - Hiệu trưởng trường THPT Quế Phong xác nhận, em Moong Văn Dương là học trò người Khơ-mú, sinh sống ở bản nghèo, xa trung tâm, nơi người dân chưa thực sự quan tâm đến việc học hành của con em. Vì vậy, kết quả này của Dương khiến các thầy cô rất bất ngờ. “Xuất phát điểm của em không thuận lợi như các bạn, điểm thi đầu vào của em không cao. Trong hai năm lớp 10 và lớp 11, học lực của em chỉ ở mức trung bình. Nhưng nhờ sự cố gắng, năm lớp 12, em đã có sự bứt phá trong học tập và là học sinh tiên tiến. Thành tích này xứng đáng với sự nỗ lực vượt khó và cố gắng không mệt mỏi của em”, cô Vân cho biết.

Anh Ngọc

Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ Ba (144)

Tin nổi bật