Nguồn video: Tiền Phong
Theo ghi nhận trên báo Tiền Phong, vào tối 21/9, Cơ quan điều tra VKSND tối cao phối hợp cùng các đơn vị liên quan đã thực hiện lệnh khám xét nơi ở đối với ông Phùng Anh Lê, nguyên Trưởng Công an quận Tây Hồ, Hà Nội (sau đó giữ chức vụ Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP.Hà Nội), trú tại phố Nhân Hoà, phường Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội.
Cơ quan chức năng làm việc trong ngôi nhà nằm trong ngõ, cách mặt phố Nhân Hòa chừng hơn chục mét, cửa ra vào đóng kín. Bên ngoài 2 chiếc xe biển xanh chờ sẵn tại ven phố Nhân Hòa.
Đến 20h55 cùng ngày, cơ quan chức năng đã đưa một số thùng giấy tài liệu, cùng một người không rõ mặt do che kín bằng ô lên chiếc xe 7 chỗ biển xanh rời khỏi khu vực.
Công an sở tại cũng huy động một số xe thùng cùng cán bộ tới khu vực để đảm bảo an ninh an toàn.
Nhiều người dân hiếu kỳ dừng lại theo dõi sự việc.
Cơ quan điều tra VKSND tối cao phối hợp các đơn vị liên quan khám nhà của ông Phùng Anh Lê, nguyên Trưởng Công an quận Tây Hồ. Ảnh: Tri Thức Trực Tuyến
Trước đó, tại buổi họp báo của bộ Công an vào chiều 21/6, Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an Hà Nội, cho biết vụ việc liên quan ông Phùng Anh Lê có dấu hiệu phạm tội không khởi tố người có tội. Thẩm quyền điều tra thuộc Cơ quan điều tra VKSND Tối cao. Kết luận điều tra sẽ làm rõ động cơ, mục đích.
Trả lời trên Tri Thức Trực Tuyến, một Phó giám đốc Công an Hà Nội cho biết ông Phùng Anh Lê và ông Phạm Quý Hải (Phó trưởng công an quận Tây Hồ) bị đình chỉ công tác từ giữa tháng 2/2021 để cơ quan chức năng làm rõ một số dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp.
Ông Lê và ông Hải bị cho có liên quan đến việc Công an quận Tây Hồ không xử lý hình sự nhóm cướp tài sản gây án năm 2016 trên địa bàn.
Toàn bộ hồ sơ vụ việc sau đó được Cơ quan điều tra VKSND tối cao thụ lý theo thẩm quyền.
Thông tin cụ thể về vụ việc, Công An Nhân Dân cho hay, vào năm 2016, Nguyễn Hữu Tài, trú ở quận Ba Đình, TP.Hà Nội là đối tượng hoạt động tín dụng đen có cho anh N.C.T vay 10 triệu đồng. Sau khi trả lãi và một phần gốc, anh T. vẫn nợ Tài 4 triệu đồng. Tài đã nhiều lần đòi nhưng anh T chưa trả.
Đến chiều 21/9/2016, nhóm của Tài phát hiện anh T. ở khu vực Yên Phụ nên vây lại để ép anh T trả nợ. Anh T vùng chạy liền bị nhóm của Tài đuổi đánh, rồi khống chế lên xe máy đưa đến địa điểm khác.
Quá trình di chuyển, nhóm của Tài “tịch thu” điện thoại của anh T. để tránh gọi người giải cứu.
Đi được một đoạn thì xe máy hết xăng, lợi dụng việc này, anh T. đã bỏ chạy vào trụ sở Công an phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội kêu cứu. Thấy vậy, nhóm của Tài không dám xông vào mà ném trả điện thoại rồi bỏ về.
Ngày 22/9/2016, Tài bị Công an quận Tây Hồ triệu tập. Tại Cơ quan Công an, Tài đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội bắt giữ anh T. Công an quận Tây Hồ đã tạm giữ Tài điều tra hành vi bắt giữ người trái pháp luật.
Sau đó, trong quá trình đánh giá chứng cứ giữ Tài yếu, không có căn cứ để xử lý đối với Nguyễn Hữu Tài, Đại tá Phùng Anh Lê cho rằng, chưa đủ căn cứ để tạm giữ hình sự nên Tài được tha về.
Công an quận Tây Hồ sau đó tiếp tục mời Tài và anh T đến trụ sở để hòa giải. Tài đã bồi thường cho anh T. 15 triệu đồng và thay lại màn hình điện thoại cho anh T, do bị nhóm của Tài ném vỡ.
Đến đầu năm 2021, Tài cùng các đối tượng trong vụ án đã đến Công an TP.Hà Nội xin đầu thú và khai nhận toàn bộ hành vi đã gây ra đối với anh T.
Tài cùng đồng bọn tại tòa. Ảnh: Công An Nhân Dân
Quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT Công an TP.Hà Nội xác định việc Công an quận Tây Hồ không xử lý hành vi cướp tài sản của Nguyễn Hữu Tài và đồng phạm là có dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp, nên đã chuyển hồ sơ đến Cơ quan điều tra VKSND tối cao để làm rõ.
Tại Toà, vợ của Nguyễn Hữu Tài cũng khai nhận có đưa tiền cho cán bộ Công an quận Tây Hồ để chồng không bị xử lý.
Thủy Tiên (T/h)