(ĐSPL) - Chạy dọc đường mòn Hồ Chí Minh qua địa phận hai xã Phúc Trạch và Hương Trạch, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), nhiều người không khỏi rùng mình trước tình trạng nhiều cột điện cao thế tại đây nghiêng ngả, mất chân đất, rạn nứt do đất bị khai thác quá mức.
Nhiều hộ dân ở 2 xã Phúc Trạch và Hương Trạch, huyện Hương Khên (Hà Tĩnh) ai nấy đều cảm thấy may mắn khi có đất dọc tuyến đường mòn HCM. Bởi theo những người này, họ không chỉ có đất mặt tiền đáng giá mà còn có thể khai thác đất đồi dốc của mình để bán với giá 50.000 đồng/xe.
Trước cơ hội làm giàu béo bở vì bán được đất dư thừa với giá cao, lại cải tạo được vùng đất ở của mình được bằng phẳng, nhiều hộ dân đã không ngần ngại khai thác tràn lan tại các vùng đất giáp với đồi núi gây nên tình trạng sạt lở đất nghiêm trọng. Đất càng cao, càng dốc thì tiền bán đất càng nhiều, vì thế nhiều hộ dân khai thác hết công suất, bất chấp sự can thiệp của chính quyền.
Đất vùng đồi bị người dân khai thác quá mức. |
Nguy hiểm hơn là bất chấp nhiều mảnh đất có nhiều cột điện chạy qua, trong đó nhiều cột là điện cao thế. Vậy mà người dân vẫn vô tư đào bới, khoét sâu đất cho đến tận chân cột, tận dụng từng tấc đất để bán, cải tạo vườn rộng hơn.
Chạy dọc gần 10 cây số trên tuyến đường qua 2 xã Phúc Trạch và Hương Trạch, qua quan sát, gần vài chục cột điện đứng trước nguy cơ sạt lở chân đất, đổ ngã. Nhiều cột khoét sâu xuống gần 2m và có những cây cột điện, bán kính phần đất còn lại chưa đến 1m, rất nguy hiểm do xuất hiện tình trạng rạn nứt, sạt lở đất tại đó.
Việc làm này còn sẽ gây ra nhiều nguy hiểm, nhất là vào mùa mưa bão sắp tới. Nhiều cây cột mất độ trụ, độ bám, nếu xuất hiện mưa to gió lớn thì nguy cơ đổ gãy cột điện là rất cao.
Cột điện nghiêng ngả, do mất độ trụ ở trên mô đất cao. |
Tuy nhiên, tình trạng khai thác vẫn diễn ra tràn lan mặc dù cơ quan chức năng đã phải ra nhiều biện pháp để ngăn chặn.
Ông Phan Văn Tính, Phó chủ tịch UBND xã Phúc Trạch cho biết: “Tình trạng khai thác đất để bán xảy ra cách đây vài năm rồi. Hiện tại cơ bản đã được ngăn chặn nhưng có một số hộ vẫn khai thác "chui" vào buổi tối, chúng tôi vẫn chưa kiểm soát được. Nếu bắt được sẽ xử phạt thích đáng”.
Nguy hiểm là vậy nhưng khi được hỏi về việc làm này, người dân ở đây vẫn rất thờ ơ. “Đất tui thì tui bán, vẫn biết là có nguy hiểm nhưng thấy người ta bán được nhiều tiền nên tui cũng ham”, ông N.,một hộ dân tại xã Phúc Trạch nói.
Có mua thì mới có bán, nhiều hộ dân ở Hương Khê đang có nhu cầu lớn để làm nhà, cải tạo vườn, lấy đất trồng cây nên tình trạng khai thác trái phép đã diễn ra nhiều năm nay và ngày càng nghiêm trọng hơn mặc dù các cơ quan chức năng đã nghiêm cấm.
Thế nhưng, bên cạnh đó, để nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới, chính quyền tại đây lại không ngừng vận động nhân dân phát triển kinh tế, sử dụng đất có hiệu quả, làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Qua đó cho thấy, nguyên nhân dẫn đến tình trạng khai thác đất dốc tràn lan tại 2 xã này, một phần lớn là do áp lực của việc xây dựng nông thôn mới và bên cạnh đó là cơ hội để các hộ dân tiến hành các việc xây dựng các công trình như: đường, trường, trạm, nhà ở... do tận dụng lượng đất đó để làm nền.
“Sau khi nhận thấy nhiều nguy cơ tiềm ẩn, nguy hiểm và đặc biệt là nhiều cột điện bị khai thác đến chân, chúng tôi đã nghiêm cấm việc khai thác đất và đã có chấn chỉnh. Hiện tại, nếu có khai thác để phục vụ cho nhu cầu cần thiết thì phải được sự cho phép của chính quyền”, ông Phan Văn Tính khẳng định.
Để làm rõ về vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với ông Trần Quốc Việt, Phó phòng TN&MT Hương Khê. Ông này cho biết: “Việc người dân 2 xã Phúc Trạch và Hương Trạch khai thác đất quá mức là sai quy định. Sau khi nghe tin chúng tôi đã có mặt để kiểm tra và yêu cầu người dân cấm khai thác đất và chỉ đạo cho các xã chịu trách nhiêm quản lí”.
Khai thác tài nguyên phát triển kinh tế là cần thiết, tuy nhiên khai thác như thế nào để hợp lí, không ảnh hưởng tới xã hội là việc làm cần được cân nhắc và tính toán kĩ lưỡng.
HƯƠNG LY
[mecloud]Ry6GZ098cs[/mecloud]