Cụ thể, lễ khai mạc bắt đầu từ 19h đến 22h ngày 5/5 trên sân Morodok Techo (công trình có trị giá 160 triệu USD). Ban tổ chức (BTC) Campuchia dành rất nhiều tâm huyết cho sự kiện trọng đại này, với kịch bản chương trình đã được xây dựng cách đây hơn 1 năm. Đến thời điểm sát ngày khai mạc, những hình ảnh có liên quan đến vẫn ở dạng "tuyệt mật".
SEA Games 32 hứa hẹn sẽ mang đến cho khán giả Campuchia cũng như bạn bè quốc tế những hình ảnh đẹp về văn hóa của đất nước và con người Campuchia, lan tỏa tinh thần: "Thể thao - Sống trong hòa bình". Tất cả sẽ được thể hiện qua những màn trình diễn nghệ thuật, ánh sáng, âm thanh, màn đốt đuốc độc đáo…
Buổi lễ khai mạc SEA Games 32 tại Campuchia được cho là sẽ mang tầm Olympic
Theo tuyên bố của ông Vath Chamroeun, Tổng thư ký Ban tổ chức quốc gia SEA Games 32 (CAMSOC), lễ khai mạc SEA Games sẽ mang tầm Olympic. "Lễ khai mạc phải làm cho thật hoành tráng, theo chuẩn thế giới chứ không chỉ ở tầm khu vực", Tổng thư ký CAMSOC Vath Chamroeun khẳng định.
Theo kịch bản, lễ khai mạc SEA Games 32 có sự tham gia trình diễn của khoảng 1 nghìn nghệ sĩ từ Bộ Văn hóa và Mỹ thuật Campuchia và hơn 2 nghìn vận động viên.
Trong quá trình tập duyệt cho lễ khai mạc SEA Games 32, Ban tổ chức yêu cầu mọi người không được quay phim, chụp ảnh. Quyết định được đưa ra nhằm không làm lộ ra ngoài hình ảnh mà nước chủ nhà chuẩn bị suốt một năm qua.
Khâu chuẩn bị được nước chủ nhà giữ bí mật
Tuy nhiên, theo một số hình ảnh rò rỉ, lễ khai mạc SEA Games 32 gồm 3 phần là "Sự huy hoàng của Angkor", "Nụ cười người Khmer" và "Tương lai của người Khmer".
Màn trình diễn âm thanh, ánh sáng sẽ được kết thúc bằng bài hát có tựa đề "Cambodian Pride" - "Niềm tự hào của người Campuchia", với sự trình diễn của 4 nghệ sĩ nổi tiếng của Campuchia là Preap Sovath, Khemarak Sereymun, Khum và Ton Chanseyma.
Bài hát "Cambodian Pride" được phát hành vào ngày 10/4 vừa qua và đã nhanh chóng gây "sốt" trên YouTube. Tính đến ngày 4/5, MV của ca khúc này đã đạt hơn 60 triệu lượt xem.
Campuchia đã chi số tiền khủng để đầu tư sân và các kinh phí khác để tổ chức một kỳ Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 32 đáng nhớ
Sau 64 năm chờ đợi, với thông điệp "Thể thao, sống trong hòa bình", Campuchia đang nỗ lực để tạo nên một kỳ SEA Games ấn tượng, đặc sắc. Quốc gia này cũng đã quyết định miễn phí vé vào xem toàn bộ các môn thi đấu, miễn phí ăn, ở, di chuyển nội địa cho 10 đoàn thể thao cũng như miễn phí dịch vụ y tế và cấp cứu tại kỳ đại hội thể thao lớn nhất Đông Nam Á. Đặc biệt, với lời tuyên bố trên của ông Vath Chamroeun, lễ khai mạc SEA Games 32 càng nhận được nhiều sự chờ đợi hơn từ người hâm mộ.
Để chuẩn bị cho lần đầu tổ chức SEA Games, Campuchia đã chi hơn 100 triệu USD xây dựng và cải tạo các cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ thi đấu trong nhiều năm qua. Số kinh phí này chưa tính công trình trọng điểm xây dựng sân vận động quốc gia Morodok Techo và nhiều hạng mục trong khu tổ hợp thể thao quy mô ở ngoại ô thủ đô Phnom Penh. Dự án xây dựng sân vận động Morodok Techo trị giá khoảng 160 triệu USD đã hoàn thành vào cuối năm 2020 cùng khu tổ hợp thể thao xung quanh. Đây là nơi diễn ra phần lớn các nội dung thi đấu trong khuôn khổ SEA Games 32.
SEA Games 32 tại Campuchia hứa hẹn chiêu đãi người hâm mộ bữa tiệc âm thanh ánh sáng hiện đại bậc nhất
Thủ tướng Hun Sen nói: "Trước đây, tôi đã nói chúng tôi sẽ chi khoảng 40 triệu USD mỗi năm. Như vậy, công tác chuẩn bị cho đến nay đã được 3 năm (tính đến đầu năm 2023) và bây giờ tổng kinh phí phải bỏ ra sẽ là hơn 100 triệu USD. Tôi không che giấu sự thật này. Campuchia sẽ hoàn thành nhiệm vụ tổ chức kỳ SEA Games 32 của mình một cách có trách nhiệm và đảm bảo an toàn cho tất cả các đoàn thể thao khu vực đến thi đấu".
Thùy Dung (t/h)