Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Kết quả "cuộc đua" PCI 2018: Hà Tĩnh bứt phá, Đà Nẵng mất vị trí Á quân

(DS&PL) -

PCI 2018 ghi nhận sự bứt phá mạnh mẽ của Hà Tĩnh khi tăng 10 bậc so với năm ngoái và lọt vào nhóm khá, trong khi đó Đà Nẵng mất ngôi vị á quân, xuống vị trí thứ thứ 5.

Với 70,36 điểm, năm thứ 2 liên tiếp Quảng Ninh giữ ngôi vị “quán quân” trên bảng xếp hạng chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). 

Báo cáo đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Viện trợ Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố sáng nay (28/3).

Bảng xếp hạng chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018.

Theo TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, Trưởng Ban chỉ đạo PCI, bảng xếp hạng PCI không phải là đích đến mà là phép thử, thúc đẩy những mô hình cải cách được lan toả.

Có tới 80% doanh nghiệp trả lời điều tra PCI tại Quảng Ninh cho biết thời gian thực hiện thủ tục hành chính được rút ngắn hơn so với quy định và 74% doanh nghiệp đánh giá thủ tục giấy tờ đơn giản. Đây là tỷ lệ cao nhất cả nước trong PCI 2018.

Đứng thứ hai trong bảng xếp hạng PCI 2018 là Đồng Tháp. Năm nay, Đồng Tháp tiếp tục phá vỡ kỷ lục của chính mình, khi đạt 70,19 điểm và xác lập năm thứ 11 liên tiếp nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố đứng đầu PCI cả nước.

Lần lượt ở vị trí thứ 3 và thứ 4 là Long An (68,09 điểm) và Bến Tre (67,67 điểm).

Đặc biệt cuộc đua PCI ghi nhận sự bứt phá mạnh mẽ của Hà Tĩnh khi tăng 10 bậc so với năm ngoái và lọt vào nhóm khá. Trong khi đó Đà Nẵng mất ngôi vị á quân, rớt xuống thứ 5 trong bảng xếp hạng, với 67,65 điểm. Đây là thứ hạng thấp nhất của Đà Nẵng kể từ PCI 2013 đến nay.

Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên Hà Nội có mặt trong Top 10 này. Có 71% doanh nghiệp tại Hà Nội đánh giá cán bộ am hiểu chuyên môn (năm 2017 là 57%); 86% cho biết cán bộ nhiệt tình, thân thiện (năm 2017 là 53%). Tỷ lệ doanh nghiệp phải chờ trên 3 tháng mới hoàn thành tất cả các thủ tục để chính thức đi vào hoạt động đã giảm mạnh từ 17% của năm trước đó, xuống còn 5% trong năm vừa qua.

Nhóm cuối trong PCI 2018 là Đắk Nông, Lai Châu, Bình Phước, Bắc Kạn và Kon Tum.

Hà Tĩnh là một trong số những địa phương có đà tăng mạnh mẽ nhất trên bảng xếp hạng qua các năm. (ảnh: nguồn internet).

Theo kết quả công bố, Hà Tĩnh là một trong số những địa phương có đà tăng mạnh mẽ nhất. Tính từ năm 2015, Hà Tĩnh đã bứt phá mạnh khi tăng đến 22 bậc... đạt vị trí 23 trong năm 2018, đứng cùng nhóm với các tỉnh thành khác trong nhóm khá của cả nước như: TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hải Phòng…

PCI 2018 đánh giá các chuyển động trên nhiều lĩnh vực của môi trường kinh doanh Việt Nam như chi phí không chính thức, cải cách thủ tục hành chính, giấy phép kinh doanh, mức độ minh bạch, môi trường cạnh tranh bình đẳng, các khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải… Bám sát những tiêu chí trên, ban lãnh đạo Hà Tĩnh đã có những chỉ đạo sát sao, quyết liệt, hiệu quả. Kết quả tăng 10 bậc trong bảng xếp hạng PCI là một minh chứng cụ thể nhất.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Đậu Anh Tuấn, Giám đốc dự án PCI cho biết: “Trong khi những cải thiện nhanh chóng của nhóm tỉnh đứng cuối là tín hiệu đáng mừng, thì sự chững lại của nhóm tỉnh đứng đầu PCI lại là điều đáng lo ngại. Những tỉnh đứng cuối đang có lợi thế của “người đi sau” khi có thể tham khảo và áp dụng những cách làm hay, thực tiễn tốt sẵn có từ những tỉnh nhóm trên để cải thiện môi trường kinh doanh tại địa phương mình”. 

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, điều tra PCI có thể xem là cuộc điều tra doanh nghiệp thường niên có quy mô lớn nhất, thực hiện một cách công phu nhất tại Việt Nam hiện nay, phản ánh cảm nhận của cộng đồng doanh nghiệp về môi trường kinh doanh tại Việt Nam hàng năm. 

Hoàng Hà

Tin nổi bật