Hơn 9 tháng đã qua kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, các cuộc giao tranh vẫn tiếp diễn, với điểm nóng là khu vực miền Nam và miền Đông đất nước. Trong những tháng qua, Kiev đã đạt được nhiều bước tiến đáng kể khi đẩy lùi Nga khỏi một số khu vực và giành lại quyền kiểm soát thành phố Kherson. Những thắng lợi này đã "tạo đà" cho Ukraine. Trong đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố mục tiêu của Kiev là giành lại toàn bộ những vùng lãnh thổ của nước này, bao gồm cả khu vực Donbas ở phía Đông và bán đảo Crimea.
Tuy nhiên, các nước phương Tây dường như không mấy lạc quan với kế hoạch này. Họ lo ngại bất kỳ hành động nào như vậy cũng có thể khiến căng thẳng với Nga leo thang, thậm chí lên tới xung đột hạt nhân.
Bản thân những chỉ huy Ukraine hiện cũng dè chừng về những bước đi tiếp theo của họ. Trao đổi với tờ Economist, cựu huy lực lượng không quân Ukraine, Mykhailo Zabrodsky, cho hay: "Nếu chúng tôi thông báo kế hoạch của mình trên mạng xã hội và trên TV, chúng tôi sẽ chẳng đạt được gì cả".
Vị cựu chỉ huy khẳng định một chiến dịch giành lại Crimea đang trong giai đoạn chuẩn bị và sẽ được tiến hành trong năm 2023. Tuy nhiên, thời điểm chính xác để bắt đầu chiến dịch này hiện "vẫn chưa rõ ràng".
Ukraine có kế hoạch giành lại bán đảo Crimea trong năm 2023. Ảnh: Economist
Các con đường dẫn đến Crimea hiện nằm trong tầm bắn của hỏa lực Ukraine, bao gồm cả các hệ thống tên lửa HIMARS. Các nhà chức trách do Nga chỉ định ở Crimea đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công trên bộ. Theo đó, họ đang ra lệnh xây dựng các rào chắn và chiến hào mới, đồng thời ban bố tình trạng khẩn cấp ở một số khu vực của bán đảo. Người dân ở Dzhankoy nói rằng các chiến hào đang được xây dựng gần một căn cứ không quân từng bị tấn công hồi tháng 8 vừa.
Trước khi giành lại Crimea, Ukraine có thể sẽ tấn công vào nhiều khu vực khác xung quanh trước. Trong đó, ưu tiên hàng đầu hiện nay vẫn là cây cầu nối liền Nga với Crimea. Các nhà hoạch định quân sự của Nga cũng lường trước điều này nên đã xây dựng và bố trí các tuyến phòng thủ phù hợp.
Một nguồn tin tình báo quân sự cho rằng các lợi thế về cấu trúc của Ukraine, chủ yếu là khả năng thực hiện các cuộc tấn công chớp nhoáng cơ động cao và phá vỡ các tuyến tiếp tế, sẽ chiếm ưu thế. Nguồn tin chia sẻ: "Chúng tôi đã chứng minh rằng chiến thuật và sự tập trung vào hậu cần của chúng tôi là đúng đắn. Chúng tôi sẽ thể hiện điều đó một lần nữa".
Những trận chiến ở Crimea trong thời gian dài đã giúp các nhà hoạch định chính sách Ukraine có những hiểu biết sâu sắc. Các hoạt động quân sự ở Crimea thường kết thúc với con số thương vong lớn. Chỉ riêng trong thế kỷ trước, hàng trăm nghìn người đã ngã xuống, phần lớn trong cuộc nội chiến ở Nga và Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Những chuyên gia quân sự cho rằng địa hình của Crimea sẽ khiến Ukraine cân nhắc kỹ trước khi tiến hành chiến dịch của mình. Đô đốc Mykola Zhibarev nhận xét ngoại giao vẫn là con đường tốt để giải quyết tranh chấp. Trong khi đó, ông Andrii Ryzhenko, một chỉ huy hải quân đã nghỉ hưu, sinh ra ở Crimea, nói rằng một chiến dịch sẽ đòi hỏi rất nhiều thứ để đi "đúng hướng". Ông cảnh báo: "Mọi thứ có thể kết thúc một cách đẫm máu. Đó là thứ mà Ukraine không cần".
Trung tướng Zabrodsky khẳng định rằng các nhà hoạch định quân sự của Ukraine đã nghĩ ra những chiến thuật có thể đạt được hiệu quả. Ông nói Ukraine không có ý định tham gia vào một cuộc tấn công trực diện vô nghĩa vào Crimea. Có những khả năng "thú vị" khác của việc điều động vũ khí kết hợp, sử dụng quân đội trên bộ, đổ bộ đường biển và tấn công trên không. Sự cai trị của hải quân và không quân Nga có thể bị cản trở bằng "các thủ đoạn phi đối xứng".
Các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine vào hạm đội Biển Đen vào cuối tháng 10 đã làm hư hại soái hạm Đô đốc Makarov và phá hủy một phần cây cầu Kerch nối Crimea với Nga. Đây có thể là những gì Ukraine đang suy tính. Ông Zabrodsky nhận xét: "Chúng tôi sẽ làm mọi người ngạc nhiên".
Những người ủng hộ phương Tây của Ukraine đã kiềm chế không nói ra những tham vọng quân sự của Ukraine trước công chúng. Tương tự như vậy, Ukraine khẳng định họ cũng không giữ kín các nhà hoạch định quân sự, song những khoảng trống dường như đang mở ra trong các bài hùng biện.
Người lính hàng đầu của Mỹ, Tướng Mark Milley, người có quan điểm thận trọng hơn về tình hình Ukraine, cho biết vào ngày 16/11 rằng chiến thắng của Ukraine ở Crimea khó có thể "xảy ra sớm". Các nhà hoạch định quân sự của Ukraine hiểu rằng Mỹ và vũ khí mà nước này cung cấp là chìa khóa cho việc liệu điều đó có bao giờ xảy ra hay không.
Các nhà lãnh đạo Kiev cũng từng thừa nhận rằng việc giành lại Donbas và Crimea phức tạp hơn nhiều so với những tuyên bố công khai. Họ chấp nhận rằng một tỷ lệ lớn dân số tại những nơi này vẫn giữ thái độ thù địch với Kiev. Do đó, chiến dịch giành lại Crimea có thể sẽ vấp phải sự kháng cự của lực lượng thân Nga. Dù vậy, Ukraine cho rằng họ vẫn có thể dựa vào một bộ phận người dân khác, chẳng hạn như cộng đồng người Tatar ở Crimea, những người chấp nhận sự cai trị của Nga như một việc đã rồi.
Tuy nhiên, ông Mykola Bielieskov, một nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia Ukraine, cho rằng ông Zelensky hiện đang bị "ràng buộc" với lời hứa giành lại Crimea. Nỗ lực đưa Crimea trở lại dưới sự cai trị của Ukraine sẽ là một nỗ lực quân sự tốn kém và có nguy cơ gây chia rẽ giữa Kiev và các đồng minh phương Tây, những người muốn tránh leo thang căng thẳng.
Minh Hạnh (Theo Economist)