Lao vào nhặt, cướp trắng tiền bạc, vật chất của người khác khi họ bất cẩn hoặc tai nạn, mặc cho người bị nạn khóc lóc van xin - được gọi chung là hôi của, đó là hành vi bất nhẫn, vô văn hóa. Và không quá khi nói rằng hành vi đó là “ăn cướp công khai”...
Hình ảnh đám đông tranh nhau “hôi sạch” 30 triệu đồng của cô gái đánh rơi ở TP.HCM gây phẫn nộ. |
Bản án cho lòng tham và nỗi ô nhục suốt đời vì hám lợi
Thật xấu hổ và phẫn nộ - đó là bình luận của cư dân mạng khi xem lại đoạn clip ghi lại cảnh nhóm người “hôi của” chỉ trong 15 giây lấy sạch 30 triệu đồng của cô gái đánh rơi trên đường ở TP.HCM. Theo đó, khi phát hiện có tiền rơi, thay vì nhặt trả lại cho nạn nhân, nhiều người đã lập tức lao vào "hôi của”, giành giật nhau đến tờ tiền cuối cùng rồi lạnh lùng bỏ đi. Thậm chí, trong đám đông xấu xí ấy, có người còn dừng xe cho đứa bé xuống nhặt tiền.
Bức xúc và phẫn nộ trước hành vi này, danh hài Chiến Thắng bày tỏ: “Tôi cũng có theo dõi thông tin về vụ việc này. Thực sự, tôi rất bức xúc, phẫn nộ khi xem đoạn clip nhóm người “hôi lấy hôi để” số tiền 30 triệu của cô gái chỉ trong 15 giây. Đến độ, cô gái đã nài nỉ, van xin cũng không chịu trả. Vậy, chẳng khác gì cướp ngày. Hành vi này quá bất nhân, thất đức, cần phải lên án mạnh mẽ”.
Câu chuyện “hôi tiền” của cô gái ở TP.HCM khiến tôi nhớ lại vụ “hôi bia” ở Đồng Nai 8 năm trước. Lúc đó, xe tải chở bia do tài xế Hồ Kim Hậu (30 tuổi, quê Bình Định) điều khiển không may gặp nạn. Toàn bộ số bia trên xe bị đổ tràn xuống đường. Thay vì giúp người gặp nạn, nhiều người dân lại đổ xô tranh cướp bia, hả hê bưng vác “chiến lợi phẩm” trước sự quỳ lạy, van xin và bất lực của tài xế Hậu. Và, cái giá phải trả cho lòng tham xấu xí đó... cực kỳ đắt! Hai trong số những đối tượng “hôi bia” đã bị TAND TP.Biên Hòa tuyên phạt 6 tháng tù giam dành cho mỗi người. 12 người còn lại bị phạt hành chính, cảnh cáo. Đây là một trong những vụ “hôi của” điển hình, gây rúng động dư luận suốt thời gian dài.
Thực tế, hiện tượng “hôi của” theo kiểu cướp ngày hiện hữu trong chính cuộc sống của chúng ta. “Hôi tiền”, “hôi bia”,... “hôi bất cứ thứ gì xểnh ra” của những người chẳng may gặp nạn trên đường trở thành vấn nạn xấu xí. Chỉ vì lòng tham nhất thời mà một người “tặc lưỡi”, thứ mình lấy chỉ là vài chục nghìn, một con vịt, hay một lon bia có đáng là bao, cũng không ảnh hưởng đến “nồi cơm” nhà ai... Nhưng, ai cũng nghĩ vậy, rồi nhào vào vơ vét, lấy vật không phải của mình, bỏ đi lạnh lùng trong sự van xin, khóc lóc của người bị nạn... Nghĩ càng đau lòng! Cảnh đám đông xấu xí “hôi của” đã vạch trần sự xuống cấp trầm trọng về ý thức, đạo đức của một bộ phận không nhỏ trong cộng đồng và thấy tổn thương cho hai chữ... “đồng bào”.
Người lớn nhưng nhân cách không bằng đứa trẻ
Đáng nói, dù bị dư luận xã hội lên án gay gắt, nhiều “tấm gương tày liếp” bị pháp luật xử lý, nhưng hành vi “ăn cướp công khai” vẫn liên tiếp xảy ra... Sự tham lam vô lối đã lấn át lý trí và lòng tự trọng khiến họ - những người này dù biết rõ việc mình làm là sai, nhưng vẫn dung túng bản thân, cho mình cái quyền ngang nhiên “đút túi” của cải, tiền bạc của người khác, kiếm chác trên nỗi khốn khổ của nạn nhân.
Nói về thực trạng này, ca sĩ Đoan Trường cho hay: “Rõ ràng đây là hành vi xấu xí, vô văn hóa. Thay vì giúp đỡ, nhặt trả lại giúp người bị nạn, thì quay ra chiếm đoạt bỏ vào túi mình. Thật đáng sợ! Chỉ phút chốc, lòng tham trỗi dậy đã lấn át tình người trong cơn hoạn nạn. Buồn thay, con sâu làm rầu nồi canh, nếu những hình ảnh này lan truyền khắp mạng xã hội sẽ làm xấu đi hình ảnh của người Việt trong mắt bạn bè quốc tế”.
Danh hài Chiến Thắng bức xúc, cho rằng hành vi “hôi của” là bất nhân, thất đức. |
Ngẫm về câu chuyện đáng buồn này, tôi chợt nghĩ đến hành động đẹp của những em học sinh “nhặt được của rơi tìm người trả lại”. Đó là cậu bé Võ Văn Hải (13 tuổi, TP.Hà Tĩnh) nhặt được 50 triệu đồng đã mang đến công an phường nhờ tìm người đánh rơi để trả lại. Hay, chuyện về cậu học sinh Đặng Đình Nam (lớp 4, Mỹ Đức, Hà Nội) đi xe đạp cũ, chân xỏ chiếc dép gần đứt quai đến công an xã để giao số tiền hơn 3 triệu đồng nhặt được trên đường khiến bao người khâm phục. Và, “dép rách nhưng nhân cách cháu điểm 10” là lời khen mà cư dân mạng dành cho cậu học trò lớp 4.
Thực sự, bé Hải, Nam vẫn đang tuổi ăn tuổi chơi, hồn nhiên, thơ ngây, nhưng tấm lòng của các con vô cùng nhân hậu và cao đẹp. Còn ít tuổi, nhưng con đã biết suy nghĩ lớn, biết “nhặt được của rơi tìm người trả lại”. Ngẫm từ việc làm rất nhỏ, nhưng đầy ý nghĩa của hai bạn nhỏ này, tôi cảm thấy xấu hổ, nhục nhã thay cho những kẻ “hôi của” kia – là người lớn nhưng nhận thức, đạo đức, nhân cách không bằng một cậu học sinh lớp 4.
Xã hội càng văn minh, con người càng phải có văn hóa và hiểu biết pháp luật. Với những người gặp khó khăn hoạn nạn theo đạo đức xã hội và văn hóa của người Việt Nam là giúp đỡ, động viên, tạo điều kiện cho họ. Trong khi bao nhiêu người sẵn sàng bỏ tiền của mình ra, để ủng hộ những hoàn cảnh khó khăn, thì một số kẻ lại lợi dụng nỗi đau khổ, hoạn nạn của người khác để chiếm đoạt tài sản. Đây là hành vi không thể dung thứ, và cần phải xem xét xử lý bằng các chế tài của pháp luật.
“Sao bây giờ, không ít người thiếu nhân văn quá! Nhặt được mấy đồng tiền, mấy món đồ đó có giúp mình giàu được lên đâu. Giàu đâu chẳng thấy, có khi lại mang nghiệp. Tiêu những đồng tiền mồ hôi công sức của người khác, liệu có vui, có hạnh phúc không?”, danh hài Chiến Thắng xót xa. |
Hà Linh
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Thứ 4(20)