Theo Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng, chủ trương tách Jetstar Parcific khỏi Vietnam Airlines đã có từ lâu tuy nhiên đây là kế hoạch dài hạn. Việc tách Jetstar Parcific sẽ giúp thị trường vận tải hàng không Việt Nam có ít nhất 3 hãng, làm tăng tính cạnh tranh về chất lượng, giá cả, có nhiều mức để người dân lựa chọn.
Tuy nhiên, lộ trình chia tách này cần thực hiện từng bước và cân nhắc bởi thực tế sau khi trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế, Jetstar Parcific vẫn đang cần sự hỗ trợ lớn về vốn từ Vietnam Airlines. Do đó, theo Bộ trưởng Thăng, ít nhất phải đợi Jestar hết lỗ mới có thể tách ra. "Theo kế hoạch, năm nay Jetstar Pacific sẽ hết lỗ rồi sau đó tính tiếp", Bộ trưởng cho biết.
Về hình thức tách hai doanh nghiệp này, theo Bộ trưởng Thăng, cũng giống như một dạng cổ phần hóa, Jetstar sẽ được tách bằng cách bán cổ phần để giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước mà đại diện đang là Vietnam Airlines. Hiện tại Nhà nước - Vietnam Airlines đang nắm giữ gần 70\% cổ phần tại hãng hàng không giá rẻ này.
Tuy đã có chủ trương và việc tách Jetstar Parcific gần như đã là chắc chắn, nhưng phía Jetstar Parcific và Vietnam Airlines đều có vẻ khá nuối tiếc trước quyết định này.
Tổng giám đốc Jetstar Pacific Lê Hồng Hà nhận định để tạo môi trường hàng không cạnh tranh hơn thì đúng là cần có sự độc lập giữa các hãng. Tuy nhiên, xu hướng của nhiều hãng hàng không Châu Á thời gian gần đây là thương hiệu "kép", có nghĩa là một hãng truyền thống có hãng giá rẻ đi kèm.
Đại diện Jetstar Parcific lấy ví dụ hãng Qantas của Australia có công ty con là Jetstar; Singapore Airlines mới đây thành lập hai hãng giá rẻ là Silk Air và Scoot; Thai Airways giành lại quyền kiểm soát Nok Air và mở thêm Thai Smile. Việc có thương hiệu kép sẽ giúp một hãng hàng không "phủ sóng" được tất cả phân khúc khách hàng từ cao - trung bình và thấp.
Tương tự, trong bản kế hoạch phát triển 5 năm tới của Vietnam Airlines, Jetstar Pacific luôn là một bộ phận không thể tách rời. Tại báo cáo tài chính mới công bố trước thềm IPO, định hướng kế hoạch đầu tư của Vietnam Airlines vẫn có một phần dành để tăng vốn tại Jetstar Pacific.
Là hãng hàng không giá rẻ đầu tiên của Việt Nam, Jetstar Pacific được thành lập vào năm 1991. Trải qua nhiều lần thay đổi về cổ đông, hiện Jetstar Pacific có vốn điều lệ 1.867,4 tỷ đồng. Trong đó, phần vốn của Vietnam Airlines là 1.266,6 tỷ đồng, chiếm 67,83\%. Tập đoàn Qantas của Australia giữ 30\%.
Vietnam Airlines và Jetstar Airlines từng trải qua hai lần nhập vào và một lần tách ra. Lần đầu tiên vào năm 1995, Jetstar Pacific được nhập vào Vietnam Airlines dưới tên Pacific Airlines. Lần thứ hai vào năm 2012, Vietnam Airlines tiếp nhận gần 70\% phần vốn của Jetstar Pacific từ Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Sau khi về với Vietnam Airlines, lỗ hoạt động kinh doanh của Jetstar Airlines đã giảm đáng kể từ (lỗ) 437 tỷ đồng năm 2011 xuống còn (lỗ) 213 tỷ đồng năm 2012 và còn (lỗ) 109 tỷ năm 2013.