Ngày bé, mỗi khi bước lên chiếc xe ô tô khách cũ kĩ cùng cả lớp đi tham quan hay cùng gia đình đi nghỉ mát, tôi luôn mơ về cảnh một ngày nào đó bước chân lên chiếc máy bay. Máy bay trong tôi lúc đó luôn là một hình ảnh vô cùng sang chảnh. Đến nơi cực nhanh - tất nhiên, nhưng kèm theo đó là những hàng ghế da long lanh và những cô tiếp viên rạng ngời, cabin luôn thơm phức mùi thơm, còn hành khách thì toàn những người sang trọng, nho nhã.
Mãi đến sau này, khi đã lớn, có nhiều cơ hội đi máy bay, tôi mới cay đắng nhận ra rằng: Thôi thì không phải ước mơ nào cũng có thật. Tôi cũng biết, mình không phải người duy nhất.
Đã có những câu chuyện về người Việt bị đình chỉ bay 4 tháng vì sửa dụng điện thoại di động trên máy bay, hay những tiếng xì xầm “It’s Vietnamese” của người nước ngoài trên máy bay. Tâm lý “mình bỏ tiền, mình được quyền hưởng” của họ cũng có thể giúp họ tự tin phớt lờ trước sự khó chịu của các hành khách nước ngoài.
Tôi còn nhớ chuyến bay tới Bangkok cùng một người bạn gái, trên chuyến bay đó, bao quanh chỗ tôi ngồi là hơn chục người đàn ông Việt Nam đang bay đi xuất khẩu lao động. Tôi xin thề rằng mình không hề có ý thiếu tôn trọng họ, với tôi - xúc động nhất và cũng cũng đáng trân trọng nhất là hình ảnh những người lao động phải xa gia đình.
Tôi vẫn giữ nguyên sự tôn trọng ấy trong suốt chuyến bay, ngay cả khi một trong số họ - ngồi cạnh tôi - cứ nhìn chòng chọc vào màn hình tivi mà tôi đang xem trên-ghế-của-mình, hay gác chân lên ghế phía trước rồi ngáp thành tiếng. Tôi giữ nguyên sự tôn trọng ấy, cho đến khi tôi đứng lên lấy hành lý, đứng chờ xuống máy bay. Họ ngồi yên ở ghế (bởi họ sẽ chuyển tiếp thêm một chuyến bay nữa), và nhìn chòng chọc vào chúng tôi bằng một cái nhìn cực kỳ khiếm nhã.
Thế rồi, 2-3 người trong số họ cất tiếng trêu chọc chúng tôi bằng những từ ngữ khiếm nhã. Tức giận? Xấu hổ? Không, cảm giác của tôi khi đó không hẳn là tức giận, cũng không hẳn là xấu hổ ( trên một hãng hàng không nước ngoài, 2/3 hành khách là người nước khác đã may mắn không phải nghe những từ kinh khủng đó).
Tôi nghĩ, từ chính xác nhất sẽ là “thất vọng”. Chưa bao giờ tôi cảm thấy thất vọng về tư cách của một bộ phận người Việt đi máy bay như vậy. Nghiêm túc đấy: Tại sao họ có thể hành xử như thể họ đang ngồi ở đầu phố, uống rượu say mèm và tự cho mình cái quyền trêu chọc người khác một cách khiếm nhã?
Nhưng sau đó, tôi không mấy nghĩ đến chuyện này và chuyển hướng sang việc cảm thông cho họ nhiều hơn. Tôi đã nghĩ rằng: Không phải ai đi máy bay cũng như vậy và còn rất nhiều người Việt hiện đại, hiểu biết sẽ không khiến người khác phải khó chịu mỗi khi bay cùng như trên báo nói. Chà, các bạn biết đấy, tôi ĐÃ NGHĨ như vậy.
Tôi đã nghĩ như vậy cho đến lần thứ 2, khi tôi đáp chuyến bay từ Singapore về Việt Nam. Tôi đã tận mắt chứng kiến một hình ảnh mà khiến tôi sượng sùng cho đến tận bây giờ. Đó là khi một nhóm người Việt nhìn thấy điều hòa phun sương đã cùng nhau cười đùa và hô lên với nhau: “Cháy kìa!!!”.
Thật may cho họ, tiếp viên hàng không đang ở cách đó rất xa và họ không nghe thấy lời nói đùa "tối kỵ" trên máy bay này. Cảm giác như thế nào ư? Tôi gần như uất ức và chỉ muốn hét lên, vì không hiểu nổi tại sao họ trông rất trí thức và có thể là nhân viên quan trọng của một công ty. Thậm chí tôi đã mong giá như có nhân viên nào của tổ bay nghe thấy và phạt hành chính họ, cho chừa.
Tôi biết, viết những lời này có thể sẽ nhận phải những sự chỉ trích khủng khiếp. Đừng hiểu lầm và cho rằng tôi là một kẻ chỉ ưa bới móc, ngược lại, tôi là một kẻ tin vào sự vô tư, sự trong sáng và hồn hậu của người Việt đến mù quáng.
Tôi đã cố gắng bằng tất cả sự cảm thông của mình, đã phớt lờ những cái chân đạp vào ghế thùm thụp, cố ngửi mùi một bà mẹ thay tã cho con rồi giấu biệt cái bỉm đằng sau mấy tờ tạp chí, tôi cũng nhẫn nại thả trôi mình theo dòng người xô đẩy bằng mọi cách để xếp hàng chờ lấy hành lý xuống máy bay khi máy bay chưa dừng hẳn, tôi đã phớt lờ và thông cảm cho tất cả với đủ mọi chống chế của chính mình:
"Chà, đó là một bà mẹ bận rộn! Chà, chắc hẳn người ngồi sau mình đang mỏi chân lắm đây! Chà, có lẽ là ai cũng vội cả vì ai cũng muốn vào nhà vệ sinh thật nhanh!". Nhưng hét lên và cười đùa về một vấn đề quá đỗi nhạy cảm trên một phương tiện quá đỗi nhạy cảm? Hay trêu chọc con gái, phụ nữ bằng những lời khiếm nhã và tục tĩu? Không, những hành động đó không gì có thể biện minh, chẳng gì có thể giải thích ngoài sự vô duyên và bất lịch sự.
Ở nước ngoài, các bạn trẻ đã cùng nhau lập một tài khoản Instagram để chụp và lên án những hành khách vô duyên, bất nhã trên các phương tiện công cộng. Có lẽ thời điểm này, chúng ta chưa cần một tài khoản như vậy cho hành khách Việt. Nhưng biết đâu đấy, nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn, sẽ chẳng có ai bất ngờ nếu một ngày, hình ảnh của hành khách Việt xuất hiện trên trang Instagram nọ hay tệ hơn, có hẳn một trang riêng về họ.
Tạo ra một hình ảnh không đẹp và thiếu thiện cảm về người Việt trong mắt những người khách nước ngoài - khi ấn tượng đầu tiên và cuối cùng về Việt Nam là qua cái họ nghe và nhìn thấy trên các chuyến bay, có lẽ, chỉ cần những cách đơn giản như thế: cứ đi máy bay mà phớt lờ mọi lời nhắc nhở về an toàn bay, cứ đi máy bay mà phớt lờ những phép lịch sự tối thiểu ở nơi công cộng...