Lệnh cấm vận mua bán vũ khí của Liên Hiệp Quốc kéo dài 5 năm qua nhằm vào Iran đã được gỡ bỏ, Bộ Ngoại giao nước này cho biết.
Một giáo sĩ Iran ngắm các tên lửa đất đối đất được sản xuất nội địa. Ảnh: AP |
"Đến hôm nay, mọi biện pháp hạn chế chuyển giao vũ khí, các dịch vụ tài chính và hoạt động liên quan đến Iran sẽ tự động hủy bỏ", Bộ Ngoại giao Iran nói trong thông báo ngày 18/10.
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif ngày 18/10 nói đây là ngày trọng đại và cho rằng việc Iran có thể hợp tác quốc phòng trở lại với các nước là chiến thắng của cơ chế đa phương, hòa bình và an ninh.
Tuy vậy, việc được “cởi trói” khỏi lệnh cấm từ năm 2007 không đồng nghĩa Iran sẽ bắt đầu ngay màn mua sắm vũ khí ồ ạt.
Mặc dù Iran không ít lần nhấn mạnh rằng sẽ không có kế hoạch “mua vũ khí tùy tiện”, nhưng về lý thuyết, Iran có quyền mua vũ khí để nâng cấp hệ thống vũ khí được trang bị từ trước Cách mạng Hồi giáo năm 1979 và bán vũ khí sản xuất trong nước ra nước ngoài.
Tuy nhiên, trên thực tế, với thực trạng nền kinh tế vẫn đang bị tê liệt bởi các lệnh trừng phạt trên diện rộng của Mỹ, việc giao dịch mua bán vũ khí là khó có thể xảy ra với các nước khác, nếu như Tehran và các đối tác không muốn bị Washington trả đũa tài chính.
Theo thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và các nước P5+1 (Anh, Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc + Đức) hồi năm 2015, Iran hạn chế chương trình phát triển hạt nhân để được dỡ bỏ các lệnh cấm vận của quốc tế, trong đó có lệnh cấm vận vũ khí.
Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2018 nhưng nhiều lần kêu gọi giữ nguyên lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran, vấp phải sự phản đối của các bên còn lại.
Các quan chức Mỹ cáo buộc Iran đã cung cấp vũ khí cho các nhóm vũ trang trong khu vực và lo sợ việc buôn bán vũ khí giữa Iran với Trung Quốc và Nga sẽ tăng lên một khi lệnh cấm vận hết hạn, theo Hãng tin Anadolu.
Đầu năm nay Mỹ đã cố gắng vận động để khôi phục các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Iran, bao gồm gia hạn lệnh cấm vận vũ khí, song tất cả các dự thảo nghị quyết do Washington đưa ra đều bị bác bỏ.
Mộc Miên (T/h)